THẨM TRA BÁO CÁO KẾT QUẢ RÀ SOÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Tại Phiên họp thứ 48, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Kiểm toán nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán nhà nước.

Toàn cảnh Phiên họp 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Toàn cảnh Phiên họp 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thẩm tra Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm Toán nhà nước đã phản ánh khá đầy đủ kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật thông qua hoạt động kiểm toán 8 tháng năm 2020. Tuy nhiên, Báo cáo chưa tổng hợp các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật của các năm trước đến nay và chưa nêu kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Kiểm toán nhà nước ban hành theo thẩm quyền. Để bảo đảm đầy đủ, toàn diện, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Kiểm toán nhà nước cần bổ sung 2 nội dung này. Đồng thời, đề nghị Kiểm toán nhà nước rà soát thêm một số văn bản quy phạm pháp luật khác như các luật thuế, Luật Hải quan; các văn bản của Chính phủ (nghị định, nghị quyết); các thông tư của các bộ, ngành, đặc biệt là Nghị quyết của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương... có nội dung liên quan đến hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Về các vấn đề cụ thể, đối với Luật xử lý vi phạm hành chính, theo Báo cáo của Kiểm toán nhà nước, Luật xử lý vi phạm hành chính chưa quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước, chưa thực sự thống nhất với quy định tại khoản 6a Điều 11 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, Dự thảo luật xử lý vi phạm hành chính hiện đang gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội đã bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước trong xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước như sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 4 theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động Kiểm toán nhà nước; bổ sung Điều 48a về thẩm quyền xử phạt của Kiểm toán nhà nước, trong đó quy định rõ thẩm quyền xử phạt của Trưởng Đoàn kiểm toán, Kiểm toán trưởng; bổ sung quy định về thẩm quyền cưỡng chế của Kiểm toán trưởng,… như vậy sẽ bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đối với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Kiểm toán nhà nước cho rằng, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 quy định đơn vị được kiểm toán có quyền “yêu cầu Kiểm toán nhà nước bồi thường thiệt hại trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán theo quy định của pháp luật” song Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định về phạm vi, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo của Kiểm toán nhà nước về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Kiểm toán nhà nước.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chương IV Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát,… có trách nhiệm giải quyết bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, hoạt động tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính,… song chưa có điều, khoản quy định cụ thể về trách nhiệm bồi thường của Kiểm toán nhà nước trong trường hợp gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán. Do vậy, cần phải bổ sung quy định khi sửa đổi Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước để triển khai thực hiện nội dung về trách nhiệm bồi thường của Kiểm toán nhà nước được quy định tại khoản 6 Điều 56 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Kiểm toán nhà nước cho rằng, khái niệm tài sản công trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Kiểm toán nhà nước chưa thực sự đồng nhất. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Cơ quan soạn thảo không nêu nội dung này. Qua xem xét, nghiên cứu cho thấy phạm vi điều chỉnh tài sản công của Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Luật Kiểm toán nhà nước là khác nhau và khái niệm tài sản công quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công bao hàm đầy đủ, toàn diện phạm vi của tài sản công trong khi Luật Kiểm toán nhà nước chỉ quy định về tài sản công theo hướng phân loại các tài sản công thuộc đối tượng kiểm toán không trái với khái niệm tài sản công quy định trong Luật quản lý tài sản công. Do vậy, nội dung về tài sản công được quy định ở 2 đạo luật là không mâu thuẫn, không gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài, căn cứ vào tình hình thực tế và kinh nghiệm quốc tế tốt, cần tiếp tục nghiên cứu để quy định thống nhất khái niệm tài sản công trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với các kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản thông qua hoạt động kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nhiều văn bản chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hoặc chưa bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ. Rà soát phụ lục trình kèm Báo cáo, ngoài các văn bản là nghị định, thông tư, quyết định thuộc thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành,… Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Một số kiến nghị đã được nghiên cứu thể hiện trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu cụ thể, làm rõ hơn các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của hệ thống tổ chức công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, Kiểm toán nhà nước chưa tổng hợp các kiến nghị đề nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật các năm trước đến nay chưa thực hiện./.

Lan Hương - Hoàng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=48382