Tháng 7 tri ân

Hàng năm, vào những ngày này, Thư viện Quân đội thường phối hợp với các đơn vị tổ chức giao lưu văn học nghệ thuật để tìm về những ký ức của lớp người đi trước, để hiểu thêm về một thời hào hùng và gian khổ. Trong số đó, người mà tôi ấn tượng nhất trong các cuộc giao lưu là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm.

Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây cũng là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy ý nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong mỗi con người Việt Nam và nhất là những thanh niên đang khoác trên người bộ quân phục màu xanh, lại dâng trào lòng biết ơn với những hy sinh, mất mát của lớp cha anh đi trước cho chúng ta ngày nay được sống trong tự do, hòa bình và hạnh phúc.

Hàng năm, vào những ngày này, Thư viện Quân đội thường phối hợp với các đơn vị tổ chức giao lưu văn học nghệ thuật để tìm về những ký ức của lớp người đi trước, để hiểu thêm về một thời hào hùng và gian khổ. Đây cũng là một bó hoa trong ngàn vạn bó hoa dâng tặng các anh, là nén tâm nhang thắp cho những người nằm xuống. Nhiều diễn giả đã được Thư viện Quân đội mời đến nói chuyện với các cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị như các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, họa sĩ, thương binh Lê Duy Ứng...

Trong số đó, người mà tôi ấn tượng nhất trong các cuộc giao lưu là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Bình thường anh là người rất kiệm lời, khi được mời đến các đơn vị, trước khi tham gia giao lưu anh thường tìm một góc ngồi suy tư nghĩ ngợi, không ai biết anh đang nghĩ gì. Thế mà khi lên sân khấu giao lưu với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị anh như trở thành một người khác hẳn. Anh nói và đọc thơ như lên đồng, cuốn hút người nghe đến nỗi, khi anh bảo trong hội trường hôm nay vẫn có các liệt sĩ như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Thượng Lân ..., ngồi cuối hội trường mà tôi và mọi người đều cảm thấy có gì đó thật linh thiêng, cảm giác đúng như anh nói vậy và thật đáng trân trọng. Tôi rất tâm đắc với câu anh nói: “Người chết chỉ thực sự chết đi khi không còn trong lòng người sống, vậy thì Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Vũ Đình Văn... sẽ còn sống mãi trong lòng chúng ta”.

Hoàng Nhuận Cầm là một người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 trong đội hình của Sư đoàn 325B, anh cũng là một thi sĩ nổi tiếng với nhiều tác phẩm đoạt giải cao như: Chiếc lá buổi đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu,... ngoài ra anh còn là một nhà biên kịch tài ba với nhiều kịch bản phim xuất sắc như Đêm hội Long Trì và mới đây nhất là kịch bản bộ phim Mùi cỏ cháy đã giành giải Cánh Diều vàng của liên hoan phim Việt Nam năm 2011. Kịch bản bộ phim được viết từ năm 2005 khi nhà thơ đọc cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, 7 năm sau mới hoàn thành. Tuy nhiên, ý tưởng làm phim về chiến tranh đã được nhà thơ ấp ủ từ năm 1972 khi chiến đấu ở chiến trường Quảng trị. Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc vừa là bạn, là đồng môn, lại là đồng đội. Các anh thuộc về một lớp thanh niên tài hoa ngày đó đã ra trận và không ít người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lịch sử của đất nước ta – “đất nước nơi đầu sóng”, ngàn năm trước từng gian lao, vất vả để xây dựng và bảo vệ – là lịch sử được ghi bằng máu của những người con ưu tú đã hy sinh cuộc đời mình cho dân tộc, cho nền độc lập, tự do. Bài văn bia khắc tại Nghĩa trang Bến Dược, Củ Chi có một câu thật thấm:

“Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn.

Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường?”

Để có chiến thắng lớn của toàn dân tộc biết bao máu đã đổ và rất nhiều vành khăn tang đã chít. Chúng ta mãi mãi tri ân những hy sinh đó, các anh - những người đã khuất - luôn sống mãi như dân tộc, đất nước mãi trường tồn!

Thông qua các cuộc giao lưu với các nhà văn, nhà thơ, chúng ta hiểu thêm về những hy sinh, gian khổ của cha anh trong chiến tranh và cả trong cuộc sống hôm nay. Những thanh niên thế hệ trẻ hôm nay nguyện bước tiếp con đường của các anh vì một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “công bằng, dân chủ và văn minh”. Máu của các anh đã đổ không hề uổng phí, lớp lớp con em sẽ sẵn sàng đổ tiếp những giọt máu đào để giữ gìn nguyên vẹn từng tấc đất biên cương. Thế hệ trẻ ngày nay luôn sẵn sàng chung tay, góp sức để cùng với cả xã hội góp phần tri ân những liệt sỹ, thương binh đã hy sinh cả cuộc đời hay một phần thân thể mình cho cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập mà Bác kính yêu của chúng ta cũng như muôn vạn liệt sỹ, thương binh đã cống hiến cả cuộc đời mình!

…Hôm nay, khi tôi viết những dòng này, nhà thơ-chiến sĩ Hoàng Nhuận Cầm đã về với Đất Mẹ cùng bao đồng đội của anh, nhưng những bài thơ, những câu chuyện anh đã chia sẻ về những năm tháng chiến đấu chống Mỹ vẫn còn đọng lại mãi trong lòng những cán bộ, chiến sĩ đã tham gia các cuộc giao lưu làm chúng tôi thêm kính trọng, tự hào về thế hệ cha anh đi trước. Và chúng tôi sẽ không bao giờ quên một câu nói của liệt sĩ Vũ Xuân mà khi kết thúc mỗi buổi giao lưu anh vẫn chia sẻ: “Đừng làm hoen ố máu của những người đi trước “.

Theo trái tim người lính

Nguyễn Cúc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thang-7-tri-an-a2432.html