Thần y, thần dược và thần 'chém gió'?

Những ngày qua, một 'thần y' lên mạng xã hội công bố đã tiêu diệt được virus DTLCP. Ngay lập tức, thông tin này tạo nên một cơn bão ý kiến trái chiều trong giới chăn nuôi. Thực hư ra sao?

 Thông tin chữa khỏi DTLCP do vị “thần y” này đăng tải lên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

Thông tin chữa khỏi DTLCP do vị “thần y” này đăng tải lên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)

Vị “thần y” kể trên dùng tài khoản mạng xã hội Facebook tên Thân Đức Tài, liên tục cập nhật thông tin chữa khỏi bệnh DTLCP tại Hưng Yên. Lần gần nhất, đêm 26/3, tài khoản này đăng tải một bài viết khẳng định, sau 13 ngày chiến đấu trên đàn lợn dương tính với DTLCP của gia đình ông Đỗ Xuân Minh, thôn Lại Trạch, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên – nay đã thành công. Theo vị “thần y” này, sau khi được điều trị bằng các loại thuốc nano, 6/6 mẫu bệnh phẩm của lợn xét nghiệm ngày 23/3 vừa qua đều âm tính với DTLCP.

Trên mạng xã hội, chủ nhân tài khoản Thân Đức Tài cho biết, mình là người sáng lập ra một đơn vị mang tên Viện y học cổ truyền Việt Nam tại Liên bang Nga. Vì yêu quê hương, đất nước nên trở về tìm cách ngăn chặn DTLCP?

Để tìm hiểu thực hư, chiều 27/3, PV NNVN đã về Hưng Yên và gặp nhân vật chính trong câu chuyện của vị “thần y” – ông Đỗ Xuân Minh (SN 1956), trú thôn Lại Trạch, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ.

Số “thần dược” gia đình ông Dương Xuân Minh đang sử dụng

Ông Minh cho biết, gia đình nuôi 6 lợn nái và 29 lợn nhỏ. Ngày 13/3, một con lợn nái bỗng dưng đổ bệnh và chết. Gia đình ông đã mổ lấy mẫu bệnh phẩm là hạch, lá nách gửi lên Chi cục Thú y vùng I (Cục Thú y) xét nghiệm. Tối cùng ngày, đơn vị xét nghiệm thông báo qua điện thoại, sau đó gửi phiếu trả lời kết luận: 01/01 mẫu kiểm tra phát hiện dương tính với DTLCP. “Ngày hôm sau, thêm một con nái trong đàn có dấu hiệu bị bệnh, tôi đã báo cáo lên chính quyền xã để thực hiện tiêu hủy theo quy định. Nhưng sau đó gia đình tôi được chọn để thử nghiệm loại thuốc mới chỗ anh Tài nên ngừng lại”, ông Minh thông tin.

Ông Minh khẳng định, số thuốc này đang phát huy tác dụng

Nói về điều này, ông Hoàng Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết, đúng lúc này có một đoàn công tác được tỉnh, huyện dẫn về để thử nghiệm loại thuốc mới. Ông Hùng chỉ nhớ, có một vị giới thiệu là Giáo sư, tên Tài, đang làm việc tại Nga. Gia đình duy nhất tại xã Yên Phú được chọn làm “chuột bạch” là ông Minh.

Thực tế, tại chuồng của gia đình ông Minh chiều 27/3, đàn lợn gồm 4 nái và 29 lợn nhỏ vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường. Ông Minh khẳng định, đấy là tác dụng sau khi dùng các loại thuốc nano của vị “thần y” tên Tài? Tuy nhiên, điều đáng nói, trước khi sử dụng loại thuốc này, đàn lợn 33 con của gia đình ông không hề được xét nghiệm, chưa thể khẳng định đã nhiễm virus DTLCP hay chưa. Khi được hỏi về điều này, ông Minh cho rằng, một con đã “dính” và chết thì kiểu gì cả đàn chả bị, đâu cần phải xét nghiệm.

Cũng theo ông Minh, ngày 23/3 vừa qua, vị “thần y” tên Tài đã về lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm và cho kết quả 5 mẫu âm tính, 1 mẫu dương tính nhưng ở cấp độ nhẹ? Tuy nhiên, theo thông tin vị này đăng tải lên mạng xã hội thì cả 6 mẫu đều âm tính với DTLCP.

Minh chứng là số lợn còn lại của gia đình ông vẫn khỏe mạnh

“Thần dược” gia đình ông Minh đang sử dụng gồm những gì? Đó là 3 thùng được giới thiệu là nước nano, đựng trong 3 bình nước lọc loại 20 lít; 1 loại nước có màu cánh gián; 1 loại màu xám, đặc sánh. Ông Minh cho biết, loại nước nano kia được hướng dẫn là hòa vào nước cho lợn uống thường xuyên, đấy là thuốc trị bệnh. Hai loại còn lại chỉ là thuốc bổ, hòa vào nước, thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn.

“Kết quả được cho là thành công của loại thuốc này hết sức mơ hồ khi chưa có căn cứ khoa học nào”, ông Hoàng Hữu Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Phú

Chủ tịch xã Yên Mỹ cho biết, về mặt khoa học không dám khẳng định nhưng việc cho rằng lợn khỏi dịch tả Châu Phi nhờ dùng các loại thuốc này là hết sức mơ hồ. Ông Hùng phân tích, trước khi điều trị, đàn lợn kia chưa xác định dương tính hay âm tính với dịch bệnh nên không đủ căn cứ đối chứng hiệu quả của thuốc. “Vừa qua họp bàn về phòng chống dịch tả Châu Phi, tỉnh cũng đã khuyến cáo các địa phương dừng thử nghiệm các loại thuốc này vì chưa có căn cứ khoa học”.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài gia đình ông Minh, vị “thần y” này được đã thử nghiệm trên một trại lợn tại xã Yên Hòa (cùng huyện Yên Mỹ). Kết quả là sau vài ngày, đàn lợn vẫn nhiễm bệnh và chết, sau đó phải tiêu hủy. “Các nhà khoa học trên thế giới và cả Việt Nam gần trăm năm qua vẫn chưa tìm ra vắc xin phòng chống hiệu quả. Ngay từ khi vị này về điều trị, cam kết sẽ chữa khỏi bệnh, chúng tôi đã thấy tào lao, kết quả là vài hôm sau cả đàn lợn đã bị tiêu hủy”, một người dân sống gần trại lợn kể trên than phiền.

KẾ TOẠI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/than-y-than-duoc-va-than-chem-gio-post239215.html