THẨM TRA DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÀNH LẬP VÀ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH VÀ HĐND CẤP TỈNH

Sáng 18/9/2020, sau khi nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết này.

Các đại biểu thảo luận tại Phiên họp.

Các đại biểu thảo luận tại Phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, thực hiện sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 01/9/2020, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp toàn thể theo hình thức trực tuyến để thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội.

Về cơ bản Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với sự cần thiết, mục đích, yêu cầu và quan điểm xây dựng Nghị quyết quy định việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh với những lý do nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội. Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành dự thảo Nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại khoản 3 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ của dự thảo Nghị quyết bảo đảm đầy đủ, chất lượng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tên gọi của dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định tên gọi của Nghị quyết là “Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh” (bỏ cụm từ “thành lập”) để thể hiện đúng tính chất và nội dung của Nghị quyết này. Bởi Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Tổ chức Quốc hội đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở các tỉnh, thành phố trung ương. Căn cứ vào quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mới là cơ quan ra Nghị quyết quyết định việc thành lập các Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở từng địa phương. Do đó, Nghị quyết này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tính chất khác với Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 bởi Nghị quyết số 1097 đồng thời là văn bản quyết định thành lập 63 Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội trực thuộc Văn phòng Quốc hội - là nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2016/QH13. Trường hợp vẫn giữ nội dung “thành lập” trong tên Nghị quyết thì đề nghị ghi rõ là quy định về “thẩm quyền thành lập” để không nhầm lẫn về tính chất, nội dung điều chỉnh của Nghị quyết.

Về thẩm quyền thành lập Văn phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận trong Ủy ban Pháp luật hiện có hai loại ý kiến khác nhau: Một số ý kiến tán thành phương án 1 của dự thảo Nghị quyết giao Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 2 giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Văn phòng.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật thấy rằng, nếu giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thành lập Văn phòng thì chưa thực sự phù hợp về mặt pháp lý bởi khoản 4 Điều 43 của Luật Tổ chức Quốc hội giao chính quyền địa phương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là đã gián tiếp quy định thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân. Hơn nữa, theo quy định tại Điều 6 và Điều 104 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền này. Trong khi đó, cũng theo quy định tại Điều 19 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cùng cấp (sở và tương đương sở), quyết định tổng biên chế công chức ở địa phương và nhiều nội dung quan trọng khác về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước ở địa phương và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật (bao gồm pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Do đó, nếu xác định Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tương đương Sở nhưng lại giao thẩm quyền thành lập cho Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì sẽ không bảo đảm tính tương đồng, có thể làm giảm vai trò, vị thế của Văn phòng trong mối quan hệ với các cơ quan hành chính khác ở địa phương.

Đối với quy định trong Dự thảo Nghị quyết về số lượng và tên gọi các phòng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với loại ý kiến thứ nhất nêu trong Tờ trình của Văn phòng Quốc hội và thấy rằng, việc xác định số lượng phòng phải căn cứ vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng vị trí việc làm và số biên chế được giao. Dự thảo Nghị quyết quy định cứng Văn phòng có 03 phòng và giao cho địa phương có thể quyết định thành lập thêm 01 phòng căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết.

Để phù hợp với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và thống nhất với cách quy định về tổ chức các đơn vị cấp phòng trong các Nghị định của Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tránh việc lạm dụng thành lập thêm tổ chức bộ máy, Ủy ban Pháp luật đề nghị trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần quy định rõ tiêu chí, điều kiện thành lập thêm phòng thứ tư của Văn phòng. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao địa phương quyết định thành lập thêm 01 phòng vì nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nên rất ít phát sinh thêm và nếu phát sinh thêm thì có thể tăng số lượng cấp phó, biên chế chuyên viên giúp việc mà không nhất thiết phải có thêm cơ cấu phòng.

Về thẩm quyền của Thường trực HĐND trong việc quyết định thi đua, khen thưởng, kỷ luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, Dự thảo Nghị quyết quy định Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định thi đua, khen thưởng đối với Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không có thẩm quyền phát động phong trào thi đua và quyết định khen thưởng đối với cá nhân, tổ chức. Vì vậy, đề nghị dự thảo Nghị quyết không quy định nội dung này để bảo đảm tính thống nhất với Luật Thi đua, khen thưởng. Tương tự như vậy cũng không nên quy định về việc kỷ luật đối với các chức danh nói trên. Các nội dung về thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu và công chức của Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ cập nhật, bổ sung, quy định rõ trong các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, công chức về nội dung này./.

Lan Hương - Hoàng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48424