Thận trọng khi bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế là ngừng cấp dịch vụ điện, nước

Ngày 22-10, tại phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc có nên bổ sung hay không biện pháp cưỡng chế chế 'ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước' trong thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là một trong những nội dung làm 'nóng' phiên thảo luận.

Một số ý kiến đề nghị không bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước...”, vì qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, với các quy định hiện hành, việc thi hành và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi đó, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, tổ chức nên nếu áp dụng biện pháp này sẽ tác động tiêu cực không chỉ đến cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn có thể ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác...

Một số ý kiến khác lại cho rằng, việc bổ sung biện pháp cưỡng chế này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhằm buộc cá nhân, tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấm dứt hành vi vi phạm; tuy nhiên, đề nghị thu hẹp phạm vi áp dụng và bổ sung nguyên tắc việc áp dụng biện pháp này không được làm ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức khác.

 Quang cảnh phiên họp sáng 22-10. Ảnh:VPQH

Quang cảnh phiên họp sáng 22-10. Ảnh:VPQH

Góp ý tại phiên họp, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, việc bổ sung thêm biện pháp cưỡng chế là “ngừng cấp dịch vụ điện, nước” là cần thiết nhưng đề nghị phải làm thận trọng và chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực, mà theo dự thảo là chỉ áp dụng trong lĩnh vực xây dựng và bảo vệ môi trường.

Tuy vậy, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến tổ chức và cá nhân khác. "Cung cấp điện, nước nằm trong một hệ thống điện và hệ thống nước, có liên quan đến những người khác, do đó, cần phải gắn trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ điện nước thì mới bảo đảm tính khả thi khi thực hiện”, đại biểu đề xuất.

Đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cũng đồng tình với bổ sung quy định “ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước”. Lý do được đại biểu đưa ra là do trên thực tế, đã có nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm, nhất là trong vấn đề gây ô nhiễm môi trường. “Nếu vẫn cung cấp điện, nước thì họ vẫn sản xuất và sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của người dân và lợi ích của cộng đồng. Quy định bổ sung biện pháp này sẽ bảo đảm trật tự, kỷ cương quản lý hành chính nhà nước, kiên quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời cũng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan”, đại biểu phân tích.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo và chính quyền cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời vi phạm của tổ chức, cá nhân.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đồng ý là nếu vẫn giữ quy định này thì nên chăng chỉ áp dụng trong lĩnh vực xây dựng. Đại biểu nêu thực tế rằng, các biện pháp này gắn với sự tồn tại của thanh tra xây dựng trước đây, kể cả lực lượng thanh tra xây dựng ở xã, phường. Hiện nay theo Nghị định 139 thì biện pháp này đã được bỏ đi rồi không thực hiện nữa.

“Theo thông tin từ các thanh tra xây dựng, trước đây các biện pháp này được áp dụng thì cũng không mấy có hiệu lực, chủ các công trình họ cũng không sợ, bởi vì việc áp dụng cắt điện, nước cũng chỉ áp dụng có thời hạn, không phải là cắt vĩnh viễn. Tuy việc này cũng phiền hà đến việc triển khai các hoạt động xây dựng nhưng thực tế họ không lo sợ gì việc đó...”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại phiên họp. Ảnh:VPQH

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cũng không đồng tình với phương án bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Bởi theo nữ đại biểu, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của cá nhân, trong đó có người già, phụ nữ và trẻ em là những đối tượng cần được quan tâm, cần được bảo vệ; họ trực tiếp thụ hưởng và cũng là đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của luật. “Đây là yếu tố rất nhạy cảm, dễ dẫn đến bức xúc trong dư luận, dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương”, đại biểu phân tích.

THẢO NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/than-trong-khi-bo-sung-them-bien-phap-cuong-che-la-ngung-cap-dich-vu-dien-nuoc-641672