Thẩm tra dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp

Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 38, chiều ngày 04/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Tham gia phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước

Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, các trường hợp người nộp thuế đã chết, đã mất tích, giải thể, phá sản, ngừng bỏ hoạt động kinh doanh thực tế, không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước nhưng vẫn phải tính phạt và tiền chậm nộp. Số nợ này là nợ ảo, không còn khả năng thu vào ngân sách nhà nước. Nếu theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các đối tượng này được khoanh nợ nhưng Luật này đến 01/7/2020 mới có hiệu lực thi hành, còn Luật Quản lý thuế hiện hành không có quy định khoanh nợ. Do đó, Chính phủ thấy cần thiết báo cáo Quốc hội cho cơ chế xử lý.

Đối với các khoản tiền chậm nộp theo Luật Quản lý thuế 2012 đến nay chưa có cơ chế xử lý, cũng không có quy định miễn đối với tiền chậm nộp. Do đó đối với một số khoản tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp thuộc các trường hợp gặp thiên tai, bất khả kháng phát sinh tiền chậm nộp chưa được xử lý.

Mặt khác, các khoản nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp phát sinh do ngân sách Nhà nước chưa thanh toán cho người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán trực tiếp bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước thì theo Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung thì từ ngày 01/01/2011 nếu người nộp thuế chưa được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản được gia hạn nộp thuế tối đa 02 năm; đến Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi một số điều của các luật về thuế có quy định không tính tiền chậm nộp cho những đối tượng này. Như vậy, một số trường hợp phát sinh trước ngày 01/01/2011 đến nay còn nợ đọng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp chưa được xử lý, cần có cơ chế xử lý.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết

Thực tế hiện nay, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã giải thể, phá sản, ngừng, nhỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh do cơ quan Thuế quản lý là 39.111 tỷ đồng. Còn tiền nợ thuế không còn khả năng thu do Hải quản quản lý là 3.879 tỷ đồng.

Trong số nợ đọng trên có 843.095 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế, người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn băn đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ với tổng số nợ đọng là 38.399 tỷ đồng.

Từ tình hình trên, Chính phủ thấy rằng việc báo cáo Quốc hội có biện pháp để xử lý nợ tiền thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là cần thiết.

Theo đó, nếu thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp sẽ làm giảm nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước 16.357 tỷ đồng. Đây là các khoản nợ không có khả năng thu hồi. Để hạn chế việc tiêu cực trong quá trình thực hiện, thất thoát ngân sách Nhà nước, dự thảo Nghị quyết quy định rõ về nguyên tắc xóa nợ, thảm quyền xóa nợ, quy định về điều kiện xử lý nợ, quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan quan liên quan như công an, Tòa án, cơ quan đăng ký kinh doanh, tổ chức tín dụng, Kiểm toán nhà nước… cũng như nêu cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, cán bộ công chức quản lý thuế, Hải quan trong thực thi công vụ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến phát biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh, theo điều 65 Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế, tuy nhiên, số nợ đọng thuế không có khả năng thu hồi được xử lý xóa nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành rất thấp, trong khi các khoản nợ thuế này đều bị tính tiền chậm nộp dẫn đến số nợ đọng thuế không có khả năng thu ngày càng tăng cao qua các năm, tạo gánh nặng quản lý cho cơ quan thuế mặc dù đối tượng đã không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước và không còn đối tượng để thu các khoản nợ này. Hơn nữa, Luật Quản lý thuế hiện hành không quy định việc khoanh nợ, trong khi việc thực hiện xóa nợ thuế đối với 3 nhóm đối tượng trong Luật Quản lý thuế hiện hành có nhiều bất cập, không thể thực hiện được.

Cơ bản tán thành về các nguyên tắc xử lý nợ, nội dung dự thảo Nghị quyết, song Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị rà soát việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với đối tượng: “Người nộp thuế đã bị cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhất đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy phép hành nghề”. Bởi, về cơ bản các trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh là các trường hợp vi phạm pháp luật, không phải xuất phát từ các nguyên nhân khách quan. Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát lại việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các đối tượng không tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Trần Quang Chiểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu bổ sung nội dung quy định xác nhận thời điểm xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ để làm căn cứ xác định thời điểm xóa nợ.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cũng lưu ý đến tính xác thực, chuẩn xác trong việc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về ciệc xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, việc xác định thiệt hại…

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã cho rằng, Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân của các cán bộ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cũng như chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân xác định khoản nợ thuế được khoanh, xóa nợ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Nghị quyết, có báo cáo giải trình một số vấn đề mà Ủy ban đã đặt ra; đồng thời giao Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 tới./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=42196