Tháng bận rộn của Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương lúc TQ hung hăng

Mỹ tăng cường các hoạt động của máy bay và tàu chiến trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục các động thái hung hăng.

Không quân Mỹ thời gian qua đẩy mạnh triển khai hoạt động của máy bay ném bom chiến lược B-1B tại các vùng biển gần Trung Quốc. Các chuyến bay đi kèm với hoạt động gia tăng của cả Hải quân và Không quân Mỹ tại Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, và biển Hoàng Hải.

Trong thông báo mới nhất đăng tải trên Twitter hôm 19/5, lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cho biết đã triển khai máy bay ném bom B-1B tiến hành nhiệm vụ trên vùng trời Biển Đông nhằm "thể hiện năng lực của không lực Mỹ trong đối phó với môi trường an ninh đa dạng và bất ổn định.

Hoạt động này diễn ra chỉ vài ngày sau khi các máy bay này tham gia tập trận với Hải quân Mỹ gần Hawaii.

Hôm 1/5, Không quân Mỹ đã triển khai 4 máy bay ném bom B-1B cùng 200 binh sĩ từ Texas tới căn cứ không quân Andersen tại Guam. Washington khẳng định nhiệm vụ của lực lượng này là hỗ trợ Không quân ở Thái Bình Dương tiến hành các hoạt động chính thức và huấn luyện cùng các đối tác, đồng minh.

 Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer. Ảnh: South China Morning Post.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer. Ảnh: South China Morning Post.

Trong tháng 5, B-1B sau khi được triển khai tới Guam đã tiến hành tuần tra tại biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Việc máy bay ném bom chiến lược của Mỹ hoạt động ngoài khơi hòn đảo vốn là điểm nhạy cảm trong quan hệ Washington - Bắc Kinh được miêu tả là thông điệp gửi tới Đài Bắc, rằng Mỹ sẽ không từ bỏ ảnh hưởng truyền thống tại khu vực.

Trước đó nữa, Không quân Mỹ điều hai máy bay ném bom B-1B Lancers trong nhiệm vụ kéo dài 32 giờ liên tục tại Biển Đông hôm 29/4. Lực lượng này cũng luân phiên sử dụng các máy bay B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom được biên chế trong không quân, để tuần tra trên Biển Đông, thách thức yêu sách vô lý của Trung Quốc.

Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hôm 20/5 còn cho biết Hải quân Mỹ đã tập trận chống thủy lôi tại biển Hoa Đông.

Bước đi răn đe Trung Quốc

Việc Mỹ tăng cường các hoạt động quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trùng với thời điểm Trung Quốc có hàng loạt hành động hung hăng ở vùng biển trong khu vực.

Li Jie, chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cho rằng việc triển khai máy bay B-1B cho thấy Washington đang tiếp tục sử dụng cách tiếp cận răn đe chiến lược, khi Không quân Mỹ thực hiện 11 lần xuất kích trong tháng 3 và 13 lần trong tháng 4, các khu vực hoạt động là eo biển Đài Loan và Biển Đông.

"Rõ ràng, những người ra quyết định tại Lầu Năm Góc đang cố gắng sử dụng máy bay ném bom làm công cụ mới trong răn đe chiến lược đối với Trung Quốc. Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự can dự của B-1B ở mức độ gia tăng tại không phận eo biển Đài Loan và Biển Đông trong thời gian tới", ông Li đánh giá.

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. Ảnh: Reuters.

Trong tháng 2 và 3, Trung Quốc đẩy mạnh khoan thăm dò tại một số khu vực ở Biển Đông. Nước này cũng tiến hành nhiều cuộc tập trận như chống tàu ngầm tại Biển Đông. Bắc Kinh thậm chí triển khai hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tham gia các cuộc tập trận ở khu vực.

Từ giữa tháng 4, Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng biển ngoài khơi Malaysia. Hộ tống tàu Hải Dương 8 là hàng chục tàu hải cảnh và tàu vũ chiến Trung Quốc, hiện diện gần vị trí tàu thăm dò West Capella của Malaysia và cản trở hoạt động của tàu này, theo Reuters.

