Than 'thổ phỉ' Quảng Nam - Kỳ 3: Đi tìm lời giải

Vấn nạn than 'thổ phỉ' ở Nông Sơn diễn ra ngang nhiên và đáng báo động. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vẫn chưa có một giải pháp triệt để xóa bỏ.

Khó quản lý?

Ông Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam cung cấp cho chúng tôi Báo cáo số 21/BC-UBND về công tác quản lý khoáng sản huyện Nông Sơn 2020 do Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Chí Tùng ký.

Báo cáo này thể hiện, để quản lý khoảng sản, chính quyền Nông Sơn đã ban hành hàng loạt văn bản quản lý lẫn tuyên truyền.

Mới nhất là Quyết định 2405/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND huyện Nông Sơn thành lập đoàn kiểm tra truy quét hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép. Đoàn kiểm tra đã truy quét, xử lý bàn giao nhiều than lậu lại cho mỏ than Nông Sơn quản lý.

Để vào mỏ than Nông Sơn phải qua một cây cầu duy nhất. Tiếp nữa là cổng barie bảo vệ mỏ than.

Để vào mỏ than Nông Sơn phải qua một cây cầu duy nhất. Tiếp nữa là cổng barie bảo vệ mỏ than.

Vừa tuyên truyền vừa truy quét, xử lý nhưng vì sao than “thổ phỉ” vẫn hoành hành?

Lãnh UBND huyện Nông Sơn cho rằng, việc bảo vệ nguồn khoáng sản của một bộ phận người dân vẫn còn hạn chế. Cạnh đó, vì cuộc sống mưu sinh nên nhiều người vẫn cố tình vi phạm khai thác than trái phép ảnh hưởng đến an ninh trật tự và môi trường.

Cùng với đó, địa bàn Nông Sơn rừng núi hiểm trở nên việc thông tin, đi lại kiểm tra, truy quét gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo Công an huyện Nông Sơn, còn có một lý do đó là việc quản lý của đơn vị chủ mỏ than Nông Sơn còn chưa tốt. Cụ thể, đường vào bãi than đều có bảo vệ mỏ canh gác và dựng rào chắn barie. Nếu bảo vệ làm tốt chức năng thì than “tặc” không thể vào bãi.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Trường Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Trung nói, mỏ than Nông Sơn hay báo cáo việc than “tặc” trộm cắp suốt đêm. Tuy nhiên, thực tế thì mỏ than thuộc phạm vi của chủ mỏ quản lý do đó, trước tiên, mỏ than cần nâng cao công tác bảo vệ.

Tập kết than trái phép không chỉ tiếp tay cho than "tặc" mà còn ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của chính người dân Nông Sơn.

Trong khi đó, đơn vị quản lý mỏ than Nông Sơn bày tỏ mong muốn và đã rất nhiều lần có văn bản đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền và công an mạnh tay hơn trong xử lý, truy quét than “tặc”.

Bởi, chỉ có các lực lượng chấp pháp, thi hành công vụ mà đặc biệt là công an mới có thể khiến than “tặc” sợ hãi, bỏ chạy. Lực lượng bảo vệ của mỏ rất khó khăn để “trấp áp” than “tặc”. Các đối tượng khai thác trộm luôn manh động, sẵn sàng hạ thủ khi bị bảo vệ ngăn chặn.

Lời giải nào?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để vào mỏ than Nông Sơn, trước khi qua các barie bảo vệ thì con đường độc đạo duy nhất là theo đường ĐT610. Chưa hết, cũng để vào mỏ than phải đi qua 1 câu cầu duy nhất là cầu Nông Sơn.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần lập tổ kiểm tra chốt chặn ngay cầu Nông Sơn thì than “thổ phỉ” không thể nào hoạt động, vận chuyển than ra ngoài mỏ.

Nói về giải pháp này, một lãnh đạo Công an huyện Nông Sơn cho rằng, khó có thể thực hiện. Bởi lý do về lực lượng tham gia, kinh phí…

Làm thế nào để chấm dứt nạn than "thổ phỉ" ở Quảng Nam?

Báo cáo từ UBND huyện Nông Sơn thể hiện, để bảo vệ khoáng sản, UBND huyện đã lập đội Kiểm tra liên ngành tăng cường tổ chức kiểm tra, truy quét.

Cùng với đó, trong tương lai chính quyền kiện toàn lực lượng truy quét khai thác khoáng sản trái phép nhằm cơ động theo yêu cầu. Đặc biệt, khi có lực lượng công an chính quy về các xã đã phát huy hơn vai trò trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản.

UBND huyện Nông Sơn cũng nhấn mạnh rằng, công tác tuyên truyền đến người dân nơi vùng có khoáng sản cần chú trọng. Từ đó, có sự tham gia giám sát, góp ý, phản ánh của người dân sẽ góp phần nâng cao công tác bảo vệ tài nguyên, khoáng sản.

Lê Nhâm Thân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/than-tho-phi-quang-nam-ky-3-di-tim-loi-giai-a509559.html