Tham vọng 'xanh' của Trung Quốc có thể làm biến đổi nguồn cung năng lượng

Hãng phân tích Wood Mackenzie mới đây đã có bài viết nhận định rằng, việc Trung Quốc tiến tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 có thể hỗ trợ cho cả mục tiêu an ninh năng lượng và kinh tế của nước này.

Đối mặt với hệ thống thương mại toàn cầu bị rạn nứt, giới lãnh đạo Trung Quốc đã đối phó bằng giải pháp “tuần hoàn kép”. Về kinh tế, Trung Quốc tập trung vào các chuỗi cung ứng an toàn hơn, phát triển thị trường nội địa và cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Về môi trường, trước những áp lực về chống biến đổi khí hậu và ngăn chặn thảm họa môi trường, Trung Quốc đã công bố mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Giám đốc nghiên cứu của Wood Mackenzie Miaoru Huang cho biết, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố mục tiêu trung hòa carbon tại Trung Quốc vào giữa thế kỷ này, quốc gia này sẽ không đơn giản điều chỉnh cơ cấu năng lượng của mình để giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, mục tiêu này kéo theo sự chuyển đổi hoàn toàn nền kinh tế cũng như toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng phục vụ nền kinh tế Trung Quốc. Giải pháp “tuần hoàn kép” nêu trên là điểm mấu chốt dẫn đến chính sách cân bằng của Trung Quốc giữa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.

Wood Mackenzie cho biết, sự trung hòa carbon phù hợp chặt chẽ với các mục tiêu “lưu thông kép” về tăng hiệu quả sử dụng vốn và khả năng tự chủ cao hơn thông qua việc thống trị các nguồn năng lượng sạch. Các công nghệ mới cũng sẽ thúc đẩy sản xuất quy mô lớn trong nước. Mục tiêu trung hòa carbon phải đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng có dấu ấn “made in China”. Theo quỹ đạo hiện tại (không tính đến mức độ trung hòa carbon), mức độ phụ thuộc và nguồn dầu thô nhập khẩu nước này sẽ vượt quá 80% vào năm 2030. Hơn 50% nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu theo đuổi chính sách trung hòa carbon vào năm 2060, tức là Trung Quốc phải giảm 50% nhu cầu dầu thô vào năm 2040, thay vì vào năm 2050 theo kịch bản dự báo cơ sở của Wood Mackenzie.

Để thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon của mình, Trung Quốc cần gia tăng 75% nhu cầu điện năng so với kịch bản cơ sở của Wood Mackenzie để thay thế nhiên liệu hóa thạch trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng. Điều này đòi hỏi khoản đầu tư khổng lồ, lên tới 6.400 tỷ USD cho xây dựng các công suất phát điện mới. Điện hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này, song tăng trưởng công suất điện phần lớn sẽ đến từ các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các hệ thống lưu trữ năng lượng.

Đối với Trung Quốc, gia tăng năng lực sản xuất NLTT và nhiên liệu sạch là khá dễ dàng. Nước này đã trở thành nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới và thống trị lĩnh vực sản xuất module năng lượng mặt trời với nguồn cung module chiếm ⅔ sản lượng toàn cầu. Ngoài ra, các nhà sản xuất NLTT của Trung Quốc cũng đang sở hữu công suất lắp đặt NLTT đáng kể ở nước ngoài.

Trung Quốc cũng dẫn đầu trong việc cung cấp và chế biến hầu hết các nguyên liệu thô cần thiết cho lĩnh vực pin điện và các công nghệ không phát thải carbon khác. Ba phần tư sản lượng pin Lithium-ion toàn cầu, 50% số xe điện trên thế giới và gần 70% tổng số tấm pin mặt trời được sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Wood Mackenzie chỉ ra rằng, khó khăn đối với Trung Quốc là đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô an toàn và cạnh tranh cho tăng trưởng công suất phát điện. Các nguyên liệu thô thiết yếu gồm đồng, nhôm, niken, coban và lithium. Đáng chú ý, Trung Quốc đang phụ thuộc vào các công ty khai thác nước ngoài để đảm bảo nhu cầu đồng của mình. Điều này đã thúc đẩy chính quyền Trung Quốc quyết tâm tìm kiếm và kiểm soát nhiều hơn các nguồn cung nguyên liệu thiết yếu ở bên ngoài.

Kim loại đồng rất cần thiết cho hệ thống truyền tải điện, hệ thống dây điện, tuabin gió. Sản lượng đồng khai thác của Trung Quốc chỉ đáp ứng được 16% nhu cầu, khiến nước này thiếu hụt 7,5 triệu tấn cho thị trường trong nước trong năm 2020. Bất chấp một thập kỷ đầu tư của Trung Quốc vào các tài sản ở nước ngoài, các công ty khai thác mỏ ở phương Tây vẫn tiếp tục thống trị. Nếu Trung Quốc có thể mở rộng thị phần toàn cầu hiện tại về sản xuất pin điện và module năng lượng mặt trời trong toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng sạch trong tương lai, thì nước này sẽ làm biến đổi nguồn cung năng lượng, hoạt động thương mại và công nghiệp của thế giới.

Khi ngày càng có nhiều quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới tham gia vào quỹ đạo giảm phát thải ròng thì mối lo ngại về sự thống trị tiềm tàng của Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng. Nếu chỉ có thể đạt được các mục tiêu “đắt đỏ” về khí hậu bằng cách mua nguyên liệu và công nghệ từ Trung Quốc thì nhiều chính phủ trên thế giới khó có thể dung hòa được hai mục tiêu là hồi sinh nền kinh tế đi kèm với các thỏa thuận “xanh” và một cuộc cách mạng năng lượng sạch.

Theo Wood Mackenzie, Trung Quốc đang thay đổi thế giới. Sau một thập kỷ thực hiện chính sách đầu tư mạnh mẽ, Trung Quốc đã vươn lên vị trí hàng đầu về nguồn lực và công nghệ quan trọng cần thiết trong các lĩnh vực sản xuất điện carbon thấp. Do đó, khi phần còn lại của thế giới cần Trung Quốc giúp họ khử carbon, Trung Quốc sẽ cần những người khác hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của mình.

Viễn Đông

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tham-vong-xanh-cua-trung-quoc-co-the-lam-bien-doi-nguon-cung-nang-luong-605102.html