Thắm tình đồng đội trên đảo Thuyền Chài

Đoàn công tác làm nhiệm vụ chúc Tết quân dân quần đảo Trường Sa vượt muôn trùng khơi, vượt qua sóng gió để mang mùa xuân đến các điểm đảo. Mỗi đảo ở Trường Sa đều có những câu chuyệncảm động về cuộc sống những người lính biển. Và ở đảo Thuyền Chài, tình đồng chí, đồng đội khiến nhiều người ngấn lệ…

Đảo Thuyền Chài hiên ngang giữa trùng khơi

Đảo Thuyền Chài hiên ngang giữa trùng khơi

Sau nhiều ngày trên biển, nhận được thông báo, sáng hôm sau đoàn công tác lên đảo Thuyền Chài làm nhiệm vụ, ai nấy trong đoàn phóng viên cũng cảm thấy hồ hởi. Vượt qua những cơn say sóng, nhưng mệt mỏi về thể chất, những nỗi nhớ nhà… ai cũng mong đặt chân lên Thuyền Chài, bởi ở đây có nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng đội của cán bộ, chiến sỹ trên đảo.

Trên boong tàu KN 491, phóng tầm mắt hướng về đảo, từ xa chúng tôi nhìn thấy một vật thể như chiếc tàu cũ, nằm giữa bãi san hô. Tại điểm đảo Thuyền Chài C, từ ngôi nhà cao chân kiên cố chúng tôi nhìn thấy một chiếc tàu cũ, gỉ sét nằm giữa bãi san hô ở phía xa. Thượng tá Lương Xuân Giáp – Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, cho biết, đó là chiếc pông tông cũ. Mang biểu tượng là cột mốc chủ quyền đầu tiên mà quân đội Việt Nam đặt chân lên Thuyền Chài.

Đầu tháng 3/1987, trước tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của cấp trên lực lượng Lữ đoàn 146, Hải quân Vùng 4 phối hợp với các đơn vị chức năng kéo chiếc pông tông trên từ đất liền ra khơi rồi “phi thẳng” lên đảo Thuyền Chài để khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Thời kỳ đó, vì chưa có điều kiện xây dựng nhà kiên cố nên trong suốt nhiều năm, pông tông này chính là nơi ở và cũng là căn cứ chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ.

Trải qua hơn 30 năm giữa biển khơi, ngâm mình trong sóng, gió chiếc pông tông đã nhuốm “màu thời gian” nhưng vẫn sừng sững, hiên ngang khẳng định “biển này là của ta, đảo này là của ta”.

Thắp hương trước bàn thờ liệt sỹ Nguyễn Quốc Huy

Trước ban thờ liệt sỹ Nguyễn Quốc Huy trên đảo Thuyền Chài B, chúng tôi không khỏi xúc động trước hành động của anh. Đã hơn 20 năm trôi qua, liệt sỹ Nguyễn Quốc Huy vẫn ở đâu đó, sát cánh cùng đồng đội.

Hình ảnh một chiến sĩ hiền lành, điềm đạm, dũng cảm đương đầu với những cơn sóng giữ để giữ biển, giữ đảo vẫn được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo truyền tai cho nhau nghe để tiếp thêm động lực và sức mạnh.

Thượng úy Nguyễn Quốc Huy hy sinh năm 1997 khi đang là Điểm trưởng đảo Thuyền Chài B. Ngày đó, đồng chí Điểm phó bơi ra cắm bia để anh em tập luyện thì bị sóng cuốn, hụt hơi.

Thấy thế, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy bất chấp nguy hiểm bơi ra để cứu giúp đồng đội. Sau khi cứu được đồng đội vào bờ, anh hụt hơi, không thể chống chịu lại cơn sóng dữ… cứ thế, cứ thế sóng cuốn anh đi vĩnh viễn không quay trở lại. Từ đó, các đồng đội lập ban thờ trên đảo để tưởng nhớ.

Hy sinh, mất mát đã khiến nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ trên đảo Thuyền Chài B dường như gắn bó với nhau hơn. Họ coi nhau như những người thân trong gia đình.

Tình cảm thắm thiết của cán bộ, chiến sỹ

Cảm xúc nhất với chúng tôi là cảnh chia tay của những cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Người về đất liền hoàn thành nhiệm vụ được ăn Tết với gia đình, người mới đến làm nhiệm vụ thì sẽ lại thế chân để đón Tết và làm nhiệm vụ trên đảo.

Giờ phút chia tay

Sống với nhau cả năm, tháng trên điểm đảo tứ bề sóng gió quanh năm, khi chia tay, các chiến sỹ không khỏi bùi ngùi, có chiến sỹ trẻ còn bật khóc như trẻ nhỏ… Những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt để rồi sau giờ phút chia tay bịn rịn, rồi đây, ai trong số họ cũng sẽ tiếp tục nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó.

Hình ảnh đẹp của chiến sỹ trên đảo Thuyền Chài

Với chúng tôi, họ, những người lính biển kiên trung, dũng cảm ở quần đảo Trường Sa xứng đáng là những người anh hùng, ít nhất là với gia đình, người thân của họ.

Những chiến sỹ đã hy sinh một phần tuổi trẻ để hiên ngang, sẵn sàng làm nhiệm vụ nơi vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Họ xứng đáng là Chiến sỹ Trường Sa!

Võ Hoàng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tham-tinh-dong-doi-tren-dao-thuyen-chai-87654.html