'Thần hộ mệnh' giúp xe tăng Ukraine vô hiệu hóa mọi loại đạn chống tăng Nga

Trang bị cho xe tăng, thiết giáp các hệ thống phòng vệ chủ động tiên tiến sẽ nâng cao đáng kể khả năng sống sót của chúng trên chiến trường.

Hiện nay các cường quốc quân sự trên thế giới đang có xu hướng tích hợp thêm cho xe tăng, thiết giáp các hệ thống phòng vệ chủ động (APS) để tăng cường khả năng sống sót thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào các lớp giáp.

Đi đầu trong xu thế trên là Quân đội Mỹ và Israel, khi các cỗ chiến xa của họ đã được tích hợp những hệ thống APS tối tân như Trophy, Iron Curtaine hay Iron Fist.

Trong khi đó, Nga mặc dù đã chế tạo khá nhiều hệ thống APS như Drozd, Arena hay Afghanit nhưng chưa một tổ hợp nào được chính thức trang bị đại trà.

Điều này khiến Nga đang bị tụt lại sau Ukraine, khi Quân đội Kiev mới đây đã công bố kế hoạch triển khai các tổ hợp APS Zaslon và Shershen sau khi chúng đã vượt qua mọi bài thử nghiệm và còn được nước ngoài đặt mua.

Hệ thống APS Zaslon được thiết kế cho xe tăng còn Shershen tương thích xe thiết giáp hạng nhẹ, chúng dự kiến sẽ được ưu tiên cài đặt trên những chiến xa của các đơn vị ở tiền tuyến.

Tổ hợp phòng vệ chủ động này của Ukraine có kết cấu khá kỳ lạ, bao gồm 4 - 6 module gắn kết vào thân xe với phần chiến đấu chĩa ra phía ngoài trông như những nòng pháo phụ.

Khi ở trạng thái tĩnh, phần chiến đấu của tổ hợp APS thu gọn vào bên trong hộp bảo vệ và chỉ đưa ra ngoài khi cảm thấy có mối đe dọa, cảm biến sẽ liên tục quét xung quanh xe để phát hiện tên lửa hay đạn chống tăng bay tới.

Khi nhận diện được nguy hiểm, hệ thống sẽ tính toán và nhanh chóng tung ra đòn phòng vệ bằng hàng ngàn viên bị thép nổ chụp vào vũ khí của đối phương, thời gian phản ứng cực nhanh đảm bảo an toàn cho kíp chiến đấu.

Trước kia hệ thống APS Zaslon và Shershen của Ukraine không được đánh giá cao vì chúng gặp phải vấn đề với khả năng hoạt động cùng lúc của các module.

Cụ thể, các hệ thống này rất khó khăn khi phải chống trả lại cuộc tấn công của đạn chống tăng đến từ nhiều hướng, tuy nhiên theo tuyên bố của nhà sản xuất thì mọi việc đã được khắc phục hoàn toàn.

Tuy nhiên Zaslon và Shershen có nhược điểm là hệ thống APS hoạt động theo nguyên tắc cũ, dễ gây thương vong nghiêm trọng cho lính bộ binh đi kèm vì mảnh văng phát tán trên diện tích rất rộng và khó kiểm soát.

Hiện nay một số hệ thống APS của phương Tây như Iron Curtain do Mỹ sản xuất hoặc ADS của Tập đoàn Rheinmetall - Đức hoạt động trên nguyên lý dùng áp lực thuốc nổ hoặc bột kim loại để vô hiệu hóa vũ khí đối phương.

Nhưng trong điều kiện hiện tại của Ukraine, nhất là tình thế cấp bách của chiến trường thì nhược điểm trên của những hệ thống APS nội địa vẫn có thể chấp nhận được.

Khi các xe tăng và xe bọc thép ở tiền tuyến được lắp đặt đại trà những tổ hợp APS nội địa trên, Quân đội Ukraine sẽ có ưu thế lớn trước lực lượng ly khai miền Đông cũng như Quân đội Nga.

Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự, tổ hợp APS Zaslon và Shershen sẽ trở thành "thần hộ mệnh" của lực lượng bộ binh cơ giới Ukraine khi nó đủ khả năng vô hiệu hóa mọi loại đạn chống tăng của Nga.

Trước tình hình này, có lẽ Nga sẽ phải cấp tốc hoàn thành thử nghiệm và tiến hành lắp đặt các tổ hợp Arena cho xe tăng T-72B3M sớm hơn dự kiến ban đầu.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-than-ho-menh-giup-xe-tang-ukraine-vo-hieu-hoa-moi-loai-dan-chong-tang-nga/793369.antd