Tháng 11, lựa cổ phiếu tốt để tích lũy

Thị trường chứng khoán đã ghi nhận một đợt sụt giảm mạnh trong tháng 10 vừa qua do chịu ảnh hưởng từ sự sụt giảm của chứng khoán quốc tế. Trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới còn diễn biến phức tạp, chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến thế nào được giới đầu tư đặc biệt quan tâm. Báo Đầu tư Chứng khoán xin giới thiệu nhận định của một số chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Thị trường có thể hồi mạnh, nhưng khó bền

Với đợt giảm mạnh vừa qua, thị trường đã “test” vùng đáy tháng 7. Trong nước, lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh, lợi nhuận của nhóm cổ phiếu thuộc VN30 cũng tăng tích cực.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc CTCK Everest.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc CTCK Everest.

Doanh nghiệp kinh doanh tăng trưởng, nhưng giá cổ phiếu lại giảm, điều này cho thấy nhà đầu tư giao dịch chủ yếu theo yếu tố tâm lý. Một điểm cần lưu ý nữa là hiện nay, dư nợ margin trên thị trường đang ở mức bình thường, nên các yếu tố nội tại của thị trường Việt Nam hiện không đáng quan ngại.

Đợt giảm sâu vừa qua chủ yếu do chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Trong thời gian tới, thị trường sẽ có cơ hội tăng trưởng trở lại. Mặc dù việc siết dòng vốn chứng khoán theo dự thảo Luật Chứng khoán có thể gây lo lắng cho nhà đầu tư, nhưng bù lại, yếu tố tích cực là việc tăng vốn của các ngân hàng quốc doanh sẽ tác động tích cực đến tâm lý thị trường.

Khả năng thị trường trong tháng 11 sẽ có nhịp phục hồi mạnh, nhưng sẽ vẫn chịu áp lực lớn, mà yếu tố tác động chính vẫn là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc. Sự leo tháng của cuộc chiến là khó tránh, vấn đề hiện tại là làm sao để lượng hóa tác động của cuộc chiến này.

Việt Nam có ưu thế trong dài hạn thông qua Hiệp định FTA với EU đi vào hiệu lực và Hiệp định CPTPP hiện đã có 6 nước thông qua. Dưới áp lực cuộc chiến Mỹ-Trung, các doanh nghiệp lớn sẽ có sự dịch chuyển đầu tư và Việt Nam là điểm đến tiềm năng.

Bởi vậy, tác động nếu có sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Về dài hạn, dòng vốn trực tiếp sẽ đổ vào nhiều hơn bởi nền kinh tế ổn định. Đây cũng là lý do khiến dòng vốn gián tiếp vẫn ở lại thị trường.

Theo chúng tôi, dòng vốn gián tiếp đang chờ để giải ngân vào Việt Nam là hiện hữu, nhưng có sự thận trọng nhất định. Bởi sau giai đoạn công bố kế hoạch thoái vốn Nhà nước rầm rộ trong nửa đầu năm 2018, hầu hết các quỹ đã chuẩn bị kế hoạch huy động tiền, nhưng đến nay chưa xúc tiến được.

Thị trường vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu đã giảm mạnh về vùng hỗ trợ. Chúng tôi cho rằng, những phiên rung lắc là cơ hội để tái cơ cấu danh mục, đặc biệt trước làn sóng của các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang tham gia. Những doanh nghiệp có lợi thế quỹ đất, khu công nghiệp, dệt may, thủy sản… sẽ đáng quan tâm.

Tuy nhiên, để có thể phục hồi mạnh, thị trường cần có sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, dầu khí. Trong đó, giá dầu đang ở mức khá cao so với dự báo của doanh nghiệp và nhiều khả năng sẽ khó giảm mạnh trong thời gian tới.

Sẽ có cơ hội giải ngân trong tháng 11

Ông Bernard Lapointe - Giám đốc Phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC)

Hiện tại, yếu tố dòng tiền vẫn khá tiêu cực khi thanh khoản liên tục duy trì ở mức thấp. Nếu loại trừ các thương vụ lớn, xu hướng chung của nhà đầu tư ngoại là bán ròng và có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Điều này tạo áp lực không nhỏ tới thị trường, cũng như tâm lý các nhà đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, về mặt định giá, đợt sụt giảm mạnh vừa qua đã đưa mức P/E của VN-Index về khoảng 15,7 lần (theo giá đóng cửa ngày 30/10/2018).

