Tháng 4 về 'chơi Tết' Chôl Chnăm Thmây…

Tết Khơmer truyền thống là 'chơi Tết' vì Chôl Chnăm Thmây là 'Tết chịu tuổi, vào năm mới…' của hơn 1,1 triệu người Khơmer đang sống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Sơn Thanh là anh bạn thân người dân tộc Khơmer ở tỉnh Sóc Trăng, giải thích rằng: Tết cổ truyền của người Việt là "ăn Tết", còn Tết Khơmer truyền thống là "chơi Tết" vì Chôl Chnăm Thmây là "Tết chịu tuổi, vào năm mới…" của hơn 1,1 triệu người Khơmer đang sống trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, đông nhất là hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Tết Chôl Chnăm Thmây bắt đầu diễn ra ngày đầu tiên vào 13-4 Dương lịch và kéo dài đến hết ngày 15-4. Vào những ngày này, đến các tỉnh Trà Vinh, Sóc trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang… khắp các ngả đường về phum, sóc người dân Khơmer trang hoàng cờ phướn, cờ Tổ quốc, cờ nhà Phật tung bay trong gió, đường làng, nhà cửa đều được dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng các ngôi chùa rất đẹp.

Theo quan niệm của người Khơmer, tháng 4 là thời khắc giao hòa của trời đất, của mùa mưa và mùa nắng, mọi vật đều bừng sức sống mạnh mẽ, hài hòa, báo hiệu sự khởi đầu một năm mới hứa hẹn đầy tốt đẹp. Không chỉ là cảnh quan rộn rịp, tưng bừng đón Tết, mà mỗi gia đình đều phải chuẩn bị mâm cỗ, thức ăn cúng tổ tiên, dâng Phật rất tươm tất, chu đáo.

Nghe giới thiệu các loại bánh thôi cũng đủ chóng mặt: nào là bánh tét (num chruk), bánh ít (num tean), bánh gừng (num knhậy), bánh men (num tom be, num trom…). Nguyên liệu chủ yếu làm bánh từ gạo nếp, đậu xanh, bột, lá chuối, lá dừa…Chôl Chnăm Thmây là Tết sum vầy, dù ai đi đâu xa, làm gì cũng tranh thủ sum họp gia đình, thăm ông bà, mang bánh cùng tổ tiên, dâng bàn thờ Phật, lên chùa, đãi khách…

Giờ thì tôi hiểu vì sao TS Thạch Kha từ Singapore về thẳng dưới Trà Vinh mà không hẹn gặp nhau tại Sài Gòn như mọi lần về thăm nhà. Chơi Tết mà, Sơn Thanh nhắc đi nhắc lại câu này, nghe riết thành quen. Tết của người Khơmer diễn ra trong 3 ngày, nếu năm nhuận thì 4 ngày.

Ngày đầu tiên đón Tết, gọi là "Th'ngay-maha shang kran" hoặc "Chôl shang kran Thmây"- mọi thành viên gia đình tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo mới truyền thống mang nhang đèn, lễ vật đi lễ chùa.

Tại đây các sư sãi tụng kinh, rắc nước có hương thơm để tiễn những điều xui xẻo, tà ma hắc ám trong năm cũ, đón các vị thần Tevada mới (vị Chư Thiên, em Ngọc Hoàng) trong năm mới bằng tất cả sự mới mẻ, bình an, kính cẩn. Dịp này, nếu không lên chùa cúng Phật, người ở nhà cũng thực hiện các nghi lễ mừng tuổi, tạ ơn những người lớn, người ân nghĩa…

Chuyện anh bạn tôi, cách nay hơn 20 năm, đã lập gia đình với một cô gái cùng làng ở ngoại ô TP Sóc Trăng. Ngày đó, Sơn Thanh là một thanh niên dân tộc rất giàu nghị lực, ý chí vượt khó vươn lên với hai bàn tay trắng trở thành một thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi theo mô hình VACR (vườn, ao, chuồng, ruộng) bằng nghề chăn nuôi heo, đào ao nuôi cá và làm ruộng, trồng vườn.

Sơn Thanh tự học tiếng Anh bằng cuốn từ điển: ghi chi chít các từ vựng trên mỗi viên gạch tường nhà, chuồng heo, gốc cây, cột nhà, vách nhà… kể cả trần nhà và đầu giường. Nghĩa là đi đâu, nằm đâu, ngồi đâu, làm gì… anh đều thấy tiếng Anh- tiếng Việt. Ngày qua, tháng lại… hàng ngàn từ vựng đi vào trí nhớ và chỉ nghe cách đọc anh nhớ vanh vách. Nhờ đó mà ngày nay, Sơn Thanh có thể phiên dịch cho cả một đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài và tham dự các hội thảo, hội nghị quốc tế.

