Tham vọng mới của Trung Quốc

Mặc dù mức ảnh hưởng toàn cầu chưa đáng kể nhưng việc khai trương thị trường dầu tương lai mới đây của Trung Quốc sẽ tạo lập hệ thống giao dịch độc lập nhằm bảo vệ nhà đầu tư trong nước

Thị trường giao dịch dầu tương lai vừa được Trung Quốc khai trương là thị trường thứ ba trên thế giới, song hành cùng thị trường dầu WTI của Mỹ và thị trường dầu Brent London. Điều đáng lưu ý là các giao dịch dầu tương lai của Trung Quốc không phải bằng USD, mà bằng đồng Nhân dân tệ (NDT).

Thị trường giao dịch dầu tương lai vừa được Trung Quốc khai trương là thị trường thứ ba trên thế giới. Ảnh: AFP

Thị trường giao dịch dầu tương lai vừa được Trung Quốc khai trương là thị trường thứ ba trên thế giới. Ảnh: AFP

Ưu đãi nhà đầu tư trong nước

Có thể thấy, đây là thời điểm tốt cho Trung Quốc mở thị trường dầu giao dịch dầu tương lai bởi 3 lý do. Thứ nhất, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trong năm 2017 với mức 8,4 triệu thùng/ngày so với mức 7,9 triệu thùng/ngày của Mỹ.

Thứ hai, giá dầu thế giới hiện nay khá ổn định, do đó sự can thiệp của nhà nước ít xảy ra.

Thứ ba, đây là thời điểm khá thuận lợi cho Trung Quốc khi có nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ quan trọng đang phải hứng chịu cấm vận như Venezuela, Nga, Iran. Do đó, thị trường dầu Trung Quốc sẽ có nhiều khả năng thu hút các nhà đầu tư từ những quốc gia này. Việc tham gia thị trường dầu của Trung Quốc có thể giúp họ tránh được các cấm vận đối với các giao dịch dầu mỏ thanh toán bằng USD.

Động thái này của Trung Quốc nhằm đạt được nhiều mục đích cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn. Về ngắn hạn, nước này thu được lợi ích từ việc tạo ra chuẩn giá dầu riêng cho các nhà sản xuất và tiêu dùng dầu của Trung Quốc, giúp họ không phải lệ thuộc vào chuẩn giá dầu do Mỹ và Anh kiểm soát.

Đặc biệt, các nhà đầu tư Trung Quốc không phải trả phí hoán đổi ngoại tệ và đau đầu quản lý rủi ro tiền tệ khi được giao dịch bằng đồng NDT trong bối cảnh chính phủ vẫn can thiệp kiểm soát ngoại hối và dòng vốn.

Thiết lập vùng ảnh hưởng quốc tế

Việc sử dụng đồng NDT trong giao dịch dầu mỏ mang tính toàn cầu là một phần nỗ lực nhằm tăng nhanh quá trình quốc tế hóa đồng tiền này. Đồng NDT đã được công nhận là một đồng tiền quốc tế nhưng vai trò của nó còn hết sức khiêm tốn khi chỉ chiếm tỷ trọng 1,1% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, so với 85,4% của USD và EUR tính đến hết quý III/2017.

Xét về mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu, thì việc khai trương thị trường dầu mỏ tương lai này là bước đi quan trọng giúp Trung Quốc từng bước đạt được tham vọng tạo ra đối trọng với thị trường dầu Brent ở Anh và dầu WTI ở Mỹ, từ đó tiếp tục mở rộng vai trò tham gia vào các hoạt động kinh tế toàn cầu.

Quan trọng hơn, nếu nhìn sự kiện Trung Quốc mở cửa thị trường dầu mỏ tương lai ở Thượng Hải, và tiếp đến là thị trường quặng sắt, trong mối liên hệ với nỗ lực biến đồng NDT thành đồng tiền quốc tế và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, thì mới nhận thức được đầy đủ tầm nhìn chiến lược xây dựng thế lực kinh tế toàn cầu của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho việc chế tạo máy chủ và cả siêu máy tính. Những hành động này đang khiến người Mỹ và phương Tây lo ngại sẽ mất đị vị thế độc tôn của mình. Trước mắt, những nỗ lực này của Trung Quốc nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ và phương Tây, rồi tiếp theo làm đối trọng thực sự trong tương lai. Tất cả sẽ giúp Trung Quốc trở thành một siêu cường thực sự.

Chưa thể sánh vai cùng Mỹ và Anh

Hiện nay chưa phải là thời điểm mà thị trường dầu mỏ Trung Quốc có thể so sánh hay cạnh tranh nổi với các thị trường ở Mỹ và Anh Quốc trên phương diện quốc tế, mà chủ yếu là phục vụ nhu cầu trong nước dựa trên cơ sở khai thác lợi thế là người tiêu thụ lớn nhất.

Bởi vì, thứ nhất, sự ổn định của thị trường này không cao vì sự đầu cơ ở Trung Quốc là rất lớn. Kể cả các hàng nguyên liệu khác như quặng sắt, nhôm... đều cho thấy hiện tượng đầu cơ ở Trung Quốc. Thậm chí, người ta còn lo ngại cả sự thao túng các thị trường này của những thế lực đầu cơ lớn ở Trung Quốc. Điều này cho thấy giá trị chỉ dẫn của chuẩn giá dầu của Trung Quốc là rất thấp. Do vậy, nó không thể trở thành chỉ số mang tính chỉ dẫn quốc tế .

Thứ hai, sự can thiệp của nhà nước như kiểm soát ngoại hối, can thiệp tỷ giá, kiểm soát dòng vốn, thậm chí cả những biện pháp can thiệp mang tính hành chính là thường xuyên đối với các thị trường ở Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư nước ngoài không muốn tham gia sâu. Ngoại trừ, như đề cập ở trên, các nước như Iran, Nga và Venezuela khi giao dịch dầu mỏ bằng đồng NDT sẽ giúp họ thoát khỏi các giao dịch hàng hóa và thanh toán bằng đồng USD. Việc không có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ hạn chế vai trò quốc tế của thị trường dầu mỏ Trung Quốc.

Sẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa, thì thị trường dầu mỏ Trung Quốc mới trở thành đối trọng với các thị trường Mỹ và London xét về tầm quan trọng quốc tế. Nói cách khác, động thái khai trương thị trường dầu tương lai của Trung Quốc trước mắt mang tính khởi đầu tạo lập hệ thống riêng, độc lập chủ yếu nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/tham-vong-moi-cua-trung-quoc-131730.html