Thần cây đa, ma cây gạo…

Ý nghĩa của phương ngữ 'Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề' hầu như được hiểu thống nhất là: thần trú ngụ ở cây đa, ma lẩn quất ở cây gạo, linh hồn các loài cú cáo ẩn nấp ở cây đề.

“Ma” ở đây thường là ma đói, tức các cô hồn chết đói chết khát không được thờ cúng nên thường tìm đến cây gạo mong kiếm miếng ăn, vì cây gạo đồng âm với từ “gạo”… Câu nói trên cho thấy sự đề cao, trân trọng các vị thần có công với dân làng nên các ngài được “mời” về “ngự” ở cây đa vừa gần vừa thiêng.

Ngày xưa làng xã nào cũng có cây đa, ở đầu làng, ở sân chùa, ở cổng chợ, ở sân đình… Đi xa nhìn về làng trước hết là thấy bóng đa. Cây đa trở thành biểu tượng văn hóa: cây đa, bến nước, sân đình. Dưới bóng cây đa bao đứa trẻ lớn lên, bao lời hát ra đời, bao chuyện vui buồn thành truyền ngôn… Thành ra cây đa càng được thiêng hóa.

Thế nên trong truyện cổ tích khi vợ thằng Cuội ngây dại vén váy đái vào gốc nên cây đa tức giận mà bay lên trời. Thằng Cuội tiếc, đuổi theo giữ lại cây quý liền bị kéo luôn lên cung trăng… Nhân vật cổ tích thường gắn liền với hình tượng cây, cô Tấm nhập thân vào cây xoan đào, cây thị. Thạch Sanh trú ngụ dưới gốc đa, bắn đại bàng từ gốc đa. Anh em nhà nọ với cây khế…

Đức Phật dưới cây Bồ Đề.

Đức Phật dưới cây Bồ Đề.

Thực tế, với người Việt, không chỉ cây đa mà bất cứ cây cổ thụ nào, càng lâu năm, càng to, bề thế càng được thiêng hóa. Cây ấy lại mọc ở ngã tư, ngã ba hoặc gần đường càng dễ được huyền thoại hóa thêu dệt biết bao chuyện lạ, ly kỳ rất gây tò mò. Cả ở đô thị văn minh, cứ ở đâu có cây to là sẽ có bàn thờ, bát hương, nếu không cũng có nhiều cây nhang cắm dưới gốc. Có phải chuyện mê tín? Không. Đây là chuyện văn hóa hẳn hoi. Và cả khoa học nữa…

Không biết có thần thánh gì không nhưng trong đời sống thường ngày cây đa rất thân thiết với con người. Ai đã có tuổi, từng sống ở nông thôn mới thấy những đêm trăng thu cây đa làng có ý nghĩa như thế nào với bọn trẻ. Chưa hết, đó còn là nơi rèn luyện sức khỏe nhờ thi nhau leo trèo. Là nơi rèn luyện bản lĩnh đố đứa nào không sợ “thánh vật” trèo lên ngọn rồi đái xuống.

Thế là tất cả đều trèo tót vót chỗ cao nhất mà… tè. “Thánh” không thèm chấp bọn “nhất quỷ, nhì ma…” nên chẳng đứa nào ốm đau, rồi cứ thế lớn lên… Có đứa nên duyên chồng vợ dưới gốc đa. Ai là nông dân giữa trưa hè nghỉ tránh nắng dưới gốc đa giữa cánh đồng mới thấy mình là “tiên” thật…

Theo các cụ thì cây có linh hồn. Nhà nào chẳng may có người già khuất núi phải nhớ xé khăn trắng làm tang buộc vào từng cây trong vườn. Tức coi cây cũng là người, là con cháu trong nhà nên phải chịu tang. Nếu quên, cây sẽ buồn và chết rũ theo người đã khuất. Đã có mấy nhà cây chết héo cả vườn vì quên đeo tang cho chúng. Đây không phải là chuyện nhân văn hay “phê bình sinh thái học” đang lên ngôi (đến nỗi có người coi cả chuyện ăn ngủ cũng là “sinh thái”), mà khoa học chứng minh hẳn hoi cây có “linh hồn” thật, thậm chí cũng biết đau…

Năm 2005, ở nước Nepal có một cậu thiếu niên mộ Phật 15 tuổi tên là Ram Bahadur Bomjan ngồi thiền 8 tháng liên tục dưới một gốc cây trong rừng Ratapuri thuộc làng Bala mà không ăn uống. Câu chuyện thu hút giới truyền thông khắp thế giới. Hàng ngàn người hành hương đến “mục sở thị” gọi là “cậu bé Phật” (Buddha boy). Nhiều người xem quá đến nỗi cha mẹ cậu phải lập một hàng rào lớn quanh gốc cây để cậu tập trung thiền định.

Có nhà sinh vật học giải thích sở dĩ cậu vẫn sống là nhờ thu nạp được năng lượng sinh học từ cây. Cây càng to, càng lâu năm càng có “trường sinh học” lớn. Điều này lý giải từ xa xưa các đạo sĩ thường chọn thiền dưới gốc cây lớn càng trong rừng sâu càng tốt, vì càng được tiếp thu nhiều năng lượng. Ngày nay những ai là dân văn phòng thành thị suốt ngày ngồi máy lạnh mà được du ngoạn vào rừng sâu sẽ không muốn về vì cảm thấy ở đó cực kỳ sảng khoái, người như khỏe ra. Chả thế mà đang nảy ra cái kiểu “du lịch sinh thái” rất đắt khách!

