Tham vọng bay toàn cầu của CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo

Nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 'tiết lộ' với tạp chí Forbes hãng bay của bà đang lên kế hoạch mua thêm máy bay để tận dụng lợi thế từ sự bùng nổ thị trường du lịch hàng không trong khu vực và đưa Vietjet ra toàn cầu.

Hiện Vietjet đang có thị phần dẫn đầu trên thị trường nội địa và CEO Vietjet, nữ tỷ phú hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo được ghi nhận là người làm nên những kỳ tích trong ngành hàng không.

Thị trường hàng không Việt Nam có sự thay đổi toàn diện từ khi có sự tham gia của Vietjet. Dịch vụ hàng không từ xa xỉ trở nên phổ biến, thị trường có tính cạnh tranh và hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài, trở thành “hiện tượng” của hàng không toàn thế giới.

Nữ CEO hiếm hoi của ngành hàng không trong nước và thế giới đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới tới hãng hàng không của mình và tới đất nước Việt Nam với những bước đi táo bạo.

Nữ CEO hiếm hoi của ngành hàng không trong nước và thế giới đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới tới hãng hàng không của mình và tới đất nước Việt Nam với những bước đi táo bạo.

Theo phân tích, chìa khóa thành công của Vietjet là giữ chi phí ở mức thấp và khai thác hiệu quả mỗi chuyến bay. Chi phí vận hành tính theo số ghế cung ứng trên mỗi km (ASK) của Vietjet là 2,3 cent – mức được đánh giá tốt nhất trong ngành (chi phí này của AirAisa là 3,1 cent, các hãng hàng không truyền thống của Mỹ có ASK trung bình khoảng 7 cent).

Hãng bay của bà Thảo đang khai thác 80 tàu bay trên 120 điểm đến và đang có chiến lược mở rộng mạng bay tới các thị trường trong bán kinh 2.500 dặm.

"Chiến lược của chúng tôi là mở rộng mạng bay tới các thị trường trong bán kinh 2.500 dặm. Như thế chúng tôi có thể phát triển các căn cứ, từ đó phục vụ một nửa dân số thế giới", nữ tỷ phú chia sẻ trong cuộc phỏng vấn gần đây với Forbes. Đây hoàn toàn không phải một chiến lược ngẫu hứng mà: "ngay khi bắt đầu, chúng tôi đã định vị Vietjet là hãng hàng không của khu vực và quốc tế", bà Thảo nói.

Cũng theo tiết lộ của bà Thảo, Vietjet có lợi thế cạnh tranh về dịch vụ, tàu bay, khả năng quản lý, chi phí và cung cấp những dịch vụ mới. Vì vậy bà hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh ở những thị trường khác, như châu Âu hoặc Mỹ. Vietjet sẽ trở thành hãng hàng không toàn cầu đầu tiên tới từ Việt Nam.

Các chuyến bay của Vietjet có tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 88%.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Vietjet đã đặt 386 máy bay mới, bao gồm 200 chiếc từ Boeing và 186 chiếc từ Airbus. Vietjet nhắm tới việc thu hút được nhiều hành khách hơn nữa khi chuẩn bị đưa vào khai thác dòng máy bay Airbus A321neo mới với 240 chỗ, nhiều hơn so với tàu bay thân hẹp mà nhiều hãng khác đang khai thác.

Để hạ cánh được ở nhiều điểm quốc tế hơn, những hãng hàng không như Vietjet thường hợp tác với các hãng hàng không nội địa tại các quốc gia. Đến nay, Vietjet đã hình thành một liên danh tại Thái Lan, hiện đang khai thác 8 tàu bay tại thị trường rất cạnh tranh này, thông tin từ Forbes.

CEO Vietjet cũng bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng để tháo gỡ tình trạng hầu hết các sân bay lớn đều đang khai thác vượt công suất thiết kế.

CEO Vietjet xuất hiện nổi bật trên trang bìa của số đặc biệt công bố danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á của Forbes.

Theo Forbes, trong lịch sử 116 năm của ngành hàng không, những nữ phi công đã hiếm, nữ CEO của một hãng hàng không lại càng hiếm hơn. CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên kỳ tích trong lịch sử ngành hàng không vốn thuộc về phái mạnh khi là nữ doanh nhân duy nhất khởi nghiệp và điều hành một hãng hàng không thương mại của riêng mình.

Thành tựu đó giúp bà trở thành đại diện tiêu biểu trong danh sách Những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019– tôn vinh những người dám thách thức và phá vỡ mọi rào cản.

Ngân Hà

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/kinh-te/tham-vong-bay-toan-cau-cua-ceo-vietjet-nguyen-thi-phuong-thao-155781.html