Tháng 9/2020: Hàng loạt chính sách quan trọng về tiền lương, giáo dục có hiệu lực thi hành

Lương tối thiểu vùng 2021 tăng hay giữ nguyên, kết hôn trong phạm vi 3 đời bị phạt tiền đến 20 triệu đồng, hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần…là những quy định mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2020.

Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ LĐ, TB&XH chủ trì theo dõi, đánh giá việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động theo hợp đồng lao động, hoàn thành trong tháng 9/2020.

Theo Nghị định 82/2020/NĐ-CP, từ 1/9, cá nhân kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa người có họ trong phạm vi ba đời thì bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, hành vi này chỉ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, mức phạt này còn áp dụng với các hành vi vi kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; Cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn; Lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân;

Nghị định 87/2020/NĐ-CP quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến. Theo đó, từ 15/9, trường hợp thực hiện việc đăng ký hộ tịch làm thay đổi thông tin hộ tịch của cá nhân không phải tại cơ quan đăng ký hộ tịch trước đây thì sau khi thực hiện việc cập nhật trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo quy định của Nghị định này, cơ quan đăng ký hộ tịch có trách nhiệm gửi thông báo tới cơ quan đã đăng ký việc hộ tịch trước đây để ghi chú nội dung thay đổi vào Sổ hộ tịch tương ứng.

Thông tư 03/2020/TT-BNV quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được người có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu hoặc đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong trường hợp người tố cáo đó không thuộc thẩm quyền quản lý của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.

Cũng theo Thông tư này, không thực hiện việc điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 5/9.

Lương tối thiểu vùng 2021 sẽ được tăng lên hay giữ nguyên? (ảnh minh họa)

Lương tối thiểu vùng 2021 sẽ được tăng lên hay giữ nguyên? (ảnh minh họa)

Theo Nghị định 88/2020/NĐ-CP, từ 15/9, mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp, tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động khám, sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800.000 đồng/người/lần khám

Nghị định 84/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giáo dục nêu rõ, từ 1/9, giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm; Giáo viên trường trung cấp và giảng viên trường cao đẳng được nghỉ hè 6 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thang-9-2020-hang-loat-chinh-sach-quan-trong-ve-tien-luong-giao-duc-co-hieu-luc-thi-hanh-post442727.antd