Nhìn lại dữ liệu lịch sử trong 2 năm qua, thị trường chưa bao giờ giảm sâu xuống dưới ngưỡng P/E 15,6 lần, nên có thể nói VN-Index đang ở ngưỡng hỗ trợ tương đối mạnh. Nếu nhìn xa hơn trong 5 năm gần nhất, mức P/E 12,7 lần là ngưỡng hỗ trợ mạnh trong giai đoạn 2013-2015. Mức P/E này tương đương với VN-Index vào khoảng 721 điểm.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế tăng trưởng ổn định và triển vọng, nền tảng của các doanh nghiệp cũng chắc chắn hơn so với giai đoạn trước đó. Do đó, việc giảm sâu của thị trường là nằm ngoài dự đoán.

Mặt khác, dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán đang có xu hướng giảm dần trong quý III vừa qua. Tính đến cuối quý này, dư nợ cho vay margin gần tương đương với thời điểm quý IV/2017. Vì vậy, áp lực margin căng cứng không quá lớn.

Quan điểm của chúng tôi vào tháng trước đó là sẽ có cơ hội để giải ngân trong tháng 11 dường như đang đi đúng hướng. Sau những đợt giảm sâu sẽ luôn có những đợt hồi phục, dù khó xác định được chính xác thời điểm nhưng nó sẽ đến và chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ đi lên trong những tuần cuối cùng của năm 2018. Đây cũng là thời điểm then chốt của các quỹ đầu tư.

Thị trường chứng khoán năm 2019 được dự báo sẽ còn khó khăn hơn năm 2018, nhưng các thị trường mới nổi tiềm năng vẫn có khả năng thu hút nhà đầu tư và mức sinh lời của thị trường Mexico cho đến hiện tại là một minh chứng.

Tháng 11, lựa chọn cổ phiếu tốt để tích lũy

Thống kê các doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý III/2018 đến hiện tại cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Ngô Phụng Hiệp, Giám đốc Khối Nguồn vốn và đầu tư, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)

Với mức tăng trưởng này, cùng với một số yếu tố khác như định giá thị trường với P/E trượt 4 quý khoảng 15,5 lần, lợi tức trái phiếu chính phủ Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp (khoảng 5,1-5,2%), tỷ giá ổn định và lãi suất được kiểm soát ở mức vừa phải, thặng dư thương mại khá cao, chúng tôi cho rằng, thị trường có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư giải ngân trong tháng 11.

Hơn nữa, kỳ vọng sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài cũng là yếu tố tác động tích cực đến thị trường trong những tháng cuối năm.

Với mức độ phát triển kinh tế và quy mô thị trường như hiện nay, Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm của dòng vốn ngoại ở nhiều châu lục, bao gồm cả châu Mỹ, châu Âu, châu Á. Khi chịu ảnh hưởng bởi thế giới, dòng vốn nóng sẽ rút bớt, nhưng khi thị trường giảm tới một mức nhất định sẽ trở nên hấp dẫn. Khi đó, sẽ có dòng tiền khác tham gia vào.

Khoảng 1 năm trở lại đây, dòng vốn từ Đông Á, đặc biệt từ Hàn Quốc và Nhật Bản, đổ vào Việt Nam khá dồi dào. Với bức tranh kinh tế vĩ mô đang khá sáng sủa, có thể kỳ vọng dòng vốn đầu tư gián tiếp tiếp tục tìm đến Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước.

Đối với yếu tộ nội tại, có thể thấy, mặt bằng lãi suất trong nước tăng tương đối để ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát trước áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), nhưng vẫn thấp hơn so với bình quân những năm gần đây.

Hơn nữa, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung không quá cao, nên lãi suất có thể ảnh hưởng tới chi phí lãi vay, nhưng tốc độ chậm và nhìn chung chưa phải là rủi ro đáng quan ngại trong giai đoạn hiện nay.

