Thận trọng trước xu hướng ngoại hóa doanh nghiệp nội

Tính đến giữa năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến giữa năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, trong thời gian này có 4.125 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đó là tín hiệu vừa đáng mừng, song cũng có ý kiến băn khoăn trước khả năng đang diễn ra xu hướng "ngoại hóa" các doanh nghiệp nội địa.

Để phân tích kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Phóng viên: Trước diễn biến tăng lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm ngoái trong khi dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, ông có bình luận gì về con số này?
Ông Hoàng Quang Phòng: Dữ liệu về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2019 được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, cho thấy dòng vốn ngoại đang tiếp tục đổ về Việt Nam. Đặc biệt là trong bối cảnh xung đột thương mại và địa chính trị tiếp tục xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các nền kinh tế cùng với những dự báo của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có diễn biến chậm lại.
Sự tăng trưởng về tỷ lệ đăng ký vốn đầu tư nước ngoài có thể hiểu là do các dự án có lượng vốn cam kết cao ở những năm trước, đến nay được thúc đẩy giải ngân đầu tư trên thực tế. Tuy nhiên, cũng có thể là do tác động từ chiến tranh thương mại giữa các cường quốc trên thế giới và chính sách giảm thuế theo các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tạo lực hút mạnh nguồn vốn đầu tư trên thế giới "nhắm" vào Việt Nam.
Tôi thấy, cũng không loại trừ một xu hướng đáng chú ý khác là sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn góp hay việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong tỷ lệ đăng ký đầu tư ở các dự án tại nhiều địa phương đang thể hiện khả năng các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn "thâu tóm" các doanh nghiệp nội địa.
Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, thực trạng và sức khỏe của các doanh nghiệp nội địa đang rất "mong manh" sau những sang chấn và tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến của thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ?
Ông Hoàng Quang Phòng: Trong 6 tháng đầu năm 2020, cả nước có 1.418 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 8,43 tỷ USD; có 526 lượt dự án được đăng ký điều chỉnh tăng vốn với tổng mức 3,72 tỷ USD. Trong số đó, có thể thấy các lĩnh vực chế biến, chế tạo; phân phối điện, nước, khí, điều hòa, ô tô, xe máy, bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm.... là khu vực có tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần nhiều nhất. Chứng tỏ, các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự ưu tiên đặc biệt vào những lĩnh vực này.
6 tháng đầu năm 2020 cũng đã ghi nhận có 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam; trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,44 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Một số dự án đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này có thể điểm qua như dự án Nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải của Hồng Kông (Trung Quốc), vốn đăng ký đầu tư 214 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất của USI tại Việt Nam của Trung Quốc, vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất bản mạch điện tử thiết bị đeo được tại Hải Phòng; dự án Nhà máy Công ty TNHH Furukawa Automotive Systems Vĩnh Long Việt Nam (Nhật Bản), vốn đầu tư 48,8 triệu USD với mục tiêu sản xuất bộ dây diện dùng cho xe ô tô tại Vĩnh Long.
Bên cạnh đó là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu của Singapore, vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG; dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD; dự án công trình văn phòng tại 29 Liễu Giai của Singapore, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 246 triệu USD...
Theo đánh giá của các chuyên gia, làn sóng đầu tư nước ngoài mới đang tràn đến Việt Nam là minh chứng cho sự dịch chuyển đầu tư được thúc đẩy bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay dịch COVID-19 cùng với nhiều nhân tố khác. Đây là nguồn vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vì hiện rất ít nước có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia nên chứng tỏ, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam cũng như các yếu tố khác về chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ đang có sự cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, tôi vẫn cho rằng, cần có sự thận trọng nhất định. Bởi lẽ, môi trường thể chế, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành quy định về đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp hiện vẫn đang trong quá trình liên tục cập nhật và chỉnh sửa để phù hợp hơn với yêu cầu phát triển thực tế khách quan. Vẫn còn nhiều vướng mắc và bất cập về điều kiện kinh doanh làm khó và trói chân doanh nghiệp.
Xét ở bối cảnh hiện tại, thực lực của doanh nghiệp nội địa đang rất mong manh và yếu thế sau những cú "va đập" vì ngoại cảnh khách quan của thị trường, của dịch bệnh... Do đó, đón dòng đầu tư nước ngoài vừa nhiều, vừa mạnh về ngay lúc này...e rằng, lợi bất cập hại.
Tôi cho rằng thị trường cần những động lực thúc đẩy tích cực. Song để có những động thái nhanh, mạnh và dứt điểm cũng cần sự thận trọng nhất định và góc nhìn rộng hơn để tránh những hệ lụy.
Phóng viên: Nhiều đề xuất về việc quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần nên theo hướng đơn giản về thủ tục, không bắt buộc nhà đầu tư phải đăng ký đầu tư, vừa gây khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc quản lý hoạt động góp vốn tại các doanh nghiệp và dễ dẫn đến tình trạng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng”... Quan điểm của ông thì sao?
Ông Hoàng Quang Phòng: Trong các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, việc lựa chọn đối tác nào và cách thức đối tác ra sao có lẽ người trong cuộc thường rõ hơn ai hết. Cũng vẫn có tình trạng, phía sau các thương vụ mua bán - sáp nhập xảy ra tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” hay sự bất đồng về quan điểm giữa các đối tác đầu tư.
Song vấn đề ở chỗ, cứ không quản được là cấm, là siết chặt, tôi nghĩ, chúng ta đang có những thứ mà các nhà đầu tư nước ngoài cần. Đó là thị trường Việt Nam hội tụ đủ các yếu tố để được thúc đẩy sôi động và phát triển, vậy cớ sao phải quản "chặt" để rồi luôn mang tiếng là khó, là thiếu thân thiện...
Tôi cho rằng, cơ bản cần có một bộ khung pháp lý sao cho đủ chắc chắn, minh bạch, khách quan và công bằng và áp dụng chung cho tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước, còn vận hành ra sao, hãy để thị trường tự quyết định đúng theo quy luật và những người tham gia phải tuân thủ đúng theo luật chơi mà chính họ đã xây dựng và cùng nhau thống nhất.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thạch Huê/BNEWS/TTXVN (Thực hiện)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/than-trong-truoc-xu-huong-ngoai-hoa-doanh-nghiep-noi/162878.html