Thần Sa còn nhiều gian khó

Xã Thần Sa (Võ Nhai) là xã có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh (trên 10.000ha), cũng là một trong hai xã (cùng với xã Sảng Mộc, Võ Nhai) đạt số tiêu chí nông thôn mới thấp nhất tỉnh (10 tiêu chí). Ngoài những thông tin rất dễ nhớ đó, lãnh đạo xã Thần Sa chia sẻ với chúng tôi nhiều khó khăn và nỗ lực của địa phương để nhằm mục tiêu hàng đầu là nâng cao đời sống của người dân.

Cầu tràn xóm Trung Sơn, xã Thần Sa đang được khẩn trương xây dựng. Hiện kết cấu hạ tầng của xã Thần Sa còn yếu và thiếu.

Cầu tràn xóm Trung Sơn, xã Thần Sa đang được khẩn trương xây dựng. Hiện kết cấu hạ tầng của xã Thần Sa còn yếu và thiếu.

Thần Sa có diện tích tự nhiên lớn nhưng chủ yếu là núi đá vôi nằm trong rừng đặc dụng, không thể canh tác. Dân số khoảng 2.800 người, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đất canh tác nông nghiệp cũng không đủ và nhiều diện tích chỉ cấy được một vụ lúa do phụ thuộc nước trời. Trong số 9 xóm thì 2 xóm Tân Kim, Thượng Kim gần như không có ruộng cấy, người dân sống gần rừng nhưng chủ yếu là rừng phòng hộ nên không phát triển được kinh tế rừng, đời sống bấp bênh. Vì vậy, 31 hộ dân xóm Thượng Kim đều thuộc diện nghèo và cận nghèo, xóm cách trung tâm xã khoảng 20km và vẫn chưa có mét đường nào được cứng hóa. Địa hình xã Thần Sa bị chia cắt mạnh bởi nhiều núi đá và sông suối, nhiều hộ dân và cộng đồng dân cư gần như tách biệt với bên ngoài, điều kiện tiếp cận thông tin và đời sống kinh tế khó khăn nên trình độ dân trí nói chung còn thấp. Đó là “rào cản” lớn đối với việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 18 triệu đồng/năm, mức rất thấp so với các địa phương khác.

Khi tôi tỏ ra lạc quan về công tác giảm nghèo của xã qua các con số: Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân 5 năm qua đạt 6,8%/năm, riêng năm 2019 số hộ nghèo giảm 12,7% và hiện chỉ còn 20,37% (132/648 hộ), thấp hơn một số xã cùng khu vực phía Bắc huyện… Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa, anh Lê Việt Bắc nói ngay: Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm khá nhanh nhưng thiếu bền vững, có năm hàng chục hộ tái nghèo. Nguyên nhân chủ yếu là do các nguồn thu của người dân bấp bênh, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Chủ tịch UBND xã Thần Sa, anh Lê Văn Thanh chia sẻ thêm: Người dân địa phương còn nặng tư duy tự cung tự cấp. Những năm gần đây, xã tích cực phối hợp với các đoàn thể và cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, chỉ đạo cán bộ khuyến nông, cán bộ nông nghiệp về từng địa bàn để hướng dẫn, giúp người dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng kết quả chưa rõ nét. Phần lớn bà con vẫn muốn làm theo lối cũ nên xã xác định phải dần dần, kiên trì với giải pháp này để người dân thay đổi tư duy làm ăn, mạnh dạn hơn và tích cực áp dụng kỹ thuật mới.

Đời sống kinh tế còn khó khăn nên khả năng đối ứng của người dân trong xã để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn hạn chế. Từ năm 2016 đến nay, xã Thần Sa huy động được trên 13 tỷ đồng cho Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong đó người dân chủ yếu chỉ đóng góp bằng ngày công đạt giá trị khoảng 4 tỷ đồng. Đến thời điểm này, địa phương còn 6,8km đường xã, 4,3km đường trục xóm và trên 20km đường ngõ xóm cần cứng hóa, chủ yếu tại những địa bàn khó khăn đặc thù, nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã. Ngoài ra, hầu hết các nhà văn hóa xóm trên địa bàn chưa đạt chuẩn, nhà văn hóa xã cũng thiếu hạng mục đạt chuẩn dù đã được một số doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn hỗ trợ; xã cũng chưa có hệ thống loa truyền thanh tới các xóm…

Trong bối cảnh nhiều khó khăn như vậy, chỉ tiêu về xây dựng NTM đề ra trong Nghị quyết của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 không đạt. Nghị quyết là mỗi năm xã đạt thêm trung bình 3 tiêu chí NTM nhưng đến nay mới chỉ đạt 10 tiêu chí; 6/10 chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết nhiệm kỳ cũng không đạt.

Nói về các giải pháp, định hướng của địa phương thời gian tới, Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa, anh Lê Việt Bắc cho biết: Chúng tôi tập trung vào nhóm giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của người dân. Mấu chốt là kiên trì tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, định hướng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa bàn (như trồng rau hàng hóa tại xóm Trung Sơn, Kim Sơn; trồng rừng tại Tân Kim, Thượng Kim; trồng chè tại Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao…); xây dựng các mô hình để nhân rộng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan và doanh nghiệp tạo việc làm cho người dân, hiện xã có khoảng 200 người đang đi làm công nhân và xuất khẩu lao động. Để khắc phục những hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM, hằng năm, Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề, giao nhiệm vụ cho các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân…

Có thể nói, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Thần Sa đã nỗ lực nhưng như vậy là chưa đủ để tạo chuyển biến mạnh mẽ, địa phương này cần nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn từ các cấp, ngành để từng bước vượt qua khó khăn.

Trần Quyền

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/than-sa-con-nhieu-gian-kho-270475-205.html