'Thần dược' cát lợn rao giá tiền tỷ: Viên sỏi mật không hơn không kém

Vài tháng, người dân lại xôn xao về việc xuất hiện cát lợn quý giá, có khả năng trị bách bệnh. Thế nhưng, thực tế, cát lợn được rao bán nhưng không ai mua, công dụng lại mập mờ và được xác định chỉ là viên sỏi mật của lợn.

"Thần dược" cát lợn mập mờ giá cả, công dụng

Sau thời gian tạm lắng, mới đây, thông tin một nông dân miền Tây phát hiện cát lợn có trọng lượng lớn khiến dư luận xôn xao. Không ít người đã bỏ thời gian, công sức lặn lội đến nhà anh này tại xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) để tận mục loại thần dược tiền tỷ.

Trước những thông tin trên, PV đã vào cuộc, tìm hiểu độ hiếm cũng như giá khủng, sức mạnh thật sự của loại "thần dược" tự phong.

Qua nhiều mối liên hệ, PV tiếp xúc với anh H.A.T. khoảng 40 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận, người được cho là lái buôn cát lợn.

Anh T. cho biết, anh đang sở hữu 5 cát lợn có trọng lượng từ 300 - 800gram. Do có nhiều cát lợn nên anh phải nhờ con đăng bán trên các trang mạng "để có độ cạnh tranh công khai cho người mua".

Người bán giới thiệu viên cát lợn khủng.

Người bán giới thiệu viên cát lợn khủng.

Trao đổi với PV, anh T. cho biết: "Cát lợn này tôi có được từ 23 tháng Chạp năm ngoái. Thời điểm này, tôi có mua 11 con lợn từ người đồng bào ở Lâm Đồng về mổ bán. Khi mổ, tôi phát hiện trong số 11 con lợn này có 5 con có cát lợn. Số cát lợn này tôi đã phơi khô, cất cẩn thận và rao bán trên mạng cho ai có nhu cầu".

Mặc dù khẳng định vật mình đang sở hữu là “thần dược” nhưng anh này lại không chứng minh vì sao nó được gọi là cát lợn và có giá trị như thế nào.

Anh nói: "Tôi chỉ biết nó là cát lợn vì lấy ra từ trong bao tử con lợn. Nó có hình bầu dục, xậm màu do nhiều sợi như lông lợn bện lại. Đặc biệt, khi phơi khô nó có mùi thơm như thuốc bắc".

Lần theo mối quan hệ của anh T., PV phát hiện, cát lợn không hiếm như những lời đồn thổi. Ngược lại, vật được gọi là thuốc tiên này bày bán như mớ rau, con cá trên chợ ảo. Chúng phổ biến và nhiều đến nỗi, người bán lập hẳn các hội nhóm chuyên rao bán, kinh doanh.

Tại các hội nhóm này, người bán đua nhau đăng ảnh các loại cát lợn với nhiều kích thước, trọng lượng, màu sắc khác nhau. Phía dưới các bức ảnh giới thiệu "thuốc tiên" của mình, người bán để lại số điện thoại liên lạc. Ghi nhận tại các chợ ảo này, PV nhận thấy, cát lợn có nhiều màu sắc, kích thước khác nhau.

Cát lợn được bán như mớ rau, con cá trên chợ ảo.

Ngoài màu xanh ngả vàng thường thấy, cát lợn tại đây còn có màu đen, nâu đỏ, trắng,... Quan sát thực tế, PV nhận thấy có cát lợn được hình thành từ nhiều sợi như lông, có vật hình thành từ các sợi rác, có vật lại giống như bánh trà phổ nhĩ,... Cát lợn tại đây cũng nhiều kích thước trọng lượng khác nhau, có vật được khẳng định nặng hơn 1kg.

Liên hệ với người bán tên H.V. (ngụ tỉnh Hải Dương), PV được mời chào với những lời quảng cáo có cánh.

Người này cho biết, cát lợn của anh được lấy ra từ bao tử con lợn nái gia đình đã nuôi gần 10 năm. Do đó, dược tính của cát lợn này rất lớn, có thể trị bách bệnh.

“Loại này, Trung Quốc mua cả nghìn đô (1.000USD – PV)/lạng đấy. Nhưng tôi không muốn vật quý nước nhà rơi vào tay ngoại bang nên giữ lại. Chị xem lấy được nhiêu (mua với giá bao nhiêu – PV), hợp lý tôi để lại cho”.

Chỉ là viên sỏi mật không hơn không kém

Tuy nhiên, khi PV hỏi, cát lợn trên có thể trị các loại bệnh nan y nào, liều dùng ra sao,… người này không trả lời được mà chỉ nói: “Cái đó chị hỏi mấy lương y”.

