Thám tử thú cưng - nghề lạ hái ra tiền ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, thám tử thú cưng có thể kiếm được hàng nghìn nhân dân tệ sau mỗi chuyến hành nghề. Tuy nhiên, nghề này vẫn còn mới và ít được nhiều người biết đến.

Một đêm mùa đông lạnh giá vào tháng 12, Sun Jinrong (38 tuổi) - thám tử thú cưng - cùng 2 đồng đội của mình mang theo thang, đèn pin và ba lô chứa đầy thiết bị công nghệ đến một khu dân cư trong thành phố Thượng Hải.

Khách hàng mới của anh là một phụ nữ trẻ tầm 20 tuổi. Cô gái cho biết chú mèo của mình đã mất tích nhiều ngày và cô không biết phải làm gì.

Sau khi nắm bắt sơ lược tình hình, nhóm thám tử của Sun nhanh chóng phác thảo hình dáng con vật và bắt đầu quá trình tìm kiếm manh mối. Trong vài phút, Sun phát hiện ra một cửa sổ hé mở một nửa. Anh đoán đây là lối thoát có khả năng nhất và đi đến phòng bảo mật để xem video giám sát tòa nhà.

 Những ca làm việc thất thường của thám tử thú cưng.

Những ca làm việc thất thường của thám tử thú cưng.

Đúng như anh nghi ngờ, đoạn ghi âm thu được tiếng một con mèo trắng đang rơi xuống từ cửa sổ. Một lát sau, một cặp vợ chồng ở cùng tòa nhà mang nó đi. Sun tìm ra căn hộ nơi hai vợ chồng đang ở. Anh đi thẳng đến đó, lấy máy dò lông mèo và bắt được nghi phạm trộm mèo.

Cô gái trẻ liên tục cảm ơn Sun và chuyển ngay 2.000 nhân dân tệ (285 USD) vào tài khoản ngân hàng của anh. Toàn bộ quá trình tìm kiếm chỉ mất khoảng 30 phút.

Đối với Sun, đó là tất cả trong một đêm làm việc.

Công việc truy tìm thú cưng

Sun Jinrong là con trai của một thợ cơ khí không quân. Sau khi cùng cha mẹ chuyển đến Thượng Hải sống khoảng hơn 10 năm trước. Anh từng làm tình nguyện viên tại cơ quan nuôi dưỡng thú cưng trong thời gian rảnh rỗi.

Tại đây, vai trò của Sun là giải cứu những động vật đi lạc và sắp xếp cho chúng được nhận nuôi.

“Bọn chúng giống như đang chơi trò trốn tìm với tôi vậy. Tôi phải suy nghĩ cách chiến thắng trò chơi này”, Sun nói.

Sau nhiều lần như vậy, những người chủ thú cưng bắt đầu liên lạc với Sun, đề nghị trả tiền cho anh để tìm kiếm vật nuôi bị mất của họ.

Năm 2013, anh quyết định nghỉ việc ở nhà máy và trở thành một thám tử thú cưng toàn thời gian. Lúc bấy giờ, anh được biết đến là thám tử thú cưng đầu tiên của Trung Quốc.

'Họ không nghĩ thám tử thú cưng là một cái nghề'

Vào thời điểm đó, trào lưu nuôi thú cưng vẫn còn tương đối hiếm ở nhiều nơi và những người chủ không thật sự trân trọng vật nuôi của mình.

Trong những ngày đầu, Sun gặp khó khăn trong việc thuyết phục các khách hàng tiềm năng tin tưởng mình. Nhiều người cho rằng anh là kẻ lừa đảo và thường xua đuổi anh với lý do "vật nuôi mất thì nuôi con khác chứ thuê thám tử làm gì".

Nhưng khi xu hướng nuôi thú cưng phát triển gần đây và động vật dần trở thành một người bạn, người thân với các thành viên trong gia đình thì ngày càng có nhiều người tìm đến anh để nhờ giúp đỡ.

Trong một cuộc khảo sát năm 2019, gần 60% chủ sở hữu thú cưng Trung Quốc cho biết họ xem thú cưng của mình như con cái và sẵn sàng chi số tiền lớn để nuông chiều các “hoàng đế bốn chân”.

Phụ kiện cao cấp, đám tang xa hoa và thậm chí nhân bản thú cưng đều đang ngày càng phổ biến.

Khi trào lưu nuôi thú cưng trở nên phổ biến, nhiều người không còn xem anh là kẻ lừa đảo nữa.

Gần 100 triệu hộ gia đình ở xứ tỷ dân đều có ít nhất 1 thú cưng trong nhà, tăng 44% kể từ năm 2014. Thị trường thú cưng của đất nước này cũng đã tăng trưởng hơn 18% so với năm 2019, thu về khoảng 200 tỷ nhân dân tệ.

