Tháng 3 về, miên man ngắm hoa gạo nở đỏ rực như ngàn ngọn nến thắp sáng một góc trời

Những cánh hoa to dày, đỏ rực như màu lửa của cây gạo như xé toạc mảng không gian đọng nước, mang đến cho Hà Nội cảnh đẹp rực rỡ, đúng chất mùa xuân trăm hoa đua nở.

Nếu bạn cũng muốn khám phá mảng không gian như thế, có thể lui đến phố Tràng Thi. Những ngày tháng 3 này, cả tuyến đường ấy trải đầy màu đỏ của hoa gạo.

Tuy không phải là loại hoa quá phổ biến ở đường phố nhưng người dân Thủ đô vẫn thấy cây gạo như một điều gì đó rất đẹp và thân thương. Lúc còn nhỏ, tôi chỉ biết đến hoa gạo qua những câu ca dạo mẹ hay đọc. “Bao giờ cho đến tháng ba/Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn“. Ngày ấy còn nhỏ quá, chẳng biết vì sao người lớn lại chờ mong mùa hoa gạo và vì sao, khi hoa nở thì có thể yên tâm cất chiếc chăn dày cộp vẫn hay dùng vào mùa đông.

Lớn thêm chút mới hiểu, khi hoa gạo nở là báo hiệu hè đã sang, những đợt lạnh thưa thớt dần và cường độ yếu đi nhiều. Hoa gạo nở cũng báo hiệu một cột mốc thời gian đẹp nhất trong năm. Người dân vỡ ruộng, làm nương, đất trời ấm áp, vạn vật sinh sôi.

Nhưng trên hết, người ta mong hoa gạo nở để thấy một khoảng sáng giữa những ngày mưa phùn, ẩm thấp. Mong hoa nở để chứng kiến một cây hoa đẹp lộng lẫy. Ở đó, từng chiếc lá xanh như đã bay biến đi, trả lại một thế giới chỉ toàn những phần tử đỏ rực như ngàn ngọn nến cùng lúc cháy sáng.

Cây gạo nở hoa rực rỡ trên phố Tràng Thi.

Xác hoa gạo rụng đầy lối đi khiến nhiều du khách đi qua thích thú dừng lại chụp ảnh.

Mẹ tôi kể, bà yêu thích hoa gạo vì ngày bé từng nghe câu chuyện về nguồn gốc tên gọi của nó. Chuyện kể rằng, có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng trai. Dân làng trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình.

Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thủy chung. Gặp Ngọc Hoàng, chàng thưa: “Trần gian mưa nắng thất thường, cuộc sống con người rất cực khổ. Xin Người xem xét lại”. Ngọc Hoàng hỏi xem ai trông coi mưa nắng, một vị thần tâu: “Đó là thần Sấm, nhưng thần vốn ham vui nên có lúc chểnh mảng”. Thần Sấm thưa: “Một mình thần không làm xuể. Xin Người giữ chàng trai này lại phụ giúp thần”. Ngọc Hoàng chuẩn tấu và truyền lệnh nâng bầu trời xa khỏi mặt đất để người hạ giới không lên được nữa. Chàng trai đành ở lại làm thần Mưa. Nhớ người yêu, nước mắt chàng tuôn trào.

Ở nhân gian, cô gái, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một ngày tháng Ba, Ngọc Hoàng xuống hạ giới. Biết chuyện, ngài cho cô gái một điều ước. Nàng thưa: “Xin Người biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để thần có thể nhìn thấy anh ấy, dải vải đỏ biến thành bông hoa để anh ấy nhận ra thần”. Thỏa nguyện, cô gái gieo mình từ trên cao xuống và trở thành loài hoa Pơ lang hay còn gọi là hoa gạo.

Ra đời vì một chuyện tình đẹp nên hoa gạo cũng đẹp và kiên cường như người con gái trong truyện. Chiều mùa xuân không mưa, bạn còn chờ đợi gì nữa mà không đến ngay phố Tràng Thi ngắm trọn vẻ đẹp loại hoa này.

Chẳng biết từ bao giờ, hoa gạo đã gắn liền với mùa xuân xứ Bắc. Hầu như ngôi làng nào ở đây cũng có một gốc gạo cổ thụ, mỗi năm khi xuân sang lại bung nở những cánh hoa đỏ thắm, sức sống mạnh mẽ.

Hoa gạo có nhiều tên gọi mỹ miều như hoa mộc miên, đồng bào Tây Nguyên lại gọi là hoa pơ lang. Có không ít bài hát, áng thơ văn gắn liền với loài hoa chân quê, giản dị này.

Năm nay, hoa gạo nở vào tầm giữa tháng 3. Hoa gạo là loài hoa cánh đơn, có 5 cánh lớn, dày, màu đỏ tươi rực sỡ.

Trong mùa hoa, phần ngọn cây gạo này chỉ nhìn thấy hoa mà không thấy lá.

Sắc hoa gạo đỏ trên nền trời xanh tháng Ba.

Cây gạo trong mùa ra hoa nhìn từ xa giống như được tạo thành bởi những đốm lửa nhỏ.

Mùa hoa gạo nở, nhìn từ xa, tán cây như một bông hoa khổng lồ.

Khi thời tiết bắt đầu ấm lên là hoa gạo nở bung và rụng xuống.

Lài cây này hiện nay được trồng rộng rãi ở các bang của Malaysia, Indonesia, miền nam Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam.

Nhiều bông khi rụng xuống vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị héo, dập nát.

Hoa gạo phủ lên một nóc nhà, tạo nên phố cảnh đẹp đẽ ở Hà Nội.

Khi hoa gạo nở là những đợt rét cuối cùng của mùa đông sắp qua, mùa hè sắp đến. Vì thế, màu hoa tuy đỏ chói lọi nhưng lại thường gắn với những bài thơ, bài ca và truyện kể rất nhiều nỗi buồn miên man.

Vương Phi

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/thang-3-ve-mien-man-ngam-mua-hoa-gao-no-ruc-nhu-ngan-ngon-nen-thap-sang-mot-goc-troi-2381618.html