Tháng 6, nhớ cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai

Tôi viết lại về ông trong những ngày tháng Sáu, giữa không khí chung của ngành Ngoại giao đang hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (28/8/1945-28/8/2020)...

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai trả lời phỏng vấn báo chí về việc bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ tại Hà Nội.

Cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai, cái tên ấy tôi được nghe rất nhiều từ những nhân vật tôi từng phỏng vấn, đâu đó trong câu chuyện của cuộc đời họ có dấu ấn của ông. Cái tên ấy cứ mỗi lần được gợi nhớ là trên khuôn mặt những người kể chuyện lại da diết một niềm nhớ thương, trân quý và cảm phục. Có lẽ, Lê Mai - ông chẳng phải một vĩ nhân nhưng với ngoại giao Việt Nam thời kỳ “phá vây”, ông là người tạo ra một “di sản” cho đất nước, cho riêng mình; với nhiều lớp cán bộ của Ngành, ông là người lãnh đạo, người thầy, người bạn biết cách chạm tới trái tim của người khác, thấu hiểu, sẻ chia và nâng đôi cánh…

Thứ trưởng Lê Mai sinh năm 1940, tại Huế. Ngày 13/6/1996, ông đột ngột qua đời ở tuổi 56. Đây là mất mát lớn đối với nền ngoại giao nước nhà. Không ít người đã từng trăn trở, nếu còn Thứ trưởng Lê Mai, ngoại giao Việt Nam sẽ có nhiều thành công hơn nữa! Đã 24 năm kể từ đó, hình ảnh nhà ngoại giao với dáng người mảnh mai, nói tiếng Anh thành thạo, nụ cười đôn hậu thường trực trên môi vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm trí của nhiều người, không chỉ của Việt Nam mà cả quốc tế. Nhắc tới hai từ “Lê Mai”, thẳm sâu trong lòng không ít cán bộ ngoại giao là nỗi nhớ, một chút thoáng buồn nhưng trên hết thảy là sự trân quý. Phải chăng như vậy là đủ đẹp và cao quý với một cuộc đời làm đối ngoại!

“Người tạo vòng liên kết”

Ngay từ khi còn là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Thái Lan, ông Lê Mai đã được truyền thông phương Tây ca ngợi là nhà ngoại giao mẫn tiệp. Tại một cuộc họp báo do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Siddhi Savetsila (sau này là Thủ tướng) chủ trì vào đầu những năm 1990 tại Hà Nội, tuyên bố Việt Nam rút quân hoàn toàn khỏi Campuchia, đích thân ông Siddhi Savetsila đã ca ngợi vai trò của Đại sứ Lê Mai (lúc này là Thứ trưởng Ngoại giao), người “đã tạo dựng một vòng liên kết thân thiện và cảm tình của dư luận quốc tế trong việc đối phó và hóa giải vấn đề Campuchia một cách mềm dẻo và khôn khéo”.

“Kiến trúc sư” của mối bang giao Việt – Mỹ là từ nhiều người trong cuộc dành cho ông Lê Mai, bởi rằng, phần nhiều tên tuổi của ông gắn liền với một trong những giai đoạn sôi động, phức tạp và khó khăn nhất trong hoạt động ngoại giao Việt - Mỹ. Thứ trưởng Lê Mai có vai trò nổi bật trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai đất nước vốn là cựu thù với câu nói nổi tiếng, có thể được coi như biểu tượng của quan hệ Việt - Mỹ: “Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh”.

Trong vòng bốn năm trời đàm phán với Mỹ, Thứ trưởng Lê Mai, với vai trò là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ vừa là người trực tiếp chỉ đạo các đầu mối, các phái đoàn công tác trong các lĩnh vực như thương mại, ngoại giao, tìm kiếm POW/MIA, quyết định ra các quyết sách tức thì, vừa là cầu nối giữa lãnh đạo cấp cao của hai Chính phủ.

