Thăm vườn cúc cổ độc đáo ở ngoại thành Hà Nội

Trong tiết trời se lạnh, các gia đình ngoài đi chúc Tết họ hàng, có thể du Xuân tìm đến nơi cảnh vật đẹp để lưu lại những hình ảnh. Cách trung tâm Hà Nội hơn chục cây số, Công viên Thực vật cảnh, ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì là một điểm đến lý tưởng.

Độc đáo loài hoa cúc cổ

Trong tiết trời se lạnh, Công viên Thực vật cảnh Việt Nam những cây cúc cổ trổ bông rực rỡ sắc màu. Xung quanh là các loài hoa hồng, cây cảnh, cây thế, các loài thực vật khác luôn xanh tốt, đua sắc hoa.

Trong thời điểm dịch bệnh, khu Công viên Thực vật cảnh là điểm đến cho các gia đình, bạn bè đi dã ngoại nhóm nhỏ.

Một góc Công viên Thực vật cảnh Việt Nam. Các loài cây đua sắc hoa.

Một góc Công viên Thực vật cảnh Việt Nam. Các loài cây đua sắc hoa.

Theo ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công viên cho biết: “Công viên rộng trên 5ha, tôi thiết kế dành riêng một khu vực cho trồng hoa cúc cổ kết hợp với các sản phẩm gốm Việt tạo nên những chậu hoa độc đáo. Nói đến hoa cúc cổ là phải nhắc đến nhóm giống hoa mà xưa cha ông ta thường chơi và quý hiếm bậc nhất là móng rồng vàng, hồng tú kiều, bạch lệ mi, hoàng long chảo....

Ngoài ra, còn có cúc đại đóa đủ màu gồm trắng, tím, vàng chanh, vàng cháy; cúc chi vàng, chi trắng, cúc tiểu thư … Hoa cúc thông thường để trên cây có thể chơi được 1 tháng là hoa tàn. Nhưng muốn cúc ra hoa liên tục, hết lượt hoa này đến lượt hoa khác người trồng phải có kỹ thuật, kéo dài đời cây, làm cảnh quan cho khách đến tham quan”.

Loài hoa cúc quý hiếm móng rồng vàng.

Những cách hoa cúc cổ luôn mềm mại, như những thiếu nữ đang nhảy vũ điệu thả dáng. Các chậu cúc đã có nhiều năm nay ở đây, bông cũ tàn đi, bông mới nảy nở. Chơi cúc tưởng là dễ, nhưng rất khó.

Bởi nhiều cây mềm, chùm hoa nặng, dễ gãy. Những người làm kỹ thuật tại đây đã tạo cho dáng cây rủ. Những chùm hoa rủ buông bên miệng chậu gốm trông rất lạ mắt. Gốm để trồng hoa cũng đa dạng từ gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Bàu Trúc …

Cúc hồng tú kiều.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, nhân viên của Công viên chia sẻ: “Cúc cổ luôn cho cánh mềm mại, yểu điệu. Cúc cổ thường xuất hiện trong các tranh cổ xưa, họa tiết trong đình, chùa … Hơn 40 loài cúc quý, cúc cổ đang được chăm bón và giới thiệu ở đây, với sự kết hợp độc đáo của các sản phẩm gốm sứ Việt Nam như vại, chum, lọ, còn làm tôn thêm nét đẹp nghệ thuật của loài hoa cúc.Không thể nào tả hết vẻ đẹp của loài cúc cổ.

Nhưng nếu khi ta cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng bởi những áp lực trong công việc và cuộc sống, chỉ cần ghé thăm Công viên để được hòa mình vào thiên nhiên, tìm hiểu những điều thú vị về thế giới hoa, cây cảnh, nhất là những chậu cúc cổ độc đáo sẽ tiếp thêm năng lượng cho bản thân”.

Hướng đến môi trường xanh

Không chỉ là nơi để khách thập phương đến tham quan, mà Công viên Thực vật cảnh Việt Nam còn có dịch vụ hướng dẫn học và trải nghiệm với các bộ sưu tập thực vật đặc dụng; tư vấn về thiết lập cảnh quan, nghệ thuật bonsai và non bộ; kỹ thuật chuyên sâu về cây trồng, chăm sóc, trang trí hoa, tiểu cảnh, cây cảnh nhà phố.... Mỗi người đến đây đều hướng về môi trường sống xanh.

Ông Hùng (bên trái) đang chia sẻ về các loài cây trong Công viên.

Chỉ vào những chậu hoa cúc ông Hùng chia sẻ thêm: "Hiện Công viên có trên 2.000 loài hoa, cây thực vật khác nhau. Trong đó có thể kể đến như 270 giống hoa hồng, 40 loài cây leo rủ, 1.500 giống cây hoa, cây cảnh, cỏ đặc dụng, 200 giống cây cảnh trưng bày cảnh quan nội thất, 40 loài thực vật nhiệt đới và nhiều loại cây ăn quả được hội tụ tại đây. Cúc là một trong 4 loài cây trong bộ tứ quý thực vật hoa, cây cảnh, được người dân Việt Nam không chỉ để chơi mà còn đưa vào các tranh, ảnh, để trang trí, thờ, hay thêu, in vào các tà áo, khăn, gối … Nó gắn kết trong đời sống của người dân Việt Nam. Câu chuyện của chúng tôi không chỉ có kể về cúc mà thông qua các tiểu cảnh như chậu bằng những mảng gỗ ghép, gốc cây, mảnh chậu vỡ, chậu làm bị khiếm khuyết méo mó.

Ở các làng nghề người ta có thể vứt bỏ, nhưng chúng tôi vẫn trồng cây lên. Muốn nói với mọi người rằng tận dụng mọi chất liệu để trồng cây nhằm bảo vệ môi trường, giảm rác thải. Chúng tôi muốn từ đây muốn gửi đến các quý khách rằng "hãy yếu thiên nhiên và làm gì đó để bảo vệ nó.

Mỗi gia đình gia tăng trồng cây, dù là nhà ở mặt đất hay nhà chung cư thì mỗi cây xanh đều cho chúng ta môi trường sống xanh, không khí an lành".

Cúc đại đóa màu vàng cam.

Những người làm trong Công viên mong muốn mang đến cho du khách khi tham quan trải nghiệm tại đây tự tìm cho mình những không gian riêng, chung tay bảo vệ môi trường sống, tạo cho gia đình mình không gian xanh trong xu thế đô thị hóa nhanh, cải thiện cuộc sống.

Ngày đầu Xuân mới, nhóm nhỏ gia đình, bạn bè có thể đến thăm Công viên, ngắm hóa cúc cổ, hòa mình vào thiên nhiên, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Sau đây là một số hình ảnh độc đáo về hoa cúc cổ tại Công viên Thực vật cảnh Việt Nam:

Các loài hoa cúc được trồng trong các chậu sành.

Khu vực cúc với gốm Phù Lãng. Nhiều chum, vại vỡ vẫn có thể tận dụng làm chậm trồng hoa, giảm tải rác thải ra môi trường.

Cúc bạnh lệ mi. Cánh hoa buông ra như giọt lệ trắng.

Cúc hồng tú kiều.

Nghệ thuật của nhà làm vườn tại đây là tạo ra những chậu cúc có chùm hoa buông rủ rất đẹp. Cúc đại đóa vàng cam.

Cúc đại đóa trắng tinh khôi.

Thời Nguyễn -

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tham-vuon-cuc-co-doc-dao-o-ngoai-thanh-ha-noi.html