'Thần linh, tổ tiên, thầy cúng: Tín ngưỡng người Bru-Vân Kiều' trong mắt GS người Hungary

Trưng bày 'Thần linh, tổ tiên và thầy cúng: Người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn' do Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội phối hợp với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực hiện. Khoảng 70 bức ảnh về cuộc sống và tín ngưỡng của người Bru-Vân Kiều do Giáo sư Vargyas Gábor, nhà nhân học văn hóa - xã hội người Hungary thực hiện được giới thiệu trong trưng bày này.

Khách tham quan trưng bày “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng: Người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn”

Khách tham quan trưng bày “Thần linh, tổ tiên và thầy cúng: Người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn”

Giáo sư Vargyas Gábor là thành viên Hội đồng khoa học Viện Dân tộc học, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học Hungary; đồng thời là Chủ nhiệm chương trình đào tạo tiến sĩ Nhân học tại Khoa Dân tộc học và Nhân học văn hóa châu Âu, ngành Khoa học nhân văn, Đại học Pécs, Hungary. Lĩnh vực nghiên cứu của ông là văn hóa các tộc người ở Đông Nam Á và châu Đại Dương.

Ông đã thực hiện nhiều chuyến điền dã dân tộc học ở nhiều quốc gia như Papua New Guinea, Trung Quốc, Thái Lan, Lào… Ở Việt Nam, giáo sư đã dành nhiều năm sống cùng với cộng đồng người Bru-Vân Kiều tại Quảng Trị (1985-1989). Trưng bày là một phần trong bộ sưu tập ảnh dân tộc học do ông thực hiện trong thời gian này.

Chia sẻ tại triển lãm, giáo sư Vargyas Gábor kể lại mình đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên trong đời vào năm 1985 và dành hơn một năm rưỡi trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 1989 để ở Tây Nguyên tại một ngôi làng của người Bru/Vân Kiều quanh khu vực Hướng Hóa/Khe Sanh ở Quảng Trị trong một năm rưỡi.

Cắt băng khai mạc trưng bày

Giáo sư người Hungary nhớ lại: Hoàn cảnh lúc đó rất lãng mạn. Tôi chuyển đến nhà của một gia đình người Bru/Vân Kiều, những người đã giúp tôi trở thành thành viên của gia đình họ. Tôi đã sống, ngủ, ăn và làm việc với họ, chia sẻ cùng họ niềm vui và nỗi buồn; học ngôn ngữ của họ và dành tất cả thời gian và năng lượng để tìm hiểu về văn hóa Bru/Vân Kiều với góc nhìn của người trong cuộc.

Để đến được ngôi làng, phải đi bộ cả ngày trên đường rừng và vượt qua sông trên những chiếc cầu treo; ở đó không có điện, cửa hàng, đài hay TV, điện thoại, bưu điện hoặc trạm y tế; và nếu có tiền cũng hầu như không sử dụng được. Trong chuyến thực địa này, tôi đã làm việc 14-16 giờ và đi bộ trung bình 5-10 km mỗi ngày, sụt hơn 20kg, và tôi cũng không rời khỏi làng trong vòng 10 tháng, tôi cũng chỉ nhận được 2 lá thư từ gia đình mình…

Một góc triển lãm

“Và giờ tôi đang ở đây, 30 năm sau, kể lại những gì tôi đã làm trong những năm đó và sau đó. Hiếm khi có một dịp đặc biệt như vậy trong cuộc đời của một nhà khoa học xã hội hay nhà nghiên cứu: trưng bày ảnh về những bức ảnh thực địa của tôi được thực hiện ở Bảo tàng Dân tộc học có lẽ là uy tín nhất ở Đông Nam Á; và một tập hợp các bài viết khoa học của tôi về văn hóa và tín ngưỡng của người Bru/Vân Kiều bằng tiếng Việt được xuất bản thông qua đơn vị xuất bản nổi tiếng của Việt Nam, Đông Tây.

Nhiệm vụ của tôi không phải là đánh giá tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với dân tộc học hay khoa học xã hội Việt Nam. Nhưng điều đó có ý nghĩa gì đối với tôi, tôi đã nhận thức được: đó là sự trân trọng đối với sự nghiệp khoa học của tôi ở Việt Nam và tôi có thể trở về quê hương sau một thời gian dài vắng mặt” – Giáo sư Vargyas Gábor chia sẻ.

GS Vargyas Gábor ký tặng sách "Bất chấp định mệnh: Văn hóa và phong tục người Bru-Vân Kiều"

Nhân dịp khai mạc trưng bày, cuốn sách "Bất chấp định mệnh: Văn hóa và phong tục người Bru-Vân Kiều" của Giáo sư Vargyas Gábor ra mắt bạn đọc. Đây là công trình khảo cứu thứ nhất của ông về người Bru-Vân Kiều được xuất bản bằng tiếng Việt.

Các bài viết trong sách đề cập đến các khía cạnh khác nhau như lịch sử dân tộc, liên kết dân tộc, shaman và nghi lễ, tang lễ, các khía cạnh của văn hóa dân gian... Cuốn sách đầu tiên ông viết về tộc người này có tựa đề A la recherche des Brou perdus, population montagnarde du Centre Indochinois, do Nhà xuất bản Olizane Genf, Paris phát hành (2010).

Trưng bày mở cửa tất cả các ngày trừ thứ Hai hằng tuần, từ ngày 12 tháng 10 năm 2018 đến ngày 31 tháng 1 năm 2019.

Người Bru-Vân Kiều có dân số 74.506 người (2009). Họ sống ở vùng cao của hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị thuộc miền trung Việt Nam, quanh khu vực vĩ tuyến 17 (giới tuyến của vùng phi quân sự thời kì chiến tranh Việt Nam) và dọc theo biên giới Việt Nam-Lào. Ngôn ngữ của họ thuộc nhánh Tây Katuic, nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme. Người Bru-Vân Kiều theo chế độ phụ hệ, sống dựa trên hoạt động đốt nương làm rẫy, chăn nuôi gia cầm, gia súc, đánh cá và săn bắt. Họ không có nghề dệt, luyện kim và làm gốm.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/than-linh-to-tien-thay-cung-tin-nguong-nguoi-bruvan-kieu-trong-mat-gs-nguoi-hungary-3957281-v.html