Thân thương những nẻo hoa

Không ở đâu có nhiều chợ hoa như Hà Nội. Chợ hoa họp cả ở nội và ngoại thành. Hà Nội cũng là một trong những đô thị sử dụng nhiều hoa nhất cả nước. Từ người nông dân, người bán hàng rong, nhân viên văn phòng hay bậc trí thức, ai cũng yêu hoa và biết thưởng hoa theo cách của mình.

Hoa được trồng ven các con đường ở huyện Phú Xuyên. Ảnh: VIỆT HÙNG

Tôi men theo những con đường hoa nhỏ nơi các làng quê trù phú, đang xây dựng nông thôn mới ở Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Quốc Oai, Hoài Đức… Từ đường liên xã dẫn vào thôn, hai bên mép đường rực rỡ những cánh hoa như đang chào đón người đi đường, như đang canh gió, canh hương cho những thửa ruộng, cho cánh đồng quê bình yên. Ở những con đường nông thôn mới đó, hoa được trồng và tỏa hương theo cách riêng. Nhiều người thành phố về thăm quê, nhìn những bờ hoa, lũy hoa mà thốt lên: “Người nông dân giờ cũng lãng mạn, yêu đời quá!”. Cũng bởi họ nhìn thấy ngoài công việc đồng áng nhọc nhằn, vất vả, người nông dân đã biết dùng hoa xinh lấn cỏ dại, dùng hoa tươi trang điểm đời sống mình, trang điểm cho những đoạn đường, những góc đồng quê.

Tôi ấn tượng khi trở về thăm những cánh đồng được dồn tụ lại nơi ven sông Nhuệ, sông Đáy. Nơi ấy không chỉ có những người nông dân chăm chỉ, hay lam hay làm, với các cánh đồng mênh mông rộng, mà còn hiện diện những vẻ đẹp không thể nào phủ nhận. Những vẻ đẹp được thắp lên từ chính những bàn tay vất vả lấm lem bùn đất. Họ đã thành công với mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái “ruộng lúa bờ hoa”. Hoa góp phần đuổi sâu bọ. Hoa tôn bồi giá trị của hạt lúa khi dự phần vào việc bảo vệ môi trường. Hoa dâng tới người nông dân sắc hương trong những buổi làm đồng vất vả. Hoa làm chứng nhân cho quãng thời gian con người cùng với việc phát triển kinh tế nông nghiệp, đã biết chung tay vì môi trường chung.

Vào cữ giêng hai, những nam thanh nữ tú đi hội, chơi xuân đã không ngần ngại men theo những triền đê, xuôi xuống những làng mạc, cánh đồng để ngắm hoa quê theo cách của thanh niên ngày nay. Đi chơi làng và “phượt” làng. Họ về làng để tìm cảm giác thân thương, gọi lại những ký ức xa xăm của miền tuổi thơ mình vốn đang lưu lạc nơi nào. Họ đi để cảm nhận những nét đẹp vùng quê vẫn đang được bảo lưu trong sự thay đổi đến gay gắt của cuộc sống. Nếu bạn không tin, hãy cứ tìm về những nẻo hoa, cung đường hoa nơi thôn quê, được chăm sóc rất không chuyên bởi người làng, nhưng lặn sâu ở trong đó là nếp yêu quê, thương quê và muốn trang điểm cho quê hương những đóa hoa xinh. Bạn sẽ thật sự thư thái với cách sống và nghĩ ở quê bây giờ. Cũng đay đả làm giàu. Cũng đôn đáo chạy theo trào lưu mới. Cũng trở trăn đầu tư cho con cái học hành. Thế nhưng ở nhiều nơi vẫn còn đó vẹn nguyên nếp làng, văn hóa lặn sâu dưới đời sống thâm trầm, hằn in trong cuốn hương ước làng và quy ước mỗi dòng họ. Đôi khi cũng chính nhờ những vạt hoa cỏ xinh tươi nơi quê mình, người nông dân đạt được ước nguyện rất lớn là tạo sự cố kết văn hóa, giáo dục cho lớp cháu con của mình về giá trị của cội rễ, ngọn nguồn.

Con người ở thời nào cũng đều cảm được vẻ đẹp của hoa, đều yêu sự tinh tế, rộng lượng và ngọt ngào của hoa. Chắc lẽ chỉ có con người mới có khả năng cảm thụ vẻ đẹp của các loài hoa, đồng thời dùng hoa để tượng trưng cho vẻ đẹp của con người, hiện thân của cốt cách, tinh diệu. Hoa quê đang vẽ vào lòng người Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ… những chuyển điệu của cuộc sống. Biết đâu có một ngày hoa quê nơi vạt đất bên đường lại có thể viết vào dòng thời gian, lên mây trắng và trong sự trong trẻo ở vùng quê những nỗi niềm của sắc mầu đầy biểu cảm. Để từ đó người gần người hơn. Để từ đó người gần với đồng điền và thiên nhiên hơn.

Từ quê tôi lại về phố, với những gánh hoa của các mẹ, các chị. Tôi lại thăm chợ và nhận được câu trả lời rằng, bằng sắc mầu và hương thơm, dù ở đâu hoa cũng đã làm tròn sứ mệnh của mình. Hoa theo chân người từ ngoại thành vào phố. Hoa về ngân thơm trong mỗi gia đình. Hoa đã làm nên những mùa đẹp và gieo vào lòng người sự tinh tế đáng yêu. Bởi thế mà làm thành những nẻo hoa ngoại thành, những phố hoa, chợ hoa thân thương.

DIÊN KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37199602-than-thuong-nhung-neo-hoa.html