Thận trọng khi trẻ mắc hội chứng bong vảy da do tụ cầu

Ngày 22-7, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ cho biết, các bác sĩ Trung tâm Sản Nhi vừa chữa khỏi cho 1 bệnh nhi H.G.H (5 tuổi, trú tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ) mắc hội chứng bong vảy da do tụ cầu (hội chứng 4S).

Theo lời kể của cha mẹ bệnh nhi, trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhi xuất hiện tình trạng đỏ da, ngứa ở vùng mặt, nách, bẹn. Gia đình đã đưa bé đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là dị ứng. Sau đó được dùng thuốc bôi và uống, tắm nước lá cây. Nhưng sau 5 ngày, tình trạng bệnh nhi nặng hơn và bố mẹ đã phải đưa bé đến khoa Hồi sức tích cực- Chống độc (Trung tâm Sản Nhi-Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ). Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng 4S và chỉ định điều trị cho bệnh nhi bằng kháng sinh kháng tụ cầu, vệ sinh và dưỡng ẩm da. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhi hết đỏ da, khô da, bong vảy da, toàn trạng ổn định và được ra viện.

Vậy hội chứng 4S là gì?

Theo bác sĩ Nguyễn Võ Lộc (khoa Hồi sức tích cực-Chống độc), hội chứng 4S (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome) là hội chứng bong vảy da do tụ cầu, trước đây là gọi là bệnh Ritter, là một bệnh lý nhiễm trùng da cấp tính gây nên bởi độc tố của tụ cầu vàng thuộc các type 3A, 3B, 3C, 55, 71. Biểu hiện lâm sàng của bệnh đa dạng tùy theo thể lâm sàng nhưng nhìn chung, các tổn thương hay gặp như đỏ da, khô da, bong vảy da, bọng nước nông, thành mỏng, nhăn nheo dễ trợt vỡ khi chạm nhẹ. Tổn thương hay gặp ở các vị trí nếp gấp, quanh hốc tự nhiên.

 Hội chứng bong vảy da do tụ cầu ở bệnh nhi H.G.H. ẢNH: HÀ NGUYỆT

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu ở bệnh nhi H.G.H. ẢNH: HÀ NGUYỆT

Với trường hợp bệnh nhi H.G.H, tổn thương ban đầu là đỏ da nên đã bị nhầm lẫn với tình trạng viêm da dị ứng khác. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng hay gặp hơn ở trẻ dưới 3 tháng tuổi và đặc biệt ở trẻ sơ sinh, gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng sinh hoạt của trẻ. Bệnh có thể bùng phát thành dịch do lây nhiễm từ người chăm sóc hoặc điều dưỡng nên quá trình chăm sóc cho trẻ cần đặc biệt cẩn thận, tỉ mỉ. Nếu bà mẹ bị áp xe vú do tụ cầu thì không nên cho con bú, cho đến khi điều trị khỏi hẳn áp xe. Người nuôi dưỡng trẻ, nếu bị viêm da, viêm họng... thì cần điều trị khỏi hẳn mới tiếp tục chăm sóc trẻ. Trong nhà trẻ, phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh, khi có trẻ bị bệnh cần cách ly và không cho trẻ khỏe mạnh tiếp xúc với bệnh nhi.

Tin, ảnh: HÀ NGUYỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/than-trong-khi-tre-mac-hoi-chung-bong-vay-da-do-tu-cau-627657