Thận trọng với tiền điện tử

Mạng xã hội Facebook mới đây công bố kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử Libra, dự kiến sẽ được giao dịch chính thức từ đầu năm 2020. Theo phân tích của giới tài chính, đồng tiền điện tử này nếu được phát hành và sử dụng rộng rãi sẽ tạo nên nhiều thay đổi mới trong ngành tài chính tiền tệ toàn cầu. Và Việt Nam, với hàng triệu tài khoản người sử dụng Facebook, cũng khó có thể thoát khỏi tầm ảnh hưởng của 'cơn địa chấn' tiền tệ này.

Libra - bước ngoặt thị trường tiền kỹ thuật số

Giữa tháng 6, Facebook chính thức công bố kế hoạch ra mắt một loại tiền điện tử có tên Libra. Theo thông tin được công bố, mạng xã hội này đã liên kết với 27 đối tác (bao gồm các tổ chức tài chính có tên tuổi như Mastercard, Visa, PayPal,…) hình thành một tổ chức có trụ sở tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), được gọi là Hiệp hội Libra. Hiệp hội này sẽ điều hành đồng tiền điện tử Libra và đồng tiền này dự kiến cũng sẽ được phát hành vào nửa đầu năm 2020. Facebook cũng lập ra một công ty con có tên Calibra, cung cấp dịch vụ ví kỹ thuật số cho mục đích lưu trữ, gửi và chi tiêu đồng Libra. Calibra sẽ được kết nối với các nền tảng nhắn tin của Facebook là Messenger và WhatsApp.

Tiền điện tử Libra được mô tả giúp người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng giao dịch, trao đổi tài chính với nhau. Ngoài phương thức đơn giản như nhắn tin thông thường, các giao dịch cũng được mã hóa, bảo đảm an toàn cao nhờ vào công nghệ chuỗi khối (blockchain). Và đặc biệt, người dùng không cần đến tài khoản ngân hàng như các dịch vụ tài chính thông thường. Như vậy, với 2,4 tỷ người dùng Facebook và 1,5 tỷ người dùng WhatsApp hiện nay, dự án phát hành đồng tiền điện tử Libra được nhiều chuyên gia thế giới và trong nước nhận định là một bước ngoặt lớn cho thị trường tiền kỹ thuật số nói chung.

Theo một nghiên cứu của TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, giữa Libra và các đồng tiền kỹ thuật số khác có sự khác biệt trên ba phương diện: giá trị và chi phí giao dịch, mức độ biến động/rủi ro, và sự thừa nhận. Trong đó, giá trị của đồng Libra được bảo đảm bởi các tài sản thực như chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu hay tín phiếu chính phủ, được giữ trong Khu dự trữ Libra nhằm tạo dựng niềm tin về giá trị nội tại của đồng Libra. Và cũng do được neo với những tài sản thực bằng nhiều loại tiền khác nhau (như đồng USD, ơ-rô, yên Nhật,…) nên mỗi khi đồng tiền nào có biến động mạnh, Hiệp hội Libra sẽ thay đổi cơ cấu rổ tiền này để bảo đảm tổng giá trị ít thay đổi, và vì thế, đồng Libra ít biến động hơn so với các đồng tiền kỹ thuật số khác. Mặt khác, nguyên nhân khiến Libra nhận được nhiều sự quan tâm chính là vì triển vọng trở thành một phương tiện thanh toán xuyên biên giới khởi nguồn từ mạng lưới người dùng Facebook hiện nay và các dịch vụ đi kèm của các thành viên sáng lập ban đầu.