Sau này, trong một lần phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ nhân dịp Mỹ tuyên bố bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, khi nhắc đến vai trò của Thứ trưởng Lê Mai, ông Cơ nhấn mạnh rằng: “Anh Mai đóng vai trò là ‘Nhân vật chính’ trong tiến trình đàm phán với Mỹ về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ... Anh cũng là người tác động rất tích cực đến giới chính trị gia Mỹ, đặc biệt là các Thượng nghị sỹ John Kerry, John McCain, Bob Smith…”.

Trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ, theo Thứ trưởng Lê Mai, “cái khó khăn nhất từ phía Việt Nam chúng ta là làm sao hóa giải những ‘cái đầu nóng’ của một bộ phận vẫn nhìn Mỹ như là kẻ thù chiến lược”. Cũng kỳ diệu như quan hệ Việt – Mỹ mà người ta hay trầm trồ, ông Lê Mai từng bước thuyết phục những “cái đầu nóng”, truyền cảm hứng với niềm tin rằng việc bãi bỏ cấm vận đối với chúng ta thực sự có tính chất “sống còn”. Không chỉ vậy, với những thượng nghị sỹ Mỹ, điều mà ông Lê Mai để lại trong họ là sự cảm phục và trân quý.

Tháng 6/2006, tưởng niệm 10 năm ngày Thứ trưởng Lê Mai qua đời, trên The Wall Street Journal có bài bình luận rằng: “Mối bang giao hữu hảo Mỹ - Việt Nam mang ơn rất nhiều một con người với dáng điệu mảnh mai, hay mỉm cười, đã ra đi vào dịp này của 10 năm về trước. Nếu không có ông Lê Mai, nhà ngoại giao kỳ cựu, thì Việt Nam khó có thể mời được Tổng thống G. Bush sang thăm Hà Nội vào tháng 11/2006 và đưa Việt Nam tới ngưỡng cửa của gia nhập WTO”.

25 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử trong quan hệ Việt – Mỹ khi Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Giờ đây, câu chuyện chất chiến lược mới trong quan hệ song phương được nhắc tới nhiều hơn, hai nước thực sự đã đi được chặng đường quá dài và thành công ngoài cả mong đợi của những người trong cuộc. Những câu chuyện xưa vẫn được nhắc lại, vẫn rất sống động một hình ảnh “kiến trúc sư” Lê Mai trong việc “thiết kế” quan hệ Việt – Mỹ vào những tháng ngày gian khó nhất, chẳng gì có thể làm mờ phai!

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai (thứ hai từ phải) và Thượng nghị sĩ John Kerry trả lời các nhà báo sau phiên họp tại Hà Nội tháng 11/1992.

Thủ trưởng của chúng tôi!

Nhiều cán bộ ngoại giao được cố Thứ trưởng Lê Mai trực tiếp lãnh đạo, với họ đó là sự may mắn. Cố Thứ trưởng không chỉ là thủ trưởng mà còn là người thầy, người truyền cảm hứng, người mang “sức mạnh mềm” lan tỏa.

Đại sứ Hoàng Chí Trung, nguyên Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao khi nhớ về người đã giúp ông bén duyên với ngoại giao đa phương chia sẻ: “Tôi chưa thấy một lãnh đạo nào có tác phong thân mật, hòa nhã và bao dung với thuộc cấp như anh Lê Mai. Thực sự bạn không cảm thấy một chút khoảng cách hay căng thẳng khi làm việc với Thứ trưởng Lê Mai”.

Trong gần 40 năm theo nghề, ba năm làm thuộc cấp của cố Thứ trưởng Lê Mai với ông Hoàng Chí Trung là những năm “đắc ý nhất”. Bởi lẽ, trong sự nghiệp đời người, thật không gì trân quý bằng được lãnh đạo hiểu mình, thật lòng chỉ dẫn và khuyến khích động viên. Nhân cách có lẽ là cốt tủy của uy tín, sự uy phong được vun đắp qua năm tháng bởi sự nồng ấm tình người, tình đồng chí, đồng đội!