Tương tự, người bán tên Phúc Hoàng (ngụ tỉnh Bình Định) cũng cho biết, anh đang sở hữu 2 viên cát lợn có màu đen rất giá trị. Anh này dự định “để lại cho người ra giá hợp lý và thực sự hiểu về cát lợn”.

Nhiều người rao bán cát lợn theo kiểu hú họa cầu may. Bởi, họ cũng không hiểu, biết gì về "thần dược" lạ lùng này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, không ít người bán cũng mập mờ thông tin về vật đang đăng bán. Người bán tên Vỹ (ngụ tỉnh Bình Phước) cho biết, anh không hề biết cát lợn là gì, có tác dụng ra sao và được bán bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, do trong lúc mổ heo, anh vô tình phát hiện vật giống như miêu tả trên mạng khi nói về cát lợn nên đăng bán.

Khi được hỏi, anh thật thà cho biết: “Tôi thấy hiếm vì mổ heo nhiều lần nhưng chưa thấy vật này trong dạ dày heo như lần này. Lần này, tôi mổ 4 con thì hết 2 con có vật như búi lông cứng trong bụng. Nghe nói đó là cát lợn, tôi đăng bán chứ không biết nó là gì và cát lợn có giá bao nhiêu, có tác dụng gì. Ai mua thì tôi bán, vài trăm ngàn hay và triệu tôi cũng bán”.

Một người bán khác tên Long (ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng cho biết, anh đăng bán vật nghi là cát lợn theo kiểu hú họa cầu may. Bởi, bản thân anh không hề biết vật anh gọi là cát lợn trên được mua, bán như thế nào.

Theo tìm hiểu của PV, người bán tại các chợ ảo chuyên trao đổi cát lợn cho biết, vật được gọi là cát lợn không hề hiếm gặp. Ngược lại, đa số những người mổ heo với số lượng lớn đều cho biết có gặp vật như cát lợn, đặc biệt là ở heo nái có tuổi.

Và, đa số người bán cũng không biết gì về vật được gọi là cát lợn này ngoài những thông tin, đồn thổi trong dân gian. Những ghi nhận thông tin từ thực tế của PV cho thấy, ngoài người bán tự vẽ chuyện huyễn hoặc, công dụng thần kỳ để bán được vật được gọi là cát lợn, những người khác đa số đều không dám ngả giá, không rõ thông tin về sức mạnh, công dụng, dược tính của vật này.

Theo các chuyên gia về y học cổ truyền, cát lợn chỉ là một viên sỏi mật không hơn không kém.

Trong khi đó, các chuyên gia về y học cổ truyền cũng khẳng định, trong các y văn không hề có phương thuốc nào gọi là cát lợn.

Khẳng định thông tin trên, lương y, võ sư Phạm Xuân Việt, Trưởng bộ môn tự do của liên đoàn Võ thuật tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Các thông tin khẳng định vật gọi là cát lợn có tác dụng trong y học, có thể chữa bệnh cần phải xem lại. Bởi, từ lúc đi học ngành y học đến bây giờ, tôi chưa thấy bất cứ bài thuốc nào sử dụng cát lợn. Tôi cũng không thấy vật này trong y văn, cũng chưa có một công trình nghiên cứu nào về vật gọi là cát lợn này”.

Cùng nhận định trên, GS.TS Dương Trọng Hiếu, chuyên gia đầu ngành y học cổ truyền Việt Nam, người từng có 40 năm công tác tại viện nghiên cứu Đông y, bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương khẳng định: “Trong Đông y không có vị thuốc nào là “cát lợn” cũng không có bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn. Đông y chỉ có vị thuốc ngưu hoàng là sỏi mật của trâu và bò. Ngưu hoàng là một vị thuốc quý, đắt tiền, dùng để làm thuốc trị đột quỵ ở người. Vị thuốc này đã có trong y văn từ hàng ngàn năm trước. Ngược lại, cho đến bây giờ, tôi chưa thấy cát lợn có mặt trong tài liệu y khoa nào”.

Các chuyên gia y học cổ truyền nhận định, cát lợn còn gọi là trư cát, trư sa cát lợn hay trứng vàng, là một loại sỏi mật lành tính được tích tụ theo thời gian trong cơ thể lợn, được dân gian đánh giá là có giá trị đối với y học. Nhưng trên thực tế trong đông y không sử dụng bất cứ vị thuốc nào từ dạ dày của lợn, hiện chưa có tài liệu, bằng chứng, thông tin chính thống nào nói về giá trị kinh tế cũng như y khoa của cát lợn.

Ngọc Lài

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/than-duoc-cat-lon-rao-gia-tien-ty-vien-soi-mat-khong-hon-khong-kem-a424447.html