Tháng 5 này sẽ đấu thầu lại hơn 182.000 tấn gạo dự trữ quốc gia

Tổng cục Dự trữ Nhà nước sẽ đấu thầu lại số gạo hơn 182.000 tấn bị thiếu hụt do các nhà thầu bỏ không ký hợp đồng bán gạo.

Theo đánh giá của các chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực cả ở trong nước và phục vụ xuất khẩu đều tăng cao. Giá gạo cuối tháng 3, là lúc thông báo kết quả trúng thầu, đã tăng mạnh so với đầu tháng 3, khi các nhà thầu tham dự thầu. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy năng lực của nhiều doanh nghiệp còn yếu, mua bán “sang tay” trong thời gian ngắn chứ không đáp ứng khả năng dự trữ cung ứng.

Giá gạo đang tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giá gạo đang tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước về nội dung xử lý vụ việc xảy ra và kế hoạch thu mua gạo dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực:

PV: Thưa ông, tính đến thời điểm hiện tại thì gạo mua dự trữ theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính và Chính phủ giao đã được thực hiện đến đâu?

Ông Đỗ Việt Đức: Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 05 giao chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2020 cho Tổng cục Dự trữ Bộ Tài chính là phải mua được 190.000 tấn gạo. Triển khai đấu thầu thì đến thời điểm này đã ký hợp đồng được 7.700 tấn gạo, số còn lại 182.300 tấn.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã báo cáo Bộ chuẩn bị phương án đấu thầu lại, thực hiện trong tháng 5 và tháng 6 là nhập kho dự trữ Nhà nước, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu 190.000 tấn gạo, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020.

PV: Như vậy, hiện nay Tổng cục dự trữ mới mua được 4% kế hoạch đặt ra cho năm nay do có hiện tượng là nhiều doanh nghiệp bỏ thầu cung cấp gạo mà trước đó đã trúng thầu. Vậy những trường hợp này sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Việt Đức: Một số doanh nghiệp đã đấu thầu và trúng thầu. Tuy nhiên họ đã có văn bản từ chối hoặc không đến ký hợp đồng đấu thầu. Do vậy, các bước tiếp theo là họ cung cấp gạo không thực hiện được.

Để xử lý vấn đề này thì triển khai thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu, đối với những nhà thầu mà đã trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng thì sẽ thực hiện thu bảo đảm dự thầu theo quy định của Luật đấu thầu thì mức thu là 1 - 3% giá trị gói thầu tùy theo quy mô và giá trị gói thầu.

PV: Tổng cục dự trữ có kế hoạch như thế nào để thu mua số gạo dự trữ còn lại theo kế hoạch đã được Chính phủ và Bộ Tài chính giao?

Ông Đỗ Việt Đức: Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Tổng cục dự trữ đã khẩn trương triển khai các thủ tục để tổ chức đấu thầu mua đủ số lượng gạo còn lại là 182.300 tấn.

Dự kiến trong tháng 5, Tổng cục dự trữ sẽ hoàn thiện các thủ tục về đấu thầu lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng đối với nhà thầu trúng thầu cung cấp gạo dự trữ, dự kiến đến hết tháng 6 thì sẽ đảm bảo lượng gạo nhập kho theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2010.

PV: Một lần nữa nếu mà nói về hiệu quả thực thi các hợp đồng thu mua gạo dự trữ thì theo ông giải pháp là gì, thưa ông?

Thực hiện thực thi hợp đồng thì trong Luật đấu thầu hiện nay đã được quy định một là nếu như nhà thầu từ chối việc ký hợp đồng thì sẽ thu bảo đảm dự thầu. Thứ hai là nếu nhà thầu đã ký hợp đồng nhưng mà không thực hiện hợp đồng thì nhà thầu bị thu tỷ lệ trên giá trị hợp đồng từ 2 - 10% tùy theo quy mô hợp đồng, đồng thời trong trường hợp này thì nhà thầu không được tham gia đấu thầu trong thời gian từ 3 đến 5 năm theo quy định của Thông tư 05 Bộ Kế hoạch đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Trung Hiếu/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thang-5-nay-se-dau-thau-lai-hon-182000-tan-gao-du-tru-quoc-gia-1037544.vov