THẨM TRA ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2019 VÀ NHỮNG THÁNG ĐẦU NĂM 2020

Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Những vấn đề nổi lên trong những tháng đầu năm 2020

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đạt tương đối đồng bộ mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra, có thêm 02 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 04 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng chỉ rõ một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020. Đó là số doanh nghiệp ngừng hoạt động và doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký tăng cao; một số dịch vụ tài chính như mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending) phát triển nhanh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặt ra thách thức lớn trong công tác quản lý… Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể hơn về nguyên nhân tiến độ thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. Một số ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm triển khai thu phí tự động không dừng, không bảo đảm tiến độ theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, mức độ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng. Trong Quý I, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhiều lĩnh vực, ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ dịch bệnh. Lĩnh vực nông – lâm – thủy sản gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng phụ trợ nông nghiệp; các ngành sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh…

Chỉ rõ những vấn đề nổi lên về tình hình kinh tế -xã hội 4 tháng đầu năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, về lạm phát: chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát cơ bản bình quân tăng cao gây lo ngại về áp lực lạm phát cho các quý tiếp theo. Có ý kiến đề nghị cần báo cáo về việc thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá một số mặt hàng thiết yếu tại các doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn trong cung cấp mặt hàng.

Về đầu tư công: giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến tích cực, tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Về xuất khẩu: sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp giảm hoặc tăng thấp, bị ứ đọng rất lớn ở một số cửa khẩu. Việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp và bức xúc cho xã hội.

Về giáo dục, đào tạo: nhiều ý kiến quan tâm đến việc thay đổi kế hoạch dạy học, khung thời gian năm học và đề nghị đánh giá khách quan chất lượng giảng dạy, học tập, nhất là học trực tuyến; làm rõ việc thu học phí, phụ phí trong thời gian học sinh học trực tuyến; làm rõ khó khăn của cơ sở giáo dục tư thục, đặc biệt là cấp mầm non; phương thức lựa chọn và giá sách giáo khoa mới.

Về tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai: hạn hán, sạt lở, lũ quét, mưa đá, dông lốc ở nhiều tỉnh, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng lớn tới trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Tác động kép từ biến đổi khí hậu, thiên tai cùng với dịch Covid-19 đối với người dân, nhất là ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng Đồng bằng sông Cửu Long là rất đáng quan tâm.

Về hoạt động đối ngoại: dịch bệnh đã và đang tác động tiêu cực đến mối quan hệ đối ngoại trên thế giới và việc Việt Nam chuẩn bị tổ chức các sự kiện quốc tế, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về vấn đề này.

Quan tâm đến các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cả trong ngắn hạn và hướng tới dài hạn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Một là, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.

Hai là, tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch.

Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Có cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển sản xuất trong nước, tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nội địa để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước phát triển.

Bốn là, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn.

Năm là, tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực; nghiên cứu chuyển đổi từ trồng các loại cây xuất khẩu khó khăn, giá trị gia tăng thấp sang trồng các nông sản thị trường trong nước có nhu cầu cao, nhập khẩu nhiều, giá trị gia tăng lớn.

Sáu là, thực hiện tốt việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Nghiên cứu hoàn thiện quy chế, công nghệ đào tạo trực tuyến, trang thiết bị, phương thức đánh giá chất lượng để có thể phát triển ổn định.

Bảy là, tổ chức cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm có tổ chức kiểu “xã hội đen”, giết người, tội phạm về ma túy, cướp giật, trộm cắp tài sản, tội phạm mua bán người, xâm hại phụ nữ, trẻ em…

Tám là, khẩn trương thực hiện các thủ tục phê chuẩn và tổ chức thực thi Hiệp định EVFTA, EVIPA. Tăng cường công tác đối ngoại, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, biên giới.

Sau khi nghe các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=45540