Tham vọng tạo ra siêu chiến binh của Quân đội Mỹ

Trung tâm phát triển khả năng chiến đấu sinh hóa của Quân đội Mỹ đang phát triển nền tảng công nghệ cấy ghép nhân tạo mới đủ khả năng tạo ra các siêu chiến binh có khả năng chiến đấu vượt trội vào năm 2050.

Dù mới đang ở giai đoạn phác thảo, nhưng hướng phát triển này có thể tạo ra cuộc đua tạo ra những chiến binh có sức chịu đựng, kỹ năng chiến đấu vượt trội so với binh sĩ thông thường trên thế giới

Trong báo cáo nghiên cứu với đề tựa: Chiến binh máy 205: Con người/thiết bị máy móc dung hợp và hướng phát triển binh sĩ trong tương lai, giới nghiên cứu khoa học quân sự Mỹ đang theo đuổi khả năng tích hợp hoặc cấy ghép các bộ phận máy móc lên cơ thể con người. Những bộ phận cấy ghép nhân tạo sẽ mang lại cho con người những khả năng không tưởng, cũng như tăng cường năng lực sinh học vượt xa người thường trong vòng 30 năm tới.

 Với sự phát triển của công nghệ, đã xuất hiện tham vọng tạo ra những siêu chiến binh với kỹ năng đặc biệt vượt xa người thường ở các siêu cường. Ảnh: Getty.

Với sự phát triển của công nghệ, đã xuất hiện tham vọng tạo ra những siêu chiến binh với kỹ năng đặc biệt vượt xa người thường ở các siêu cường. Ảnh: Getty.

Hướng phát triển siêu chiến binh của Quân đội Mỹ có nhiều nét giống với những bộ phim viễn tưởng với những con người cấy ghép máy móc để có thêm những khả năng đặc biệt. Điều này càng khả thi với nền tảng công nghệ tự động hóa đang ngày càng được thu nhỏ và phù hợp để lắp đặt hoặc cấy ghép trên cơ thể con người.

Siêu chiến binh nửa người, nửa máy trong tương lai của Quân đội Mỹ sẽ được tập trung tăng cường 4 khả năng chính: Nhận diện tình huống, tăng cường thính giác, cơ bắp và kết nối bộ não với thiết bị trao đổi thông tin trong một mạng hợp nhất.

Các nhà khoa học Mỹ kỳ vọng, thông qua cấy ghép, siêu chiến binh có khả năng nhìn ở nhiều bước sóng khác nhau, thay vì ở bước sóng thông thường như hiện nay. Khả năng này cũng giúp phát hiện các mục tiêu trong môi trường đô thị và siêu đô thị. Tuy nhiên, việc can thiệp sâu vào hệ thống thần kinh thị giác có thể khiến siêu chiến binh về cơ bản mất khả năng nhìn như người thông thường do sự biến đổi của hệ thống tiếp nhận hình ảnh đầu vào.

“Việc cấy ghép hệ thống tăng cường thị giác phù hợp với người đã bị mất thị giác do chấn thương hoặc bệnh tật để không chỉ khôi phục khả năng nhìn, mà còn tăng cường thêm nhiều tính năng đặc biệt không có ở mắt người”, các chuyên gia cho biết.

Siêu chiến binh tương lai cũng có hệ thống cơ xương được gia cường thông qua hệ thống quản lý và đánh giá thể trạng. Các nghiên cứu của Quân đội Mỹ đã chỉ ra rằng, những chấn thương về cơ xương trong chiến đấu là yếu tố chính ảnh hưởng tới khả năng tác chiến của người lính.

Để tăng cường cơ bắp, hệ thống cơ của siêu chiến binh sẽ được cung cấp năng lượng bởi mạng lưới cảm biến cấy dưới da. Chúng sẽ kích thích sự sản sinh và duy trì khả năng đàn hồi của cơ bằng ánh sáng đặc biệt. Công nghệ này giống như một hệ thống thần kinh nhân tạo giúp kết nối một phần cơ thể của người lính với các trang bị họ mang theo. Siêu chiến binh sẽ không chỉ có khả năng dẻo dai về cơ bắp, mà còn tạo ra sự kết nối giữa trang bị và người điều khiển để đạt hiệu quả cao nhất trong chiến đấu.

Cùng với đó, siêu chiến binh cũng được tăng cường hệ thống thính giác kết hợp điều khiển học. Với việc mở rộng tần số âm thanh cảm nhận được, chiến binh không chỉ có khả năng nghe tốt hơn, nghe được nhiều thứ tiếng, mà còn nghe được tín hiệu siêu âm được phát đi ở khoảng cách xa. Nói cách khác, các siêu chiến binh có thể tự giao tiếp với nhau bằng sóng siêu âm ở khoảng cách lớn. Điều vốn không thể làm được với tai người bình thường.

Những rào cản về công nghệ tích hợp hoặc cấy ghép trên cơ thể con người đang khiến việc tạo ra các siêu chiến binh giống như trong chuyện viễn tưởng. Ảnh: US navy.

Cuối cùng, công nghệ quan trọng nhất được tích hợp vào các siêu chiến binh chính là khả năng giao tiếp trực tiếp giữa não bộ và máy móc. Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DARPA) thuộc Lầu Năm góc đã nghiên cứu công nghệ này trong nhiều năm qua và có những thành công bước đầu. Định hướng phát triển sẽ là tạo ra hệ thống ma trận kết nối với trí não của siêu chiến binh để điều khiển máy móc.

“Sự kết nối giữa bộ não và máy móc không chỉ đơn thuần là việc cho phép con người điều khiển trực tiếp chúng, mà còn tăng khả năng nhận diện tình huống để nâng cao hiệu quả chiến đấu”, chuyên gia thuộc DARPA cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề công nghệ đặt ra là nếu kết nối bộ não với máy móc liệu con người có thể bị chúng chi phối. Đó là rào cản công nghệ không dễ vượt qua.

Hiện tại, rất khó có thể nói chương trình phát triển siêu chiến binh của Quân đội Mỹ liệu có đạt thành quả như mong muốn. Tuy nhiên, đây là hướng đi tạo ra siêu chiến binh phù hợp với các nhiệm vụ đặc biệt phục vụ trong các đơn vị đặc nhiệm như Delta Force, Navy SEAL, nơi mọi lợi thế rất nhỏ về con người có thể quyết định thành bại của nhiệm vụ…

TUẤN SƠN (tổng hợp theo DefenseTalk, US Navy…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/tham-vong-tao-ra-sieu-chien-binh-cua-quan-doi-my-604896