Tham vọng quyền lực từ sau ngai vàng của 'hoàng hậu Zimbabwe'

Bất chấp tai tiếng tham nhũng, Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe không giấu tham vọng trở thành tổng thống Zimbabwe khi tình hình sức khỏe người chồng ngày càng xấu.

Grace Mugabe, 52 tuổi, được biết đến là vị đệ nhất phu nhân bị người dân Zimbabwe căm ghét nhất vì tham vọng chính trị, tính cách nóng nảy và tham nhũng trong bối cảnh đất nước nghèo đói.

Đệ nhất phu nhân Grace Mugage. Ảnh: Guardian.

Đệ nhất phu nhân Grace Mugage. Ảnh: Guardian.

Không ngại vung tiền

Bà Mugabe sinh ra ở Nam Phi vào năm 1965 và chuyển đến sống ở Zimbabwe sau khi nước này tuyên bố độc lập. Họ gặp nhau vào cuối thập niên 1980, khi bà đang là thư ký của chồng tương lai. Lúc này, cả hai người đều đã kết hôn.

Sau khi đệ nhất phu nhân đầu tiên qua đời vào năm 1992, bà Grace trở thành vợ thứ hai của Tổng thống Mugabe sau một đám cưới năm 1996. Chồng cũ của bà hiện là tùy viên quốc phòng tại đại sứ quán Zimbabwe ở Trung Quốc.

Trong bối cảnh phần lớn người dân Zimbabwe sống trong cảnh đói nghèo, bà Mugabe trở thành mục tiêu của sự căm hận khi phô trương lối sống xa hoa. Vị phu nhân này không ngại vung tiền cho những chuyến du lịch nước ngoài để mua sắm hàng hóa cao cấp. Trong một chuyến đi Paris hồi năm 2002, bà Mugabe được cho là đã tiêu tốn 120.000 USD.

Vị phu nhân còn bị cáo buộc đã vung hàng triệu USD để mua bất động sản ở Nam Phi và xây dinh thự. Đầu năm 2017, bà bỏ ra 1,4 triệu USD để mua một chiếc nhẫn kim cương.

Bà Mugabe trong một lần xuất hiện cùng chồng. Ảnh: Guardian.

Do vậy, báo chí quốc tế đặt biệt danh cho bà Mugabe là “Gucci Grace” hoặc “Dis-Grace”; còn Liên minh châu Âu thì phải áp đặt cấm vận với cả vợ chồng Mugabe để ngăn họ tiếp tục “hút máu” đất nước.

Trước các cáo buộc, bà Mugabe chỉ chống trả yếu ớt và không thể đưa ra bằng chứng nào: “Người ta không thể tiêu đến cả triệu USD chỉ trong một giờ. Tôi không có thời gian như vậy nhưng những chuyện này cứ bám lấy tôi”.

Những tư thế ngủ gật của tổng thống Zimbabwe Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe nhiều lần ngủ gật trong các cuộc họp dù người phát ngôn của ông khẳng định ông chỉ đang "để mắt nghỉ ngơi".

Tính khí nóng nảy và không ngại "động thủ" với bất kỳ ai cũng là điều làm nên tai tiếng của bà Mugabe. Vị phu nhân này từng đấm thẳng vào mặt một tay săn ảnh ở Hong Kong (Trung Quốc). Mùa hè năm nay, bà phải tức tốc rời khỏi Nam Phi để tránh bị bắt giữ, sau khi một nữ người mẫu tố cáo bị bà Mugabe đánh bằng dây điện. Việc cho phép bà Mugabe có quyền miễn trừ để về nước sớm, tránh bị truy cứu, cũng là điều khiến chính phủ Nam Phi bị dân chúng chỉ trích dữ dội.

Những cuộc biểu tình để lên án bà Grace Mugabe ngày càng nhiều và diễn ra thường xuyên hơn. “Chúng tôi căm ghét những gì bà ta đang làm”, người dân hô to tại một cuộc vận động của đảng cầm quyền Zanu-PF của ông Mugabe. Họ sau đó bị bắt và bị buộc tội âm mưu làm suy yếu quyền lực tổng thống.