Suốt nhiều năm hành nghề, thám tử Trung Quốc đã từng chứng kiến nhiều vụ mất thú cưng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Có khách hàng đã bỏ việc để tìm kiếm chú chó mất tích, một số cặp vợ chồng gây chiến với nhau về việc này và cuối cùng đã ly hôn.

Vì thế, người đàn ông 38 tuổi hoàn toàn nghiêm túc với sự nghiệp của mình.

Đối với Sun, chìa khóa cho sự thành công của một thám tử thú cưng là khả năng suy luận. Với bất kỳ phi vụ nào, từ khi đặt chân đến nhà của khách hàng, hành động đầu tiên của anh luôn là tìm kiếm mô tả về con vật, bao gồm tuổi, giới tính, giống và kể cả bị thiến hay chưa.

Khi được hỏi về tỷ lệ thành công của mình, Sun nói rằng nó phụ thuộc vào chi tiết cụ thể của từng trường hợp. Nếu một con chó bị lạc vào khu vực nơi có truyền thống ăn thịt chó, cơ hội tìm thấy nó gần như bằng 0.

Ngoài ra, anh còn phải học cách đối mặt với sự kỳ vọng của khách hàng, vì với ngành này không có gì là chắc chắn. “Đối với khách hàng, sẽ không có gì khác biệt nếu tỷ lệ thành công là 40% hoặc 80%. Đối với họ, chỉ có tìm thấy hoặc không tìm thấy”, Sun cho biết.

Nghề thám tử thú cưng chưa được phổ biến trên thế giới.

'Tôi mong nghề của mình biến mất'

Niềm vui của những phi vụ thành công sẽ dần phai mờ theo năm tháng nhưng những ký ức về các trường hợp thất bại luôn khiến Sun dằn vặt chính mình. Nếu anh không thể tìm được thú cưng của khách hàng, anh sẽ không dám đối mặt với họ nữa.

Làm nghề này, những cuộc gọi bất ngờ trong đêm khuya là chuyện rất bình thường. Anh và nhân viên của mình thường xuyên phải lần mò dấu vết trong bụi rậm tối tăm, lục soát từng ngóc ngách nhỏ nhất để tìm ra manh mối của con vật.

Đến hiện tại, anh đã giúp hơn 1.000 thú cưng bị lạc được đoàn tụ với gia đình của mình.

Việc kinh doanh của Sun phát triển nhanh khi Trung Quốc nổi lên như một quốc gia của những người yêu động vật.

Anh dùng tiền đó đầu tư rất nhiều tiền vào các thiết bị hữu ích cho công việc. Với mỗi chuyến hành nghề, chiếc xe của anh đều được chất đầy bẫy mèo, thiết bị nhìn đêm, camera giám sát...

Thiết bị đắt nhất là máy dò tìm sự sống được đội cứu hộ thảm họa sử dụng để xác định vị trí những người sống sót. Nó có giá hơn 20.000 nhân dân tệ.

Dù không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào, Sun Jinrong vẫn luôn tự mình học hỏi để trở thành một chuyên gia thực thụ trong nghề.

Để trở thành một chuyên gia trong nghề này, Sun còn đổ nhiều tâm huyết vào việc học các kỹ năng về động vật. Anh dành 2 năm học cách bắt chước tiếng kêu của những con chim non để dụ chú mèo đang lẩn trốn. Trong thời gian rảnh, anh đọc sách về tâm lý học và động vật học.

“Kể từ khi trở thành thám tử thú cưng, tôi phải tìm hiểu thêm về hành vi của động vật và tâm lý của những người nuôi chúng”, Sun chia sẻ.

Sun hiện điều hành một công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm thú cưng có trụ sở ở ngoại ô Thượng Hải và 10 nhân viên.

Mỗi tháng, anh có khoảng 30 khách hàng từ các thành phố trên khắp Trung Quốc. Thông thường, khách hàng ở Thượng Hải phải trả cho anh một phi vụ ít nhất 800 nhân dân tệ, trong khi những người chủ đến từ Bắc Kinh phải trả trên 8.500 nhân dân tệ - bao gồm vé máy bay và chỗ ở.

Tiếng tăm của anh nhanh chóng được nhiều người biết đến thông qua lời giới thiệu từ những khách hàng cũ. Mỗi lần xong một phi vụ, Sun nhờ khách hàng quay một đoạn video ngắn cho kênh TikTok và Weibo của mình.

Tuy công việc kinh doanh phát triển nhưng Sun cũng mong ngành công nghiệp này nhanh chóng biến mất. Là một người yêu động vật, Sun cho biết anh không mong muốn bất kỳ con vật nào bị bỏ rơi, thất lạc hoặc bị đối xử tệ.

“Tôi hy vọng một ngày nào đó ngành của tôi sẽ biến mất, vì lúc đó sẽ không còn vật nuôi nào bị mất tích nữa”, Sun bày tỏ.

Phương Thảo
Ảnh: Sixth Tone

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tham-tu-thu-cung-nghe-la-hai-ra-tien-o-trung-quoc-post1063778.html