Ông Hoàng Chí Trung kể: “Mỗi lần tờ trình hay dự thảo phát biểu cho lãnh đạo cấp trên của tôi được anh Lê Mai khen là tôi sướng âm ỉ cả tuần. Anh không sửa nát be bét mà chỉ bổ sung ý hay xóa bớt ý vụn vặn, không thực sự liên quan để cho ý văn rõ hơn, nổi bật hơn. Anh đặc biệt tôn trọng và trân trọng ý tưởng của cấp dưới. Do vậy, cấp dưới sẽ có thêm sự tự tin trong công việc. Nó là thuốc an thần cực kỳ công hiệu”.

Trong xử lý công việc, cố Thứ trưởng Lê Mai rất nhạy bén và sâu sát. Đại sứ Hoàng Chí Trung nhớ lại, tháng 10/1995, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi New York dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Liên hợp quốc. Việt Nam muốn tặng một món quà để trưng bày tại Trụ sở Liên hợp quốc. Khi đó, Bộ Văn hóa chuẩn bị hai thứ gồm bức thảm thêu cảnh Chợ Bưởi ngày Tết hơn 100 năm và một chiếc Trống đồng khoảng mấy trăm năm. Thế nhưng, khi đi chọn tặng phẩm tại Viện Bảo tàng Lịch sử, Thứ trưởng Lê Mai đã nhìn ra những điểm chưa phù hợp của hai món quà nếu đem tặng Liên hợp quốc. Cuối cùng, Thứ trưởng Lê Mai lựa chọn một chiếc trống đồng Ngọc Lũ được đúc năm 1970. Phiên bản trống đồng Ngọc Lũ hiện được đặt cạnh cửa phòng họp Hội Đồng Bảo An Liên hợp quốc.

“Anh Lê Mai cũng có tài hùng biện. Được nghe anh nói chuyện kể cả trên hội trường hay trong nhóm nhỏ, thật thú vị và sáng tỏ nhiều điều. Anh có lối phân tích và khái quát rất độc đáo. Ví dụ, khi báo chí phương Tây chất vấn Thứ trưởng Lê Mai làm thế nào mà Việt Nam có thể gác lại quá khứ đau thương với Mỹ, Thứ trưởng đã nói rằng: Nếu dân tộc Việt Nam cứ nuôi dưỡng mối thù hận với các cường quốc, chúng tôi sẽ không ‘chơi’ được với bất cứ nước nào. Đó là một chân lý của lịch sử dân tộc Việt Nam, là đúc kết của lịch sử mấy ngàn năm đấu tranh giữ nước”, ông Hoàng Chí Trung nhớ lại.

Gom góp những câu chuyện về cố Thứ trưởng Lê Mai có lẽ cần nhiều hơn một trang báo, những người học trò, thế hệ tiếp bước ông, những người từng được nghe ông say sưa trong những dự định của ngoại giao nước nhà có lẽ sẽ vẫn không ngừng thay ông làm tiếp. Hà Nội những ngày tháng Sáu, cái nắng hanh hao bào mòn nỗi nhớ, chúng tôi trong những bộn bề của dòng xoáy thời gian, xin được tưởng nhớ một trong những nhà ngoại giao mẫu mực và đáng kính!

Với thế hệ trẻ của báo Thế giới & Việt Nam, chúng tôi không có cơ hội được biết và tiếp xúc với Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai nhưng vẫn luôn được nghe về ông như một tấm gương sáng. Nhân dịp này, chúng tôi cũng muốn tri ân ông, người đã có những ý tưởng đặt nền móng cho sự ra đời của Tạp chí Quan hệ quốc tế - tiền thân của báo Thế giới & Việt Nam.

Phương Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thang-6-nho-co-thu-truong-ngoai-giao-le-mai-117350.html