'Thẩm phán và đao phủ': Thiện ác đối đầu

Friedrich Dürrenmatt (1921 -1990) kịch tác gia người Thụy Sĩ, nổi tiếng với vở kịch Bà lớn về thăm (1956). Bên cạnh sự nghiệp viết kịch, ông còn được biết đến như một nhà văn viết truyện trinh thám hình sự xuất sắc. Ở thể loại này, đáng kể nhất là tác phẩm Thẩm phán và đao phủ (Phạm Hoài Nam dịch, Phanbook và NXB Phụ nữ ấn hành 2019).

Truyện mở đầu bằng một ngày mù sương, thi thể của viên cảnh sát được tìm thấy, đẩy thanh tra Barlach lúc bấy giờ đã tuổi cao sức yếu, mang đầy bệnh tật vào một cuộc hành trình khám phá những bí mật đen tối ẩn dưới vẻ yên bình của một ngôi làng Thụy Sĩ.

Nhưng nếu "Thẩm phán và đao phủ" chỉ là tiểu thuyết hình sự, dẫu hồi hộp, kịch tính đến đâu cũng không thoát ra khỏi định kiến của thể loại được xem là "á văn học". Dường như Dürrenmatt viết truyện trinh thám để nhằm xóa bỏ cái định kiến này. Đối với ông, án mạng hay thậm chí việc phá án chỉ là cái cớ để ông bóc tách con người dưới lăng kính của nhà điều tra.

Bìa sách “Thẩm phán và đao phủ”

Bìa sách “Thẩm phán và đao phủ”

Trong quyển sách này, con người dưới ngòi bút của Dürrenmatt bị đẩy đến lằn ranh giữa thiện và ác, giữa con người dã man, bản năng với con người của những thiết chế xã hội. Ở một thế giới được gọi là văn minh, liệu có thể hành xử tùy tiện theo kiểu ân oán giang hồ mạng đổi mạng được không? Cái ác trong "Thẩm phán và đao phủ" là cái ác nguyên sơ, sinh ra từ khoái lạc hướng ác. Thẩm phán và đao phủ vừa là hai biểu tượng của công lý nhưng đồng thời có thể hiểu nó như hai phần thiện - ác trong mỗi con người. Giữa một bên lúc nào cũng phải soát xét, công bằng (thẩm phán) và một bên là mù quáng và khát máu (đao phủ). Đó là cuộc chiến không khoan nhượng, sự giằng xé nội tâm trong chính mỗi con người.

Sau Friedrich Dürrenmatt, truyện trinh thám đã thoát ra khỏi những hạn hẹp của một thể loại câu khách thông thường. Thế giới đã có "Tên của đóa hồng" của Umberto Eco, "Tên tôi là đỏ" của nhà văn đoạt giải Nobel Orhan Pamuk hay "Mùi hương" của Patrick Süskind… Những nhà văn đó đều mượn những vụ án mạng, những tên sát nhân để làm nguyên cớ cho cuộc đi tìm ý nghĩa triết học của tồn tại, của cái đẹp. Nhưng họ không có cái gọn gàng, quyết liệt của Dürrenmatt, trong cuốn tiểu thuyết chưa đến 200 trang này là cả một cuộc chiến.

Chung Bảo

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/tham-phan-va-dao-phu-thien-ac-doi-dau-20190419222639922.htm