Hôm 14/5, Hải quân Trung Quốc đã khởi động cuộc tập trận kéo dài 11 ngày trên vùng biển Hoàng Hải, ngoài khơi thành phố cảng Đường Sơn.

Trung Quốc đang tiếp tục nâng cấp năng lực quân sự của nước này. Trong tháng 4, Bắc Kinh đã đưa vào biên chế hai tàu ngầm hạt nhân chiến lược được nâng cấp. Trung Quốc cũng đang xem xét khởi động kế hoạch phát triển thế hệ máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, cường kích tàng hình siêu thanh tên gọi Xian H-20. Nhiều khả năng dự án sẽ khởi động trong năm nay.

Mỹ không có lựa chọn khác?

Zhu Feng, giám đốc trung tâm nghiên cứu quốc tế từ Đại học Nam Kinh, cho rằng đối đầu tại Biển Đông đã trở nên "căng thẳng và hỗn loạn" trong 3 tháng qua. Ông Feng lập luận tình hình căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang trên Biển Đông thời gian qua có "liên hệ mật thiết" tới xung đột chính trị và ngoại giao giữa hai nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy diễn biến trên Biển Đông đã liên tục leo thang sau các cuộc tập trận do Bắc Kinh tiến hành, và đặc biệt sau khi các tàu hải cảnh và tàu chiến Trung Quốc hiện diện ở ngoài khơi của Malaysia nhằm ngăn cản hoạt động của tàu thăm dò West Capella. Trước đó, tàu Trung Quốc cũng đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines và Việt Nam.

"Đây rõ ràng là chiến lược có chủ đích của Trung Quốc nhằm tận dụng tối đa cái mà họ coi là khoảnh khắc mất tập trung và suy giảm năng lực của Mỹ, để gây sức ép lên các nước láng giềng", Peter Jennings, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Australia, hiện là giám đốc điều hành Viện Chính sách chiến lược Australia, trả lời New York Times.

Tuần dương hạm USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần tàu thăm dò West Capella. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong khi đó, giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định rằng Trung Quốc vẫn chú tâm vào chiến lược dài hạn trên Biển Đông trong suốt thời gian nước này đối phó với đại dịch Covid-19.

"Trung Quốc muốn tạo ra thực tiễn bình thường mới trên Biển Đông, và để đạt được điều đó, họ đã trở nên ngày càng hung hăng", ông Vuving bình luận với New York Times hồi tháng 4.

Chuyên gia Timothy Heath từ trung tâm tư vấn chính sách Rand Corporation cho rằng Mỹ "không có lựa chọn nào khác" ngoài tăng cường các hoạt động quân sự, trong bối cảnh nỗ lực ngoại giao nhằm giảm sự hung hăng của Trung Quốc đã không phát huy tác dụng.

"Washington thể hiện sự nghiêm túc trong duy trì tính chất quốc tế của Biển Đông, đồng thời gửi tín hiệu tới các đối tác và đồng minh, rằng Mỹ sẵn sàng tuân thủ các cam kết", ông Heath nhận định.

Các chuyến bay với tần suất dày đặc của máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-52 được một số chuyên gia nhận định không chỉ nhằm phản ánh sự hiện diện thường trực của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà hơn thế nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng trong tương lai.

"B-1, thay thế cho B-52, cần tuần tra quanh vùng biển này để nắm rõ điều kiện chiến trường", Song Zhongping chuyên gia quân sự tại Hong Kong, nhận định.

Trung Quốc và Mỹ đang bước vào cuộc cạnh tranh toàn diện trên mọi khía cạnh, tình thế hiện nay đáng lo ngại hơn cả đối đầu Mỹ - Liên Xô trong chiến tranh lạnh. "Nguy cơ xung đột vũ trang không thể bị loại trừ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Thực tế, nguy cơ này đang tăng lên", ông Song nói.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thang-ban-ron-cua-khong-quan-my-o-thai-binh-duong-luc-tq-hung-hang-post1086787.html