Thẩm tra đề xuất Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) theo quy trình tại 3 kỳ họp

Chiều ngày 07/11, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề xuất Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 03 kỳ họp để có thêm thời gian hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của dự án Luật cũng như có thời gian tương xứng cho việc nghiên cứu thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và đủ thời gian để Đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận.

Đề nghị xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình 03 kỳ họp

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) vì dự thảo Luật sửa đổi rất nhiều nội dung, trong đó có nhiều nội dung là chính sách lớn, cơ bản của Luật hiện hành; dự thảo Luật đã sửa đổi số lượng lớn điều luật (sửa đổi 114/182 điều; bổ sung 54 điều) và thay đổi cơ bản về kết cấu của Luật (bổ sung mục 3 Chương III và bổ sung Chương XI, bãi bỏ 04 điều).

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì yêu cầu đặt ra đối với luật sửa đổi toàn diện khác cơ bản với luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Việc thay đổi phạm vi sửa đổi và tên gọi từ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) sẽ đặt ra yêu cầu phải bổ sung, hoàn thiện thêm nhiều vấn đề như: tổng kết thực tiễn thi hành một cách toàn diện, đầy đủ hơn; đánh giá kỹ tác động của nhiều chính sách mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung phiên họp toàn thể hội trường của Quốc hội chiều 7/11

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc Chính phủ để đến thời điểm dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đề xuất thay đổi phạm vi, tên gọi của dự thảo Luật cho thấy sự bị động trong việc chuẩn bị dự án Luật và chưa đánh giá được đầy đủ những yêu cầu của việc sửa đổi toàn diện dự án Luật, nhất là đối với những chính sách mới, chưa có tiền lệ, chưa có tổng kết thực tiễn thi hành nhưng cũng chưa tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế (như thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại). Đồng thời việc thay đổi gấp như vậy cũng dẫn đến bị động, khó khăn cho Ủy ban Tư pháp trong việc thẩm tra. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp đề nghị, trường hợp Quốc hội chấp nhận Tờ trình của Chính phủ về thay đổi tên gọi, phạm vi sửa đổi của dự án Luật thì đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thông qua dự thảo Luật so với thời gian đã được quyết định trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Qua xem xét hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự án Luật này cần được hoàn thiện thêm để bảo đảm chất lượng, tính khả thi và các điều kiện khác theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Nhấn mạnh, đối với một dự án luật sửa đổi toàn diện và có tính chất phức tạp thì cần có thời gian tương xứng cho việc nghiên cứu thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và đủ thời gian để Đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, nếu tiến hành theo quy trình tại 02 kỳ họp, trong khi dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chưa bảo đảm tính khả thi thì các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Tư pháp cũng không có đủ thời gian cần thiết để thảo luận, hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, nhất là đối với những vấn đề mới, chưa có thực tiễn ở Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Do đó, Ủy ban Tư pháp trân trọng đề nghị Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án Luật theo quy trình 03 kỳ họp. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề lớn, sau đó Chính phủ sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết thêm, một số Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng đã có văn bản gửi đến Ủy ban Tư pháp đề xuất thông qua dự án Luật theo quy trình tại 03 kỳ họp.

Đánh giá tác động đầy đủ những nội dung quy định mới

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Báo cáo đánh giá tác động đã được bổ sung nhưng nhìn chung vẫn sơ sài, chưa đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của nhiều chính sách, nội dung mới, quan trọng, cơ bản của dự án Luật như: trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; cụ thể hóa quy định Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân đối với phạm nhân; về tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam...

Đối với những quy định mới đòi hỏi phải có nguồn lực bảo đảm, nhưng cơ quan soạn thảo chưa đánh giá tính khả thi. Ví dụ: quy định: mỗi tháng, người được giao trực tiếp quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ được hưởng mức hỗ trợ tối thiểu là 25% mức lương cơ sở (các điều: 62, 88 và 103 dự thảo Luật). Trong khi đó, theo Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2018, thì tổng số người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người thi hành án treo, cải tạo không giam giữ lên tới 43.917 người. Như vậy, sẽ phát sinh thêm khoản ngân sách lớn cho việc thi hành án tại cộng đồng, nên cần được đánh giá đầy đủ về tính khả thi.

Đáng lưu ý, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại (bao gồm thi hành các hình phạt: (1) Đình chỉ hoạt động có thời hạn, (2) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, (3) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, (4) Cấm huy động vốn; thi hành các biện pháp tư pháp).

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, đây là quy định mới, ở nước ta chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm thực tiễn nhưng trong Báo cáo đánh giá tác động, Cơ quan soạn thảo chỉ đưa ra 02 phương án để lựa chọn là: có quy định hay không quy định thành một Chương trong Luật mà chưa đánh giá cụ thể về tính khả thi của việc thi hành từng loại hình phạt đối với pháp nhân thương mại; chưa quy định hậu quả pháp lý của việc cưỡng chế thi hành án, trong đó có cả cưỡng chế đối với pháp nhân thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Do đó Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung tài liệu, đánh giá tác động, kinh nghiệm quốc tế đối với những nội dung lớn được sửa đổi, bổ sung của dự án Luật.

Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)

Ngoài ra, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đề cập đến một số nội dung cụ thể của dự án Luật, đồng thời đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về các vấn đề phạm vi điều chỉnh của Luật; thời gian thông qua Luật; về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam; quy định quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; chế độ lao động của phạm nhân và tổ chức cho phạm nhân lao động; về tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại và những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bảo Yến - Nhóm ảnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=38187