Thẩm quyền giải quyết khiếu nại của người lao động

Tổng công ty của bà Đào Huyền Trang có trụ sở chính tại TPHCM. Tổng giám đốc có văn bản ủy quyền giám đốc chi nhánh tại tỉnh Quảng Bình giao kết hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Nghị định số 148/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Bà Trang hỏi, khi người lao động có khiếu nại về quyết định, hành vi của giám đốc chi nhánh xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thì việc giải quyết khiếu nại về lao động lần đầu theo quy định tại Nghị định số 24/2018/NĐ-CP thuộc thẩm quyền của giám đốc chi nhánh hay tổng giám đốc tổng công ty?

Trường hợp giám đốc chi nhánh giải quyết khiếu nại về lao động lần đầu, nhưng người lao động không đồng ý với việc giải quyết đó và khiếu nại về lao động lần hai thì thẩm quyền giải khiếu nại về lao động lần thứ hai thuộc thẩm quyền của tổng giám đốc tổng công ty hay thuộc thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM nơi tổng công ty đặt trụ sở chính?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Theo Khoản 2, Điều 3 Bộ Luật Lao động năm 2012, doanh nghiệp sử dụng lao động theo hợp đồng lao động là người sử dụng lao động.

Theo Khoản 1, Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014, chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

Tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi bởi Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ quy định, người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau:

- Người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã;

- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật;

- Người được các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân ủy quyền làm người đại diện theo quy định của pháp luật;

- Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động;

- Người được người đại diện theo pháp luật quy định tại điều lệ của doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức có tư cách pháp nhân, ủy quyền bằng văn bản về việc giao kết hợp đồng lao động.

Về trường hợp bà Đào Huyền Trang phản ánh, do chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, theo ủy quyền bằng văn bản của tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của tổng công ty, người được ủy quyền là giám đốc chi nhánh tại tỉnh Quảng Bình thay mặt doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động với người lao động, là đúng quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP.

Như vậy, giám đốc chi nhánh và chi nhánh tại tỉnh Quảng Bình chỉ được ủy quyền thay mặt doanh nghiệp giao kết hợp đồng lao động với người lao động, không phải là người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp (tổng công ty) do tổng Giám đốc là đại diện theo pháp luât,.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động

Ngày 27/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động (tình trạng còn hiệu lực).

Theo Khoản 1, Điều 3 Nghị định này, khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 15, Nghị định số 24/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động như sau:

- Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.

- Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.

Trả lời cụ thể việc bà Đào Huyền Trang hỏi, khi người lao động có khiếu nại về quyết định, hành vi của giám đốc chi nhánh (đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp) xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động lần đầu là tổng giám đốc tổng công ty, là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng lao động.

Khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được người sử dụng lao động (tổng giám đốc tổng công ty đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sử dụng lao động) giải quyết thì, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, nơi doanh nghiệp sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/tham-quyen-giai-quyet-khieu-nai-cua-nguoi-lao-dong/373096.vgp