Tham vọng tên lửa Mỹ nhằm 'gạt' chính người Mỹ?

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không có ý nghĩa gì hơn những nỗ lực nhằm giữ thể diện và giành lợi thế ngoại giao.

Mỹ chỉ thẳng đối thủ

Ngày 17/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố Báo cáo Phòng thủ Tên lửa 2019 (MDR 2019) của chính quyền do ông đứng đầu trong bài phát biểu tại Lầu Năm Góc. Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ phát triển một hệ thống phòng thủ tối tân hơn để ngăn chăn những mối đe dọa tên lửa hành trình và tên lửa siêu thanh từ các đối thủ và kẻ địch.

Bản báo cáo dài 24 trang được công bố trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó khẳng định phòng thủ tên lửa là thành tố thiết yếu trong các chiến lược an ninh, quốc phòng của Mỹ với mục tiêu được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm 2017 là “bảo vệ nhân dân Mỹ, đất nước và lối sống Mỹ”.

Tổng thống Mỹ D. Trump công bố MDR 2019 hôm 17/1

Đáng chú ý, MDR 2019 trực tiếp đề cập tới 4 quốc gia theo thứ tự gồm Triều Tiên, Iran, Nga và Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa tên lửa đối với nước Mỹ cũng như các lực lượng đồng minh của Mỹ.

Về Triều Tiên, báo cáo cho rằng dù có đang tồn tại một con đường có thể dẫn tới hòa bình nhưng Triều Tiên tiếp tục là mối đe dọa đặc biệt đối với Mỹ. Trong những năm qua, Triều Tiên đã đầu tư nguồn lực đáng kể cho các chương trình hạt nhân và tên lửa để hiện thực hòa khả năng tấn công tên lửa nhằm vào Mỹ. Kết quả là Triều Tiên sắp đạt được khả năng này.

Trong khi đó, báo cáo đánh giá Iran sử dụng kho vũ khí tên lửa đang gia tăng về số lượng, tầm bắn và sức sát thương là công cụ chính để thực hiện tham vọng khu vực. MDR 2019 cho rằng Iran hiện sở hữu lực lượng tên lửa lớn nhất Trung Đông và tiếp tục phát triển năng lực để các tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Mỹ.

Mỹ đang "hoa mắt" trước sức mạnh tên lửa của Nga và một số nước?

Đối với Nga, MDR 2019 nhận định Nga coi Mỹ và NATO là mối đe dọa chính đối với tham vọng địa chính trị của Nga và thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận với các cuộc tấn công hạt nhân giả định nhằm vào Mỹ. Học thuyết và chiến lược của Nga cũng nhấn mạnh vào khả năng sử dụng sử dụng vũ khí hạt nhân và tiếp tục hiện đại hóa kho tên lửa chiến thuật và chiến lược của mình.

MDR 2019 cho biết, theo hiệp ước New START 2010, Nga được phép triển khai tổng cộng 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ biển và bom hạng nặng cùng với 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược. Lãnh đạo Nga cũng đã tuyên bố nước này sở hữu các loại tên lửa mới, các thiết bị siêu vượt âm có thể chuyển độc với tốc độ 5 March và ngay bên trên tầng khí quyển.

Đánh giá về Trung Quốc, MDR 2019 cho rằng Bắc Kinh đang muốn đẩy Mỹ ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và tái lập trật tự khu vực theo hướng có lợi cho mình. Tên lửa tấn công đóng vai trò trọng yếu trong quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, tạo ra mối đe dọa và cố gắng chống lại năng lực quân sự của Mỹ trong khu vực.

Theo MDR 2019, Trung Quốc đã triển khai từ 75-100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa với các phiên bản mới, cả di động và trong hầm phóng. Trung Quốc hiện có 4 tàu ngầm lớp Jin, trong đó mỗi tàu có khả năng mang 12 tên lửa đạn đạo loại CSS-N-14. Như vậy, Trung Quốc có thể đe dọa Mỹ với khoảng 125 tên lửa hạt nhân và hiện cũng đang triển khai các loại vũ khí hiện đại như loại siêu vượt âm.

Tên lửa Trung Quốc nằm trong số những mối đe dọa nước Mỹ

Bên cạnh đó, trong phần đánh giá về vai trò, chính sách và chiến lược phòng thủ tên lửa của Mỹ, báo cáo nhấn mạnh Mỹ sẽ tìm kiếm các mẫu tên lửa và công nghệ mới. Người Mỹ tin rằng việc hiện đại hóa và đổi mới là thiết yếu đối với hiệu quả của phòng thủ tên lửa. Báo cáo cho biết Mỹ sẽ đầu tư cho công nghệ tiên tiến nhằm đáp lại những mối đe dọa ngày càng phức tạp.

Trung Quốc tiếu ngạo

Đánh giá về MDR 2019 của Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng Mỹ muốn nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa nhằm loại trừ khả năng chắc chắn tiêu diệt lẫn nhau vốn được coi là nguyên tắc ngầm của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh. Điều đó giúp Mỹ trở thành nước có thể sử dụng sức mạnh hạt nhân phá hủy một nhà nước, đồng thời tránh được các đòn tán công hạt nhân nước ngoài.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đã có “mức độ phủ sóng” lớn hơn ở nhiều quốc gia và khu vực, có thể chống lại những cuộc tấn công tên lửa quy mô nhỏ từ Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, tờ báo này khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có Achilles và sẽ lộ diện khi đối đầu với các vụ tấn công tên lửa ở mức độ dày đặc từ Trung Quốc và Nga.

Chỉ vài hệ thống THAAD "nhỏ nhoi" của Mỹ ở Hàn Quốc đã khiến Nga-Trung đứng ngồi không yên

Bên cạnh đó, tạp chí Trung Quốc cho rằng ưu tiên chính của Mỹ chưa hẳn đã là khả năng đánh chặn tên lửa thực sự mà có thể muốn thông qua việc triển khai hệ thống này để giành lợi thế ngoại giao.

Thời báo Hoàn cầu còn mỉa mai thêm, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không có ý nghĩa gì hơn những nỗ lực nhằm giữ thể diện. Chúng cho Washington cơ hội phô diễn sức mạnh trên toàn cầu. Hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất này sẽ không ngăn chặn được Nga hay Trung Quốc cũng như không mạng lại lợi ích cho Mỹ trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên và Iran.

Tạp chí Trung Quốc kết luận, dường như mục đích thật sự của bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không gì hơn một công cụ được các nhà lãnh đạo Nhà Trắng sử dụng nhằm giúp lừa phỉnh người dân Mỹ.

(Còn tiếp)

Bảo Minh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tham-vong-ten-lua-my-nham-gat-chinh-nguoi-my-3373128/