Thận trọng khi vay tiêu dùng

6 tháng đầu năm 2018, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương tiếp nhận hơn 1.200 khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng (NTD). Trong đó, ngành hàng được yêu cầu giải quyết khiếu nại nhiều nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với số lượng lên tới 372 vụ (chiếm 38%).

Đánh giá về con số này, ông Hồ Tùng Bách - đại diện Phòng Bảo vệ NTD, Cục CT&BVNTD - cho biết, số liệu này một phần phù hợp với thực tế phát triển của các công ty tài chính những năm gần đây. Trong 10 năm, từ năm 2007 cho tới cuối năm 2017, lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, trung bình 20%/năm và dự báo còn tăng hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những khiếu nại trong ngành cũng tăng cao.

Quảng cáo cho vay tiền dán tràn lan

Cụ thể, chủ thể bị khiếu nại thường tập trung vào các công ty tài chính, nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi NTD như: Cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho NTD sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý của NTD… Đặc biệt, Cục CT&BVNTD còn tiếp nhận một số lượng lớn đơn khiếu nại liên quan đến việc bị đòi nợ nhầm từ các công ty cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng. Theo đó, một số NTD không sử dụng dịch vụ từ các công ty nhưng liên tục bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ hoặc giục trả nợ cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè đã vay tiêu dùng từ các công ty này.

Do đó, với từng trường hợp cụ thể, Cục CT&BVNTD yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành phối hợp với NTD để giải quyết. Kết quả cho thấy, hầu hết các vụ việc phát sinh là do nguyên nhân công ty không thực hiện xác minh lại thông tin chủ thuê bao điện thoại, ngay cả khi NTD đã đề nghị kiểm tra và tiến hành điều chỉnh lại thông tin chủ thuê bao; nhân viên của công ty áp dụng các biện pháp thu hồi nợ không đúng quy trình (đe dọa NTD)…

Với một số vụ việc phát sinh do lỗi của NTD (vi phạm nghĩa vụ thanh toán), Cục CT&BVNTD yêu cầu các bên tiến hành thương lượng, hòa giải và tuân thủ đúng theo quy định của hợp đồng đã ký kết cũng như pháp luật có liên quan.

Thực tế cho thấy, giao dịch tài chính là một hoạt động bao gồm nhiều nội dung phức tạp, có tính chuyên môn cao. Để giám sát và quản lý giao dịch này, hợp đồng cho vay là tài liệu quan trọng để xác định trách nhiệm của các bên, cũng như bằng chứng để bảo vệ quyền lợi NTD. Trong đó, phải lưu ý các thông tin: Lãi suất hàng tháng, tổng số tiền phải thanh toán và quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan…

"Trước khi ký hợp đồng, NTD cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản để có thể tự bảo vệ mình trong những giao dịch tài chính" - ông Hồ Tùng Bách nhấn mạnh.

Cục CT&BVNTD khuyến cáo NTD khi bị đòi nợ nhầm cần ngay lập tức phản hồi cho đơn vị cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng kèm theo các tài liệu chứng minh và liên hệ với cơ quan bảo vệ NTD để được hỗ trợ.

Thu Hà

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/than-trong-khi-vay-tieu-dung-106643.html