Thay vào đó, rủi ro lớn nhất với thị trường nằm ở diễn biến leo thang từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Mặc dù Việt Nam được nhận định không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí có lợi trong dài hạn từ cuộc chiến này, nhưng trong ngắn hạn, nếu thị trường chứng khoán thế giới có những biến động bởi yếu tố trên, Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng.

Dẫu vậy, trong tháng 11 này, nếu thị trường thế giới không có biến động mạnh, chúng tôi cho rằng, chứng khoán Việt Nam có thể sẽ có nhịp phục hồi và khả năng tăng lên kiểm tra vùng kháng cự 980 điểm.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân trong điều kiện hiện tại. Ngoài ra, để phòng tránh rủi ro từ biến động bất ngờ của chứng khoán thế giới, nhà đầu tư có thể cân nhắc chọn lọc các cổ phiếu bluechips có hoạt động tăng trưởng ổn định và ít nợ vay ở một số lĩnh vực như tiêu dùng, bản lẻ, sản xuất công nghiệ,…, cũng như một số công ty đầu ngành có nền tảng cơ bản và tài chính lành mạnh, định giá hợp lý, với chỉ số P/E dưới mức 15 lần.

Khả năng VN-Index tạo đáy trung hạn tại vùng 870-880 điểm

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Chi nhánh TP. HCM, CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS)

Trong tháng 10/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đã sụt giảm rất mạnh, VN-Index từ mức trên 1.000 điểm nhanh chóng giảm về sát vùng đáy trung hạn 880 điểm, cho dù tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định, cũng như hoạt động kinh doanh của đa phần doanh nghiệp niêm yết đều tăng trưởng.

Theo quan điểm của chúng tôi, nguyên nhân lớn nhất đang chi phối và tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán trong nước là các yếu tố từ bên ngoài, trong đó đáng chú ý nhất là diễn biến về cuộc bầu cử tại Mỹ.

Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ có thể ổn định trở lại sau ngày 6/11/2018 và bất kể kết quả bầu cử thế nào, khả năng cao là chứng khoán Mỹ sẽ không còn những đợt sụt giảm kinh hoàng như vài tuần gần đây. Nhờ đó, chứng khoán thế giới, bao gồm cả Việt Nam cũng sẽ ổn định hơn.

Cùng với đó, tốc độ tăng lãi suất khá nhanh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khiến giá trị USD liên tục tăng cao, gây áp lực lên tỷ giá và lạm phát của Việt Nam, từ đó tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán.

Ngoài yếu tố từ nước Mỹ, sự kém tích cực của thị trường còn được thể hiện bởi yếu tố dòng tiền. Thực tế, thanh khoản đã sụt giảm 30-40% trong tháng 10, thể hiện sự thận trọng của nhà đầu tư. Dòng tiền yếu, lại thêm tác động từ sự bán ròng của khối ngoại khiến cho tâm lý nhà đầu tư càng trở nên mong manh.

Dù vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang thể hiện một gam màu tươi tắn. Nợ công giảm xuống chỉ còn 61,4%. GDP khả năng sẽ đạt 6.7-7.0% trong năm nay. CPI vẫn dưới 4%. Tỷ giá tuy tăng, nhưng vẫn được kiểm soát ở mức 3%. Khối ngân hàng đang xử lý tốt vấn đề nợ xấu.

Về tình hình kinh doanh, đa phần các doanh nghiệp niêm yết đều ghi nhận sự tăng trưởng. Mức lợi nhuận ròng 9 tháng đầu năm 2018 của 85% doanh nghiệp trên sàn tăng trung bình 23-25% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của toàn thị trường hiện dưới 15 lần, nếu loại bỏ những doanh nghiệp "gây nhiễu", thì P/E thị trường chỉ khoảng 10-12 lần.

Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường sẽ tạo đáy trung hạn tại vùng 870-880 điểm. Sau khi tạo đáy, thị trường cần thêm một khoảng thời gian nhất định để tích lũy. Thời gian tích lũy tạo xung lực đi lên, sẽ kết hợp với những thông tin mới, tạo ra sự khởi sắc cho thị trường trong giai đoạn cuối năm. Chúng tôi vẫn hy vọng một cái kết tốt cho chứng khoán Việt Nam trong năm 2018.

Phan Hằng - Ngọc Nhi

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/thang-11-lua-co-phieu-tot-de-tich-luy-247629.html