Tháng 5, nhớ về đường Hồ Chí Minh lịch sử

Kỷ niệm 58 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, ngày truyền thống bộ đội Trường sơn (19-5-1959 - 19-5-2017) và 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2017), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam phối hợp Bảo tàng tỉnh, Binh đoàn 12 và Bảo tàng đường Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm Trường Sơn - Con đường huyền thoại.

Tác phẩm điêu khắc Huyền thoại Trường Sơn của tác giả Ðinh Gia Thắng.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nối liền hậu phương miền bắc với tiền tuyến lớn miền nam không chỉ là tuyến vận tải quân sự, hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường tổng hợp, mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Ðây cũng là con đường biểu tượng của tình hữu nghị thủy chung son sắt Việt Nam - Lào. Triển lãm chuyên đề Trường Sơn - Con đường huyền thoại diễn ra những ngày này, góp phần khơi dậy ký ức dữ dội, hào hùng về con đường huyền thoại đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc; trong đó mảnh đất Quảng Nam cũng là nơi đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đi qua.

Triển lãm giới thiệu hơn 100 bức ảnh tư liệu quý cùng một số hiện vật và 16 tác phẩm hội họa, điêu khắc về Trường Sơn. Nhiều bức ảnh ghi lại chân thực, sống động những khoảnh khắc, sự kiện đáng nhớ, như: Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí chỉ huy Ðoàn 559 trong chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào, Tiến vào Sài Gòn giải phóng miền Nam, Ðoàn gùi thồ của Trung đoàn 76, Ðoàn vận tải bằng voi của Trung đoàn 70,… Bên cạnh đó, là hình ảnh đời thường, đầy chất lãng mạn của những con người trẻ tuổi hồn nhiên giữa bom đạn: Nụ cười chiến sĩ, Phút thư giãn giữa chiến trường của nữ thanh niên xung phong…

Các tác phẩm hội họa, điêu khắc trưng bày tuy không nhiều, nhưng là những sáng tác giàu tâm huyết và thể hiện tình yêu Trường Sơn của các họa sĩ, nhà điêu khắc chuyên nghiệp, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong đó, có một số gương mặt tiêu biểu như họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, cũng là lính Trường Sơn. Ông đem tới triển lãm các tác phẩm khắc họa về những vùng đất, con người Trường Sơn trong chiến tranh với vẻ đẹp mộc mạc, chân chất bằng góc nhìn và sự rung động của người lính. Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm với các tác phẩm khắc gỗ giàu tính biểu đạt như Chắt chiu cho bộ đội Trường Sơn, Mạch sống hậu phương, Các thế hệ của núi rừng Trường Sơn… Họa sĩ Hồ Ðình Nam Kha cho thấy sự khắc nghiệt của Mùa khô ở Trường Sơn.

Họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ với các tác phẩm chất liệu acrylic phản ánh vẻ đẹp trong trẻo, lãng mạn, đầy lạc quan của các cô gái trong chiến tranh qua Các cô gái Tây Nguyên, Khoảng lặng sau chiến tuyến. Họa sĩ Nguyễn Tường Vinh có Một thoáng Trường Sơn khắc họa hình ảnh một Trường Sơn đã "thay da đổi thịt" sau chiến tranh với những gam mầu tươi tắn…

Ðiểm nhấn của triển lãm là tác phẩm điêu khắc Huyền thoại Trường Sơn của họa sĩ, nhà điêu khắc Ðinh Gia Thắng, người từng đoạt huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2015 với tác phẩm Tượng đài Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tác phẩm Huyền thoại Trường Sơn thuộc thể loại điêu khắc hoành tráng, dài 18m, rộng 6,5m, cao 5,59m, bằng chất liệu tổng hợp, gây ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Với một cấu trúc, bố cục liên hoàn; bằng góc nhìn đa chiều cùng ngôn ngữ tạo hình đầy chất sử thi, bay bổng, lãng mạn theo phong cách pha trộn giữa hiện thực, siêu thực và tượng trưng, tác phẩm đã khái quát được vẻ đẹp hùng vĩ của đại ngàn Trường Sơn.

Hình ảnh Bác Hồ chỉ đạo chiến dịch Ðông Khê năm 1950 được tái hiện, là trung tâm tác phẩm. Bác mặc quân phục giản dị, dáng đứng uy nghi của vị chỉ huy cao nhất, như đang hòa quyện cùng đoàn quân trùng trùng ra trận với ý chí quyết tâm "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Phía trên là khối lá cờ Tổ quốc chuyển động như sóng biển, cùng lớp lớp thân cây thẳng đứng, được cách điệu theo ngôn ngữ hiện đại, tạo nên sự cân bằng thị giác trong tổng thể có nhiều lớp không gian cùng hình ảnh những chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Tác phẩm còn thể hiện tình hữu nghị son sắt, thủy chung Việt Nam - Lào qua hình ảnh quân tình nguyện Việt Nam sát cánh với bộ đội Pa-thét Lào trong các trận đánh.

Triển lãm Trường Sơn - Con đường huyền thoại góp phần lan tỏa đến đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ, ý nghĩa lớn lao của con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại; khơi dậy lòng tự hào về lịch sử và truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc.

DUY HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/32910502-thang-5-nho-ve-duong-ho-chi-minh-lich-su.html