Cây thiêng nhất trong Phật giáo là cây Bồ Đề (tên khoa học: Ficus religiosa). Cần chú ý là trong văn hóa Ấn Độ, Bồ Đề là cây thiêng trước cả khi Phật giáo ra đời với rất nhiều truyền thuyết chung quanh nó. Cổ mẫu Bồ Đề biểu tượng cho học vấn, năng lực sinh sản, giác ngộ và bảo vệ. Về sau gắn liền với huyền thoại tu tập của Đức Phật nên nó được phú thêm nhiều ý nghĩa mới, trong đó nghĩa trung tâm là mang lại may mắn, hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Các chính khách Ấn Độ thường hay tặng khách quý cây được chiết ra từ cây Tổ, là từ lý do ấy.

Bồ Đề phiên âm từ tiếng Phạn là Bodhi, nghĩa là sự tỉnh thức, thông suốt đạo lý. Cách nay 2.500 năm, Hoàng tử Gautama Siddhartha (Thích Ca Mâu Ni) đi khất thực dừng lại ở Bodh Gaya nằm trên bờ sông Falgu. Ngài ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Đề đạt giác ngộ và thành chính quả. Với Nhà Phật, xét về địa danh thì Bodh Gaya là nơi thiêng nhất. Xét về biểu tượng thì cây Bồ Đề là “mẫu gốc” của các huyền thoại “đẻ” ra nhiều “mẫu con”. Người ta lấy những nhánh cây được chiết từ cây gốc đem trồng ở nhiều nơi khác khắp thế giới rồi khoác cho nó tấm áo huyền thoại để nó tự phát sáng trong tâm thức cộng đồng tín đồ Phật tử.

Cây có “linh hồn”? Đây là câu chuyện “Cây hiến thân” có thật ở Việt Nam ta.

Dã sử kể, trước khi khởi nghĩa, để thu phục nhân tâm, Nguyễn Trãi bày kế cho Lê Lợi sai người lấy mật ong “vẽ” vào những lá cây cổ thụ các chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm thần). Hàng triệu con kiến cứ thế ăn mật ong tạo ra những con chữ, mà đứng dưới nhìn lên sẽ thấy như là chữ của Trời. Thế là lan truyền trong dân gian huyền thoại thần tiên “giáng bút”…

Ngôi đình Việt nép mình dưới bóng đa!

Chuyện ấy còn để lại một sự thật là gần khu Lăng mộ vua Lê Thái Tổ ngày nay còn cả một rừng lim. Năm 2010 dự án phục hồi Chính điện Lam Kinh được phê duyệt. Một cây lim đang xanh tốt bỗng tự dưng trút lá, khoảng nửa năm sau, cây chết… Cây chết trơ thân và cành.

Các nhà thiết kế nhận ra ngay cây này mà dùng vào việc dựng Chính điện thì tuyệt vời. Cây lim được hạ xuống. Thật ngạc nhiên! Điều lạ đầu tiên là nó không hề rỗng ruột như mọi cây lim cổ thụ khác, mà đặc một khối vậy. Điều lạ thứ hai, như một sự trùng hợp cố ý, chỉ một cây nhưng thân và cành cũng đủ dựng Chính điện gồm: cột cái, cột quân, cột con và thượng lương. Đường kính phần gốc gần như khớp với tảng cột cái (0,8m), đường kính phần ngọn gần như vừa với tảng cột quân. Hai cành cây đủ lớn làm một cột con và một thượng lương đẹp vững chãi, chắc chắn.

Nhân dân quanh vùng gọi đó là “Cây lim hiến thân”, hiến thân để dựng Chính điện thờ Người Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Thông thường người ta sẽ trồng vào vị trí cây lim cũ một cây mới. Điều lạ thứ ba là cây non nào dù khỏe mạnh trồng vào đó cũng không có tín hiệu lớn. Người ta đành để trống, thành ra khoảng đất ấy lại như nhắc nhở mọi người: cây cũng biết nhớ nguồn nhớ cội, nhớ người đi trước xả thân mình giành độc lập tự do… Huống nữa là người!!!

Không biết hai sự kiện trên có liên hệ gì với nhau nhưng rõ ràng “cây” đã giúp đỡ, ủng hộ Anh hùng dân tộc Lê Lợi cả xưa và nay!

Trong lịch sử hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của ta, khắp trong Nam ngoài Bắc đều có những cây cổ thụ như là một đồng chí, một dũng sỹ, một pháo đài. Có cây rỗng thân chứa được cả nửa tiểu đội du kích hoạt động bí mật. Có cây không bom đạn nào tàn phá nổi mà vẫn cứ vươn cao thách thức kẻ thù và hứng bom đạn che chở cho người. Có gốc cây là hầm bí mật… Những chuyện này xin thuật kể vào một dịp khác.

Không nói về mặt “văn hóa tâm linh”, chỉ xin nhắc lại tác dụng của cây xanh với con người cũng cho thấy cây là bạn bè, hơn nữa là bà mẹ của con người. Chẳng phải là bà mẹ sao khi cây hấp thụ khí Các-bon-nic và cung cấp Oxy, mà thiếu Oxy thì con người sẽ chết. Các nhà sinh vật học gọi cây xanh là một nhà máy hóa học hút khí độc nhả khí lành. Dưới góc nhìn văn hóa thì gọi là “bà mẹ” có lẽ đích đáng hơn vì cây xanh che chắn, nâng đỡ và nuôi sống con người.

Mùa xuân là Tết trồng cây. Trồng cây là gieo sự sống. Vì lẽ này, từ thời cổ xưa con người đã biết khuyên nhau không chặt cây lớn vào mùa xuân. Thì ra “phê bình sinh thái” thời nay đã có từ tận xửa tận xưa!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/than-cay-da-ma-cay-gao-582614/