Tham vọng của các 'kỳ lân' thương mại điện tử ở xứ vạn đảo

Thương vụ mua lại chợ dịch vụ cưới Bridestory của Tập đoàn kỳ lân thương mại điện tử Tokopedia hàng đầu Indonesia đã thể hiện quyết tâm mở rộng thị trường chiến lược và phát triển vượt ra ngoài bản sắc của nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Xứ vạn đảo này.

Là quốc gia có nền kinh tế Internet lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, Indonesia sớm sở hữu khá nhiều “kỳ lân” công nghệ. (Nguồn: The Jakarta Post)

Tập đoàn thương mại điện tử Tokopedia đã chính thức đi vào hoạt động vào năm 2009 và được hỗ trợ bởi SoftBank Vision Fund cùng Tập đoàn Alibaba Group của Trung Quốc. Kể từ tháng 6/2019, công ty khởi nghiệp điện tử trị giá 7 tỷ USD này đã biến nhà cung cấp dịch vụ cưới trực tuyến Bridestory trở thành công ty con thuộc quyền sở hữu. Mặc dù giá trị của thương vụ sáp nhập này không được tiết lộ, song truyền thông Jakarta cho biết, giá trị giao dịch này rơi vào khoảng 30 triệu USD.

Hợp tác mới, bản sắc mới

Được thành lập kể từ năm 2014, Bridestory chuyên cung cấp dịch vụ tổ chức các nghi lễ và tiệc cưới thông qua việc kết hợp với một số nhà tổ chức sự kiện cũng như các nhà cung cấp dịch vụ khác trên thế giới. Theo thống kê trên bridestory.com, khoảng 3,5 triệu cặp đôi muốn “về chung một nhà” đã sử dụng dịch vụ của website sở hữu 28 hạng mục dịch vụ cưới và văn phòng tại khắp Đông Nam Á này.

Theo nhận định của người sáng lập kiêm CEO của Tokopedia William Tanuwijaya, công ty Bridestory chuyên cung cấp dịch vụ phong cách sống mang sức hấp dẫn và lôi cuốn đặc biệt. Không chỉ vậy, công ty này còn rất phù hợp với tầm nhìn của doanh nhân Tokopedia Tanuwijaya trong vòng 10 năm tới.

Phát biểu về định hướng trong tương lai, nhà lãnh đạo nền tảng thương mại điện tử Tokopedia William Tanuwijaya bày tỏ kỳ vọng, tập đoàn hàng đầu Indonesia này sẽ có khả năng hỗ trợ tất cả các loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ tại quốc gia có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới này.

Truyền thông Jakarta đưa tin, kể từ khi được trình làng vào năm 2009, nền tảng thương mại được mệnh danh là “Taobao của Indonesia” đã đi theo mô hình thị trường thương mại điện tử, thu hút được 5 triệu thương nhân tham gia bán hàng trên trang web nhờ hình thức loại bỏ phí niêm yết. Đặc biệt, trong số đó, không ít người bán hàng trên Tokopedia đã gây dựng nên thương hiệu và là chủ sở hữu duy nhất của mặt hàng mà họ bày bán.

Theo số liệu thống kê của Tokopedia, trong tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo, diễn ra vào tháng 5/2019, giá trị hàng hóa và dịch vụ mà tập đoàn này bán được trên trang web đã đạt mức kỷ lục 1,3 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, giá trị giao dịch dự kiến sẽ đạt khoảng 15 tỷ USD cho cả năm 2019.

Cạnh tranh khốc liệt

Giám đốc William Tanuwijaya vẫn bày tỏ tham vọng loại bỏ Tokopedia khỏi sự phụ thuộc vào ngành hàng bán lẻ điện tử. Mặc dù giới phân tích nhận định, thị trường bán lẻ trực tuyến của Indonesia đang tăng trưởng nhanh chóng, thị phần của Tokopedia vẫn chỉ chiếm 3% đến 5% tổng giá trị bán lẻ tại quốc đảo này. Nói cách khác, hơn 90% thị trường vẫn bị chiếm giữ bởi các nhà bán lẻ truyền thống khác.

Trong bối cảnh các start-up “kỳ lân” - công ty khởi nghiệp trị giá hơn 1 tỷ USD - đang cung cấp các dịch vụ cũng như công nghệ thương mại điện tử cho không ít cửa hàng bán lẻ, bao gồm thanh toán điện tử và hệ thống phân phối hàng hóa sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), ông chủ Tanuwijaya mong muốn khai thác phân khúc đầy tiềm năng này trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Tokopedia. Theo đó, Tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Tokopedia sẽ giúp các tiểu thương hoạt động trong phạm vi địa lý giới hạn có thể tiếp cận khách hàng trên toàn đất nước Indonesia, hoặc cho phép các nhà hàng chấp nhận hình thức thanh toán di động.

Trong khi đó, đối thủ của Tokopedia là Bukalapak.com, một nhà bán lẻ trực tuyến khác tại Indonesia, được cho là đang theo đuổi chiến lược phát triển tương tự nhằm tiếp cận các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Jakarta.

Giới phân tích nhận định, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động đang cạnh tranh khốc liệt nhắm đến các cửa hàng, nhà hàng và cơ sở dịch vụ nhằm mở rộng cơ sở dữ liệu người dùng. Vì vậy, mặc dù Indonesia là đất nước sở hữu thị trường tiêu dùng rộng lớn với dân số lên đến 265 triệu người, Tokopedia được cho là sẽ phải đối mặt với rất nhiều “người chơi” trong trận đấu tranh giành “chiếc bánh” thị phần.

Theo báo cáo của Google và Temasek Holdings Pte., Indonesia là quốc gia có nền kinh tế Internet lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, dự báo đạt giá trị 53 tỷ USD vào năm 2025. Không chỉ vậy, Indonesia còn là vùng đất sở hữu lượng mua sắm trực tuyến lớn trong khu vực với tỉ lệ mua hàng online chiếm tới khoảng 75%.

Là trang trực tuyến lớn nhất, có giá rẻ nhất và cho phép người mua cũng như người bán kết nối trực tiếp với nhau tại Indonesia, Tokopedia hiện đang đứng top 1 trong số các trang web mua sắm trên chợ ứng dụng iOS, Google Play và Websites Traffic C2C.

Hiện nay, nền tảng Tokopedia có hơn 100.000 nhà cung cấp với hàng triệu sản phẩm giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm được các mặt hàng cần thiết.

Hải Duyên

(theo Nikkei Asian Review)

Hải Duyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tham-vong-cua-cac-ky-lan-thuong-mai-dien-tu-o-xu-van-dao-99387.html