Thăm Vĩnh Cát - nhớ thương nhạc sĩ, liệt sĩ-anh hùng LLVTND Vĩnh Bảo!

Thăm Phó giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát. Hẹn nhau mãi. Vương Thừa Vũ- Đào Tấn cùng Hà Nội mà xa xôi, cách trở vậy!

Về nửa cuối những năm 40 thế kỷ trước, chúng tôi cùng học, sống chung tập thể dưới mái Trường Thiếu nhi Nghệ thuật do Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm Hiệu trưởng. Chúng tôi, lứa tuổi trên dưới 15 nên coi các thầy cô coi như các anh, các chị phụ trách. Rất thân tình, chúng tôi quen gọi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước là Anh Trưởng, các anh - nhạc sĩ Trần Tất Toại, La Thăng ( Ngọ )... ít tuổi hơn là Anh Thứ. Nhà trường tản cư lên tận Phương Viên bạt ngàn những đồi chè, sau ra Vĩnh Trân tá túc với Trại nghỉ dưỡng sáng tác của các văn nghệ sĩ đầu đàn thời kháng chiến chống Pháp. Mái trường dưới rừng cọ, bên Đầm Chính Công - cảnh sắc rất nên thơ ( thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú thọ ).

Anh Vĩnh Cát cùng tuổi tôi, sang tuổi 86. Hồi ấy, rời Trường TN Nghệ thuật tôi học tiếp văn hóa Trường Hùng Vương. Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, về Thú đô tôi thi đậu Đại học Văn Khoa Hà Nội và trở thành nhà báo. Còn Anh, tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc. Học viên và trở thành giảng viên Trường Âm nhạc VN. Tu nghiệp sau Đại học âm nhạc ở Liên Xô, anh trở lại làm Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội ( Tiền thân của Học viện Âm nhạc Quốc gia VN ). Đầu những năm 1990 anh; Thành ủy viên - Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội rồi nghỉ hưu.

Chúng tôi rất mừng gặp lại nhau. Anh cho biết số anh em của Trường Thiếu nhi Nghệ thuật còn lại đếm đầu ngón tay. Anh nói đang tập họp nhau lại để cố ra cuốn sách viết về Trường Thiếu nhi Nghệ thuật thưở ấy. Tôi nghĩ một ý tưởng rất hay bởi hồi đầu Kháng chiến chống Pháp có thể coi như đây là cái nôi đầu tiên đào tạo nên lớp nhạc sĩ cách mạng - đương nhiên ta còn gửi người du học ở Liên Xô, Trung Quốc. - nhưng đây là đào tạo ở trong nước. Cuốn sách có thể góp phần vào biên niên sử vẻ vang của nền âm nhạc VN. Đó là thiển nghĩ của tôi.

Anh tặng tôi cuốn sách với ý nghĩ khiêm tốn của anh "CHỈ LÀM NGÔI SAO KHÔNG TÊN ". Cuốn sách nặng và dầy 590 trang, như một tuyển tập, giới thiệu sự nghiệp âm nhạc khá hoành tráng của anh- sáng tác ( đặc biệt thể loại giao hưởng ), giảng dạy, các đề tài nghiên cứu - lý luận về âm nhạc -. Và nữa," hoa lá cành ", những cánh thư yêu thương gửi NGƯỜI BẠN ĐỜI của anh - chị Lê Kiều Duyên.

Trong lời giới thiệu Tập bài hát : " VƯỜN NHÃN QUÊ HƯƠNG " của anh, GS. NS. LƯU HỮU PHƯỚC viết " Vĩnh Cát chưa bao giờ được làm nhạc sĩ " chuyên nghiệp " hiểu theo nghĩa hẹp của từ này. Cuốn hút anh hằng ngày không phải là công việc sáng tác mà là những công tác chính trị, tổ chức, quản lý Trường Đại học Âm nhạc. Là giảng viên bộ môn sáng tác, nhưng chính anh chỉ được sáng tác âm nhạc trong những khoảnh khắc nhất định. Sự nghiệp sáng tác của anh, nếu không bị những hạn chế đó, chắc chắn sẽ còn chín đều và nở rộ hơn nhiều..."

&

Chúng tôi nói với nhau nhiều về Nhạc sĩ-Liệt sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo, bí danh Nguyễn Hy Sinh, Vĩnh Bảo; em trai của anh và cũng sống chung với chúng tôi dưới mái Trường TNNT.

Vĩnh Bảo quê ở Hưng Yên, năm 1965 khi cả nước bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ quyết liệt anh đã tự nguyện gác lại việc tiếp tục trở lại tu nghiệp tại Học viện Âm nhạc Kiew - Liên Xô, dấn thân vào chiến trường Miền Nam.

Ở căn cứ Tây Ninh anh được tổ chức phân công làm công tác đào tạo huấn luyện. Nhưng anh xin được ra tuyến đầu để thâm nhập thực tiễn chiến đấu trước đã. Tay đàn, tay súng Anh sát cánh chiến đấu cùng quân dân Đất thép Củ Chi.

Hoàn thành nhiệm vụ, trên đường trở về Trung ương Cục nhận nhiệm vụ mới Trưởng Đoàn văn công Quân Giải phóng; Vĩnh Bảo đã hy sinh bên Bến Nha Thức, bờ Sông Saigon chiều ngày 4-6-1967, vừa tròn 31 tuổi.

NS, LS Nguyễn Vĩnh Bảo được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân Dân " Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước ". Theo tôi được biết, giới âm nhạc có 3 nhạc sĩ vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND là Hoàng Việt, Xuân Hồng và Vĩnh Bảo.

Trong một bức thư gửi Vĩnh Bảo, người học trò tin yêu của ông; nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết :" "Thân gửi Hy Sinh. Gọi tên Hy Sinh anh thấy nhơ nhớ thế nào ấy, nhớ nhất là tinh thần hy sinh chung của dân tộc lúc bấy giờ. Không phải ngẫu nhiên một em bé 11 tuổi như em tự nhận bí danh Hy Sinh ".

Vĩnh Cát thay mặt gia đình tặng tôi cuốn sách quý với hàng chữ đỏ in đậm " Gia đinh NS. LS. AHLLVTND Nguyễn Vĩnh Bảo kính tặng ". Tôi dưng dưng đỡ cuốn sách quý mà cảm như đang nắm bàn tay nồng ấm của bạn khi chúng tôi chung sống bên nhau dưới mái cọ trên đồi chè Phương Viên - Làng Trầm (Thanh Ba, Phú Thọ) thưở nào1

Tôi đang đọc cuốn "SẴN SÀNG HY SINH" - Nhà xuất bản Văn học - của Vĩnh Bảo; viết về sự nghiệp âm nhạc và hy sinh cao cả - khí phách của một tài năng trẻ; NS, LS Nguyễn Vĩnh Bảo với niềm thương, nỗi nhớ!

Nguyễn Văn Trường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tham-vinh-cat--nho-thuong-nhac-si-liet-si-anh-hung-llvtnd-vinh-bao-72767