Anh cho biết: Tết nay, mình sẽ "tạ ơn" hai người là vợ mình và tôi. Một người không chỉ chịu đựng toàn bộ sự bừa bộn, rối tung trong cuộc sống gia đình "lổn nhổn" tiếng Anh khắp nhà suốt nhiều năm hàn vi và một người anh em, luôn động viên, khuyến khích, giúp đỡ cho anh thành đạt như hôm nay: một doanh nghiệp bề thế và một cán bộ cấp tỉnh.

Ngày thứ hai đón Tết gọi là "Ví-ré Won-both", nếu năm nhuận sẽ kéo dài lễ rước năm mới đến 2 ngày. Thường kéo dài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Lễ rước rình rang nhất là rước Mahasoonkran (cuốn Đại Nông lịch Khơmer), dẫn đầu là ông Chằn mang mặt nạ rất oai vệ, tay cầm gậy múa may mở đường, theo tiếng trống Chhay Dăm và dàn nhạc ngũ âm sôi động. Người dân xếp hàng theo một vị Achar uy tín nhất trong chùa, đi 3 vòng quanh chánh điện chùa lớn trong phum sóc theo chiều kim đồng hồ.

Nghi lễ dọn đường cho bà con phật tử vào cúng tụng, rước thần Tevada năm mới về nhà. Đây cũng được coi là nghi thức đón giao thừa theo lịch Khơmer nhưng không cố định về giờ giấc như giao thừa người Việt. Vị sư cả trong chùa sẽ thông báo cho người dân biết về tình hình mưa lũ, gió bão, sấm chớp, thiên tai địch họa trong năm để bà con chủ động phòng tránh, bảo đảm mùa màng bội thu.

Trong ngày này, phật tử làm lễ dâng cơm buổi sáng cho sư sãi. Đáp lại, các sư sãi sẽ làm lễ tạ ơn những người làm ra hạt thóc cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói và sau khi ăn xong, các sư sãi sẽ làm lễ tạ ơn, chúc phúc cho phật tử. Buổi chiều, Achar sẽ hướng dẫn người dân đắp núi cát theo chín hướng, tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa trung tâm của thế giới. Sau đó là lễ quy y cho núi và lễ xuất thế.

Nghi lễ này còn liên quan đến huyền thoại của đạo Bà- la- môn (Ấn Độ) về vị thần bốn mặt (từ, bi hỉ, xả) đã tự cắt đầu giao cho 7 công chúa đặt trên khay vàng đem đi quàng ở hang thủy tinh trong núi Kaylas, dãy Hymalaya, không được quăng đầu ngài xuống biển hoặc núi rừng, không trung sẽ gây tai họa chết chóc.

Ngày này, trong sân chùa Khơmer, sân vận động, trung tâm văn hóa… nam nữ thanh niên, thiếu nhi tổ chức các trò chơi dân gian sôi động náo nhiệt như: kéo co, bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, đá banh, đua ghe ngo… hát múa văn nghệ, những loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc Khơmer đậm đà bản sắc như: Dù Kê, Chhay Dăm, Rô Băm, Ram Vong, Aday đối đáp… Còn có lễ đắp cát, đắp lúa tại các chính điện chùa chiền cầu mong sự giàu có của cải suốt cả năm mang lại cho mọi người.

Đại lễ ngày thứ ba đón Tết Chôl Chnăm Thmây là "Ví-ré Lơng-săk" (lễ tắm Phật). Người dân mang lễ dâng cơm cho các vị sư cả trong chùa và tiến hành nghi lễ tắm tượng Phật, tắm cho các vị sư sãi cao niên bằng nước thơm chiết suất từ các tinh dầu hoa. Tại mỗi gia đình, cũng đồng thời diễn ra lễ con cháu tắm cho ông bà cao tuổi, cúng cầu siêu (Bâng Ksâu) cho người quá cố, cho ông bà, tổ tiên…

Tết Chôl Chnăm Thmây không chỉ 3 ngày mà còn kéo dài đến hết tháng 4 với nhiều trò chơi dân gian, thể thao cùng các nghi lễ cúng chùa chiền, những lời ca, điệu múa mang đậm đà bản sắc dân tộc Khơmer.

Đông Kha

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/thang-4-ve-choi-tet-chol-chnam-thmay-486964/