Thán phục kỹ năng siêu phàm của thợ lặn Nga: 'Ông vua rình rập' dưới đáy biển!

Người nước ngoài vô cùng ngạc nhiên trước chất lượng tuyệt vời của các thiết bị và dụng cụ dưới nước của Nga, cũng như trình độ của các thợ lặn Nga.

Thợ lặn siêu phàm

Trường dạy lặn đầu tiên ở Đế quốc Nga được thành lập vào ngày 5/5/1882, tại thành phố Kronstadt trên đảo Kotlin ở Vịnh Phần Lan, , theo sắc lệnh của Hoàng đế Alexander III.

Nơi đây được giao nhiệm vụ đào tạo "các sĩ quan thợ lặn có kinh nghiệm và cấp bậc thấp cho các hoạt động trên tàu cũng như ở dưới nước".

Các thợ lặn này thường là những người từng phục vụ trên các tàu chiến của Hải quân Nga trước đây - họ được tuyển chọn trong số những thủy thủ có thể bơi tốt. Tuy nhiên, số lượng các chuyên gia lặn vẫn còn rất hạn chế và trình độ đào tạo còn chưa đạt được như kỳ vọng.

Vì vậy, Nga quyết định đã đến lúc phải xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp có khả năng nhanh chóng thu thập các thành phần quan trọng từ một con tàu bị chìm hoặc rà phá bom mìn một cách hiệu quả trên đường thủy.

Chỉ những thủy thủ dưới 26 tuổi rắn rỏi, có lồng ngực phát triển tốt, phổi và tim khỏe mạnh mới được nhận vào trường. Những gã đàn ông cổ rụt và nghiện rượu đều bị cấm tiệt.

"Một thợ lặn muốn thực hiện công việc của mình một cách vô hại và thành công phải có một lối sống đúng đắn. Đó là lý do tại sao những người say rượu thường xuyên nên bị loại khỏi danh sách thợ lặn", chỉ dẫn trong Quy tắc Thợ lặn cho biết.

Khóa đào tạo kéo dài 12 tháng, trong đó các sĩ quan học cách kiểm tra thành thạo xác tàu, lập bản vẽ sơ đồ về chúng và lập kế hoạch trực vớt. Các cấp bậc thấp hơn chủ yếu được đào tạo để tiến hành thu thập đồ dưới nước một cách hiệu quả.

Các học viên được làm quen với cấu trúc của thiết bị và dụng cụ dưới nước cũng như nghiên cứu cách họ ứng phó dưới nước để giảm thiểu các mối đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.

Việc đào tạo đạo đức và tâm lý tại trường nghiêm túc đến mức các giáo viên của trường thường được các chuyên gia quân sự và dân sự hàng đầu trong lĩnh vực sư phạm và tâm lý học tư vấn.

Những người giỏi nhất

Trường dạy lặn không chỉ giới hạn trong việc giảng dạy mà còn là một loại trung tâm nghiên cứu, nơi tất cả các khía cạnh về lặn được nghiên cứu kỹ lưỡng và các công cụ mới được phát triển không thua kém – thậm chí vượt trội so với các thiết bị tương tự nước ngoài: máy bơm lặn của Kolbasiev, máy dò mìn dưới nước của Shultz, máy ảnh chụp ảnh dưới nước của Yesipov và Rodionov… cùng nhiều thứ khác.

Trường dạy lặn của Nga cũng được biết đến rộng rãi ở nước ngoài, khi tham gia một số triển lãm công nghiệp ở Mỹ và Pháp. Ở đó, các phát minh của trường đã được trao bằng danh dự, cũng như huy chương đồng và bạc.

Những người nước ngoài đã vô cùng ngạc nhiên trước các thợ lặn Nga. Họ có thể hoạt động 3 đến 4 giờ mỗi ngày dưới nước mà không có bất kỳ phàn nàn nào về sức khỏe, trong khi các đồng nghiệp của họ thường phản hồi về tình trạng chóng mặt, đau tai và nôn mửa.

Năm 1909, các sinh viên tốt nghiệp của trường đã nâng thành công từ độ sâu 58 mét thân tàu ngầm 'Kambala', con tàu bị chìm gần Sevastopol sau khi va chạm với thiết giáp hạm 'Rostislav'. Đó là một kỳ tích thực sự, vì độ sâu nâng tàu vào thời điểm đó trên thế giới không vượt quá 30 mét.

Cho đến khi Đế quốc Nga sụp đổ vào năm 1917, trường dạy lặn đã đào tạo hơn 2.500 chuyên gia, nhiều người đã tham gia và hy sinh trong các cuộc chiến cam go.

Sau cuộc cách mạng, cơ sở này được chuyển đến Crimea và đổi tên thành 'Trường dạy lặn hải quân Balaklava'. Từ đó đến nay, trường vẫn tiếp tục đào tạo các chuyên gia dưới nước cho Hải quân Liên Xô.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/than-phuc-ky-nang-sieu-pham-cua-tho-lan-nga-ong-vua-rinh-rap-duoi-day-bien-82022277203211771.htm