Tham vọng quá lớn của Trung Quốc là mầm mống của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Các mục tiêu tham vọng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt ra, bao gồm đưa nước này đuổi kịp hoặc vượt Mỹ về kinh tế vào năm 2035, có thể là mầm mống dẫn đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu đưa nền kinh tế Trung Quốc ngang bằng Mỹ vào năm 2035. Ảnh: Reuters

Giấc mơ sánh nganh Mỹ về kinh tế vào năm 2035

Câu hỏi lớn hiện nay là tại sao cuộc chiến cân não về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại bùng nổ. Trong bài viết đăng trên tờ Nikkei Asian Review hôm 12-7, cây bút bình luận Katsuji Nakazawa cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chứ không phải ai khác, phải tự trách mình vì để xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ.

Từ những ngày dưới quyền lãnh đạo của ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc theo đuổi chính sách ngoại giao khiêm tốn, tự gọi mình là “đất nước đang phát triển”. Đường lối tư tưởng của Đặng Tiểu Bình là phải giữ cái đầu lạnh, che giấu “nanh vuốt”, chờ thời và không bao giờ cố vượt lên dẫn đầu.

Sau khi lên nắm quyền với tư cách là Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu năm 2012, ông Tập đã gạt bỏ đường lối này và bắt đầu nói về một “cuộc chấn hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa” hay còn được gọi là “Giấc mơ Trung Hoa”.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc còn đi xa hơn khi lần đầu tiên đặt mục tiêu đến 2035, Trung Quốc sẽ bắt kịp, thậm chí vượt Mỹ về sức mạnh kinh tế.

Tháng 11 năm ngoái, ông Hà Nghị Đình, Phó Hiệu trưởng Trường Đảng trung ương, có bài phát biểu tại quốc hội Nhật Bản để giải thích ý nghĩa đằng sau những lời nói của ông Tập. Ông cho biết từ lâu, Trung Quốc đã đặt mục tiêu trở thành một nước phát triển hiện đại hoàn toàn vào năm 2049, tức đúng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc. “Mục tiêu đó giờ đây được dời lại sớm hơn 15 năm”, ông Hà nói với các nghị sĩ Nhật Bản.

Khi nói những lời này, ông Hà Nghị Đình hoàn toàn không nghĩ ngợi gì đến các hậu quả có thể nảy sinh từ những mục tiêu tham vọng của ông Tập. Cũng trong cùng thời gian đó, các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc thuyết trình về chính sách mới của Trung Quốc trên khắp thế giới.

Không lường các hậu quả

Tổng thống Mỹ Donald Trump lo ngại trước các tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Getty.

Cây bút Katsuji Nakazawa cho rằng cả ông Tập lẫn đội ngũ cố vấn của ông hầu như không mường tượng được rằng những phát biểu của ông về các mục tiêu đầy tham vọng cho đất nước Trung Quốc đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh thương mại Trung - Mỹ. Thay vì che giấu tham vọng và sức mạnh của mình, ông Tập đã phô trương chúng quá sớm.

Để đẩy nhanh kế hoạch hiện đại hóa đất nước, Bắc Kinh đã tăng tốc thực hiện sáng kiến “Made in China 2025”, một kế hoạch nhằm đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc công nghệ. Kế hoạch này được chính quyền Trump soi xét và xem như là một biểu tượng cho tham vọng của Trung Quốc nhằm giành lợi thế trong cuộc chạy đua phát triển công nghệ thế hệ mới.

Sáng kiến “Made in China 2025” được thai nghén cách đây ba năm, trong đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường đóng vai trò trung tâm. Vào thời điểm ấy, vẫn không rõ ông Tập đã đặt ra mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc số một thế giới hay chưa. Tuy nhiên, sau khi sáng kiến này được công bố, khát vọng đuổi kịp và vượt qua Mỹ về sức mạnh kinh tế vào năm 2035 đã được đề cập. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu vượt Mỹ về sức mạnh quân sự lẫn văn hóa vào năm 2049.

Dù nền kinh tế Trung Quốc không còn thuần túy là nền kinh tế được kế hoạch hóa nhưng Trung Quốc vẫn đặt ra các kế hoạch phát triển năm năm và sáng kiến “Made in China 2025” có sự liên kết chặt chẽ với kế hoạch năm năm hiện tại.

Ngày nay, Trung Quốc đóng một vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế toàn cầu. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế thế giới có thể ví với hình ảnh con voi trên thảo nguyên. Mỗi bước đi của con voi này có thể giày xéo cỏ dại dưới chân chúng và ngay cả “sư tử” Mỹ cũng phải dè chừng.

Trung Quốc vẫn chưa nhận thức đầy đủ rằng nước này là con voi trong cỗ máy vận hành nền kinh tế toàn cầu. Song ở Washington, Trump thấy rằng ông không thể ngồi im sau khi Trung Quốc đặt quyết tâm hạ bệ vai trò trụ cột của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu trong 17 năm tới. Trong cuộc vận động tranh cử tổng thống vào năm 2016, Trump đã cam kết với cử tri rằng ông sẽ theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”.

Quyết định đặt mục tiêu đưa nền kinh tế Trung Quốc vươn lên ngang bằng hoặc vượt Mỹ vào năm 2035 được đưa ra ngay trước khi ông Tập cam kết các thương vụ trị giá 250 tỉ đô với Mỹ trong chuyến thăm của Trump đến Bắc Kinh vào hồi tháng 11 năm ngoái. Trung Quốc xem cam kết này sẽ giúp giảm mức thâm hút thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đó chỉ là những cam kết trên giấy tờ vì mức chênh lệch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng nới rộng.

Lo ngại các tham vọng của Trung Quốc cũng như thất vọng vì không có bất kỳ tiến triển nào trong các nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã quyết định phát động cuộc “tấn công” thương mại Trung Quốc vào hồi đầu năm nay.

Có nhiều lý do khiến Trung Quốc rơi vào đòn tấn công thương mai của Mỹ. Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất từ hệ thống thương mại toàn cầu kể từ khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001 nhưng nước này áp đặt giới hạn mức trần sở hữu của nước ngoài trong các ngành quan trọng, buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh của Trung Quốc và thiết lập các rào cản khác để hạn chế công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Giờ đây, Trung Quốc bắt đầu nhận ra cái giá đắt mà nước này phải trả do các tuyên bố tham vọng đó. Nếu giá cả thực phẩm ở Trung Quốc tăng lên do các tác động của cuộc chiến thương mại, sự bất mãn của người dân cũng tăng theo. Lo lắng về các nguy cơ bất ổn xã hội, giới lãnh đạo Trung Quốc đã thận trọng, tránh nhấn mạnh chiến tranh thương mại trên truyền thông nhà nước. Về mặt ngoại giao, Bắc Kinh có thể phải thu hồi “nanh vuốt”.

Hôm 11-7, hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết chính phủ nước này đã chỉ đạo báo chí không chỉ trích Tổng thống Mỹ trong vấn đề chiến tranh thương mại vì lo ngại đưa tin tiêu cực về ông Trump có thể thổi phồng thêm xung đột thương mại giữa hai nước.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/275176/tham-vong-qua-lon-cua-trung-quoc-la-mam-mong-cua-chien-tranh-thuong-mai-my-trung.html