Đồng quan điểm về sự ổn định giá trị của đồng tiền Libra so với các đồng tiền kỹ thuật số khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Khác với đồng Bitcoin hiện tại không dựa trên bất cứ một tài sản bảo đảm nào nên giá Bitcoin lên xuống thất thường, đồng Libra sẽ có một giá trị ổn định hơn vì nó có tài sản bảo đảm ở đằng sau bởi những người mua đồng tiền đó bằng một đồng tiền quốc gia của họ (như tiền đồng hay USD,…), và được lưu trữ trong Kho dự trữ Libra. Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay Facebook đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đến năm 2020 khi đến giai đoạn phát hành và quảng bá, đồng tiền điện tử Libra sẽ tiếp cận tới tất cả những người đang sử dụng mạng xã hội Facebook và WhatsApp hiện nay.

Cần ứng xử phù hợp

Đến thời điểm hiện tại, không chỉ giới tài chính mà nhiều tổ chức trên thế giới cũng đang rất quan tâm tới đồng tiền Libra. Liệu đồng tiền này sẽ hoạt động như thế nào và các quốc gia sẽ chấp nhận hay chống đối nó ra sao? Riêng với Việt Nam, chúng ta đang hướng tới xây dựng một quốc gia thanh toán không dùng tiền mặt, thì việc ứng xử thế nào cho phù hợp với những đồng tiền kỹ thuật số trong tương lai cũng là một bài toán khó.

Theo TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tiền kỹ thuật số có thể coi là một phát minh của nhân loại, là xu thế, sẽ còn tiếp tục tồn tại; mặc dù có thể có những đồng tiền thoái trào, nhưng những đồng tiền mới lại xuất hiện, với những ưu điểm nổi trội hơn, bù đắp được những nhược điểm của các đồng tiền trước đó. Hơn nữa, công nghệ blockchain, với những ưu điểm vượt trội, sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do đó, không thể ngăn cấm hoàn toàn mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát như thế nào. “Theo đó, Chính phủ cần có phương thức quản lý phù hợp. Cụ thể, việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam; tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với xu thế, với yêu cầu thực tiễn là cấm tuyệt đối sử dụng đồng tiền này” - nhóm nghiên cứu phân tích.

Từ đó, TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đề xuất: Nếu đồng tiền Libra đi vào hoạt động, thì việc quản lý đồng Libra nói riêng và tiền kỹ thuật số nói chung của Việt Nam nên theo hướng thận trọng, có quan sát và vận dụng. Các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền điện tử, tiền kỹ thuật số cần phải được cấp phép theo tiêu chuẩn nhất định. Mặt khác, nền tảng công nghệ blockchain là một xu thế và sẽ được ứng dụng rộng rãi do nhiều ưu điểm của công nghệ này. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ,… cần sớm tìm hiểu, tiếp cận, xây dựng hành lang pháp lý để người dân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro nền tảng công nghệ khối chuỗi này.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng và thực thi nhất quán chiến lược tổng thể về hệ thống thanh toán quốc gia; trong đó, thanh toán không tiền mặt cần có đột phá. Đồng thời, cần phối hợp quản lý các giao dịch thanh toán, chuyển tiền (gồm cả tiền kỹ thuật số) xuyên biên giới nhằm bảo đảm cam kết hội nhập, mở cửa, nhưng vẫn kiểm soát được rủi ro. Các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc xuất hiện đồng Libra này; từ đó có phương án về cách tiếp cận, ứng xử và kịch bản quản lý, giám sát phù hợp.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nếu đồng Libra đi vào hoạt động và phát triển ở Việt Nam, nguy cơ rửa tiền, đánh bài, trốn thuế,… cũng rất lớn. Có thể sẽ có tình trạng cấm đồng tiền đó lưu hành ở Việt Nam, hoặc cấm tất cả các công dân Việt Nam và những người thường trú ở Việt Nam sử dụng đồng Libra. “Nhưng cách này tôi e là sẽ khó khăn vì đồng Libra được lưu hành trên hàng triệu máy tính và nó sử dụng hệ thống blockchain thì không một quốc gia nào có thể kiểm soát được chuyện đó. Còn nếu không cấm, cho phép lưu hành và được sử dụng như một phương tiện thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phải kiểm soát chặt chẽ” - chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm.

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/41022902-than-trong-voi-tien-dien-tu.html