Tham vọng của Indonesia trong thời đại 4.0

Indonesia đã đặt mục tiêu 'bước vào top 5 nước mạnh về kinh tế trên thế giới vào năm 2045', vì vậy Chính phủ nước này đang nghiên cứu các chiến lược chú trọng hơn vào kiến thức và đổi mới, xem đây là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế.

Tại Indonesia, giống như tại các nước có thu nhập trung bình khác, các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với việc thúc đẩy hệ thống kiến thức và khả năng, bởi vẫn thiếu những động lực và quyết tâm chính trị trong việc ủng hộ các nghiên cứu về khoa học và công nghệ. Phần lớn đội ngũ viên chức chưa được đào tạo đúng mức để có thể phát triển những chính sách dựa trên thực tế. Cùng với đó là những giới hạn trong cơ chế pháp lý và các quy định. Phần lớn trọng tâm của các chương trình phát triển quốc tế là khả năng nghiên cứu của các viện chính sách chứ không phải là khả năng đòi hỏi và vận dụng kiến thức để xây dựng chính sách của Chính phủ.

Những kiến thức mà các viện nghiên cứu chính sách hoặc các tổ chức nghiên cứu công/tư chia sẻ là rất có ý nghĩa song không đủ để hoàn thành việc vạch ra các chính sách nhằm cải thiện xã hội và nền kinh tế của Indonesia, bởi nhu cầu đòi hỏi và vận dụng kiến thức là điều cực kỳ quan trọng. Trước thực tế đó, khu vực công của Indonesia có một số thách thức cần phải vượt qua, như trình độ lao động trong khu vực công, hay những quy định cứng nhắc của quy trình nghiên cứu hoạch định chính sách,.

Dữ liệu từ Ủy ban Dân sự Quốc gia năm 2016 cho thấy chỉ hơn 6% trong số 4,5 triệu công chức của Indonesia - bao gồm hơn 1,7 triệu giáo viên, cũng như nhân viên y tế và các vai trò kỹ thuật khác có bằng thạc sĩ, trong khi chỉ 0,3% có bằng tiến sĩ. Viên chức tại một số đơn vị như Bộ Giáo dục và Văn hóa, Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia và Bộ Điều phối Kinh tế có trình độ khá cao, song nhìn chung trong đội ngũ viên chức hiện tồn tại một khoảng cách nhất định về kỹ năng nghiên cứu. Điều này gây nhiều khó khăn cho các cơ quan ban ngành trong việc tự mình xác định rõ họ cần loại nghiên cứu nào để phục vụ việc đề ra chính sách và đánh giá các nghiên cứu mà giới chức tiến hành.

Tại Indonesia, hai quy trình chính sách chính đang được áp dụng ở cấp quốc gia là lập kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và xây dựng luật pháp, quy định. Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia/Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) là đơn vị chịu trách nhiệm về các kế hoạch phát triển. Nhìn chung, quy trình lập kế hoạch sẽ giúp định hình các nền tảng căn bản cần thiết cho quá trình hoạch định chính sách. Đội ngũ Bappenas xây dựng kế hoạch phát triển dựa trên những nghiên cứu căn bản nội bộ hoặc sẵn có từ bên ngoài. Tuy nhiên, không những nguồn cung kinh phí bị hạn chế mà kinh phí đối với một số cố định các nghiên cứu chỉ có thể sử dụng trong 1 tài khóa. Do sự cứng nhắc của các quy định này, nhiều cơ quan Chính phủ phải dựa vào các nhà tài trợ quốc tế để có tiền tài trợ cho những nghiên cứu mà họ có nguồn lực song không được linh hoạt tận dụng.

Nền kinh tế tri thức có nền tảng là sự sáng tạo, chia sẻ và vận dụng kiến thức để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Lý thuyết về nguồn vốn con người xem tri thức là trung tâm của quá trình phát triển trong những năm 1960. Ngày nay, trong một thế giới kết nối chặt chẽ và liên tục phát triển về công nghệ, tốc độ sáng tạo và phổ biến kiến thức càng trở nên quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế hơn so với thời điểm 50 năm về trước. Trong tương lai gần, các cơ quan Chính phủ của Indonesia có thể sẽ phải xử lý rất nhiều dữ liệu, nghiên cứu và phân tích của các chương trình phát triển, dự án và các tổ chức đa phương. Những cách tân về phổ biến dữ liệu cũng sẽ tăng số lượng các nghiên cứu và nội dung mà nhiều cơ quan Chính phủ có thể thực hiện thông qua công nghệ số. Điều quan trọng với giới hoạch định chính sách là khả năng xác định và thu nhận những kiến thức mà họ cần vào đúng thời điểm. Những kỹ năng và khả năng này sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước có thu nhập trung bình như Indonesia trong việc phát triển nền kinh tế tri thức và bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tham-vong-cua-indonesia-trong-thoi-dai-4-0.aspx