Than thở: tồn tại hay không tồn tại?

Bi kịch Shakespeare 'tồn tại hay không tồn tại?' hầu như là nền tảng của kiếp người. Trăn trở của hoàng tử Hamlet không phải của riêng Hamlet: Tồn tại hay không tồn tại; người ta loay hoay không biết nên làm gì để ra khỏi 'cả một biển rắc rối', nhất là khi 'không chịu kết liễu chúng'.

35 năm sau Hamlet của Shakespeare, đến lượt Corneille (Pháp) nêu ra cảnh Don Dìegue hỏi con trai mình là người hùng Rodrigue: “Con có can đảm không?”. Chẳng qua kẻ đã tát vào mặt ông giữa thanh thiên bạch nhật, chính là cha của người yêu của con trai mình, mà ông, tuổi già sức yếu tay đã run không còn thể cầm kiếm tự rửa nhục, đành phải nhờ đến con trai.

Từ Anh (qua Hamlet của Shakespeare) đến Pháp (qua Le Cid của Corneille) cùng thế kỷ 17 dường như trăn trở lớn nhất của giới tinh hoa thời đó là tồn tại sao cho ra tồn tại. Tiếc thay, đã quá lâu rồi không còn nhắc tới những vấn đề tồn tại cơ bản “làm người” kiểu đó trong chương trình văn học nước ngoài phổ thông, như một thứ hành trang kiến thức tổng quát, biến thành nhận thức rồi từ đó hình thành ý thức làm người, giúp hình thành nền tảng văn hóa nơi mỗi học sinh, mỗi công dân tương lai.

Một khi từ nhỏ đã được “gieo trồng” như thế nào, đầy đủ, toàn diện hay “mất gốc”, những cây con sẽ lớn lên đâm hoa, kết trái như thế ấy, bằng không sẽ chẳng kết ra cái trái gì cả, để rồi sau đó hốt hoảng nay đòi làm lại “văn hóa giao thông”, mai đòi xây lại “văn hóa công vụ”, thậm chí cả “văn hóa từ chức”... kiểu ngành nào có một thứ văn hóa đó! Văn hóa chỉ có một, như là nền tảng điều khiển các hành vi làm người trong ý nghĩa con người đã cắp sách đến trường là phải sống, suy nghĩ, hành động như vậy, chớ làm gì có chuyện phân nhánh thành những “văn hóa” của từng ngành nghề, mảng sống như thể có từng vách ngăn riêng rẽ.

Cái văn hóa của “ông quan” và văn hóa làm người là một chớ đâu có tách riêng để phải đưa chuyện thích nịnh hay thích được nịnh vào trong luật “làm quan”! Chỉ khi nào văn hóa của mọi con người có đi học, tức được gieo trồng điều hay như nhau, và sự thăng tiến từ nhập học, lên lớp, ra trường, cất nhắc, đề bạt, cơ cấu... đều như nhau, lúc đó mới có thể tiến đến một xã hội cùng một nền tảng văn hóa, mới hy vọng có thể sống lại với nhau bằng một ý thức chung về sự tồn tại/không tồn tại!

Lúc đó, mới không còn những câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?” như có thể gặp trong vô số “chuyện thường ngày”, tỷ như chuyện trong bài báo có tựa “Thiếu than sản xuất, vẫn xin... xuất khẩu?” (Công an Nhân dân 27-3-2019).

Từ vị thế của một quốc gia có nguồn tài nguyên lớn, nhưng sau nhiều năm ồ ạt xuất khẩu, đến nay, khi nhu cầu trong nước tăng cao, Việt Nam quay lại nhập khẩu cả chục triệu tấn than đá mỗi năm và có thể lên đến 100 triệu tấn vào năm 2030. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ năm 2009 đến trước năm 2013, bình quân hàng năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 19 triệu tấn than đá các loại và gần như không nhập khẩu mặt hàng này. Song, từ năm 2013, xuất khẩu than đá các loại là 12,8 triệu tấn và đến năm 2018 chỉ còn xuất khẩu gần 2,4 triệu tấn. Tính cả giai đoạn 2013-2018, Việt Nam chỉ xuất khẩu khoảng 27,7 triệu tấn, trong khi, tính cho cả giai đoạn 2013-2018, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng khoảng 63 triệu tấn.

Cũng theo nguồn tin trên, hiện chỉ xuất được hơn 50.000 tấn than cám của Công ty Vàng Danh - Uông Bí, còn TKV (Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam - NV) và Tổng công ty Đông Bắc hai năm qua không xuất khẩu được. TKV và Tổng công ty Đông Bắc nay xin xuất khẩu loại than không phải loại đang nhập khẩu, bao gồm than cục, than cám loại 1, 2, 3 sang Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Đây là loại than chỉ có ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc.

Đến đây, không thể không đặt câu hỏi: Sao không dừng sản xuất và xuất khẩu mọi loại than “chỉ có ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho công nghệ luyện thép chất lượng cao (thép không gỉ) của Nhật Bản, Hàn Quốc” để làm của để dành cho mai sau? Không lẽ cứ mãi chấp nhận nhường việc luyện thép chất lượng cao cho thiên hạ mãi sao?

Danh Đức

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/288783/than-tho-ton-tai-hay-khong-ton-tai.html