Bà Mugabe vẫn có một nhóm cử tri ủng hộ riêng trong tham vọng trở thành tổng thống. Ảnh: NYT.

Tham vọng chính trị

Dù vô cùng bị căm ghét ở Zimbabwe, bà Mugabe không giấu giếm tham vọng chính trị mà tham gia vào trung tâm cuộc đua quyền lực với tham vọng trở thành người kế vị của chồng trong trường hợp ông Mugabe qua đời.

Tỏ ra là một người lãnh đạo bản lĩnh, bà Mugabe dẫn đầu một nhóm chính khách có tên G40 vì phần lớn những người này là khoảng hơn 40 tuổi. Nhóm này tạo ra một sự thách thức quyền lực đáng kể với những cựu binh công thần trong chính quyền của Mugabe sau khi nước này tuyên bố độc lập khỏi Anh.

Ở bề ngoài, bà Mugabe tỏ ra là một người bảo vệ trung thành cho chồng. Bà từng khẳng định ông Mugabe sẽ vẫn tiếp tục lãnh đạo Zimbabwe ngay cả khi đã qua đời. Bà tiếp sức cho kế hoạch của chồng nhằm lật đổ những đối thủ có khả năng kế vị, đó là Phó tổng thống Joice Mujuru và Emmerson Mnangagwa.

Tuy nhiên, những năm gần đây, bà không giấu tham vọng trở thành tổng thống sau khi tình hình sức khỏe của ông Mugabe sa sút trông thấy. “Họ nói rằng tôi muốn trở thành tổng thống. Tại sao không chứ? Chẳng lẽ tôi không phải công dân Zimbabwe à?”, vị phu nhân nói trong một buổi gặp gỡ người dân.

Với những đối thủ của Grace Mugabe, việc phế chức của ông Mnangagwa vào tuần trước được xem là thành công cuối cùng. Ông Mnangagwa cũng như ông Mugabe đều là cựu binh công thần trong chiến dịch giải phóng Zimbabwe. Do vậy, ông nhận được sự ủng hộ rất lớn từ quân đội, trái ngược hẳn so với bà Mugabe.

Vợ chồng Tổng thống Mugabe trong một sự kiện cùng Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa hồi năm 2016. Ông Mnangagwa đã bị cách chức vào năm nay. Ảnh: NYT.

Tuy nhiên, ông bị vợ chồng tổng thống lên kế hoạch tước bỏ quyền lực vì cáo buộc “không trung thành, thiếu tôn trọng, lừa dối và không đáng tin cậy”. Đối với cựu phó tổng thống, ông thẳng thắn cáo buộc vợ chồng tổng thống đang âm mưu ám sát mình, để bảo vệ “ngai vàng” và tài sản của gia đình Mugabe và chiếm quyền lực.

“Tại sao tôi phải giết ông ta? Tôi không thể nghĩ ra việc chuẩn bị một ly kem có độc để sát hại Mnangagwa. Ông ấy là ai chứ? Còn tôi là đệ nhất phu nhân đấy”, bà Grace Mugabe phản bác cáo buộc.

Về phần vị phó tổng thống, từ sau khi ông bị mất chức thì người ta không còn nghe thấy thông tin gì về Mnangagwa nữa. Một số tin đồn nói ông có thể đã đến Nam Phi.

Sau nhiều năm kiên quyết bám trụ “ngai vàng”, cặp đôi quyền lực Mugabe nay đã thất thế sau khi quân đội quyết định hành động vào ngày 14/11. Tổng thống Robert Mugabe bị quản thúc ở nhà riêng, nhưng thông tin về đệ nhất phu nhân thì không ai nắm rõ. Một số tin đồn cho rằng bà đã lẻn sang Namibia khi hay tin về lực lượng đảo chính đang kéo đến.

Đường phố thủ đô Zimbabwe sau khi quân đội bắt tổng thống Đường phố thủ đô Zimbabwe vắng lặng hơn ngày thường sau khi quân đội bắt giam Tổng thống Mugabe và chiếm quyền kiểm soát đài truyền hình. Tin đồn về vụ đảo chính đang lan rộng.

Minh Anh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tham-vong-quyen-luc-tu-sau-ngai-vang-cua-hoang-hau-zimbabwe-post796492.html