Thẩm phán Philippines: Gác lại phán quyết Biển Đông chẳng khác nào từ bỏ

Bất kỳ sự chấp nhận hoặc ngụ ý chấp nhận nào cũng có thể dẫn đến việc đánh mất chủ quyền - theo thẩm phán Philippines.

Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio ngày 13/9 cho biết việc “gạt sang một bên” phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế năm 2016 về Biển Đông cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ nó.

Tuyên bố trên của thẩm phán Carpio được đưa ra là nhằm phản bác lại khẳng định của Điện Malacanang cho rằng Tổng thống Duterte chỉ đơn thuần là “gạt sang một bên”, chứ không từ bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực có trụ sở tại The Hague.

Trong phán quyết của mình, Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển đã bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông.

Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio. (Ảnh: Philstar)

Phó Chánh án Tòa Tối cao Philippines Antonio Carpio. (Ảnh: Philstar)

Tại một cuộc họp báo đầu tuần này, ông Duterte cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết sẽ để Philippines hưởng phần lớn hơn trong đề xuất chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông theo tỷ lệ 60:40, nếu Manila gạt phán quyết Tòa Trọng tài sang một bên.

Tuy nhiên, theo lời khẳng định của ông Carpio, Tổng thống Duterte không có thẩm quyền “gạt sang một bên” phán quyết mang tính bước ngoặt này.

Trong luật pháp, ‘gạt sang một bên’ một phán quyết có nghĩa là từ bỏ, đảo ngược hoặc hủy bỏ phán quyết đó. Theo nghĩa pháp lý như vậy, ông Duterte không có quyền ‘gạt sang một bên’ phán quyết do Tòa The Hague ban hành” - ông Carpio nói.

Theo thẩm phán Philippines, cho dù Tổng thống Duterte không có quyền từ bỏ phán quyết Biển Đông theo luật pháp quốc tế, nhưng việc ông đơn phương tuyên bố như vậy chẳng khác nào tạo cơ hội để Trung Quốc lợi dụng.

Bất cứ khi nào Trung Quốc thực hiện các hành vi xâm phạm chủ quyền của chúng ta theo phán quyết Tòa trọng tài, Philippines đều phải lên tiếng chính thức và kịp thời phản đối để tránh việc bị coi là chấp nhận hoặc ngụ ý chấp nhận hành vi xâm phạm đó”, ông Carpio nói.

Bất kỳ sự chấp nhận hoặc ngụ ý chấp nhận nào cũng có thể dẫn đến việc đánh mất chủ quyền của chúng ta. Chính quyền Duterte và người dân Philippines phải luôn cảnh giác để tránh điều này” - thẩm phán Philippines cảnh báo.

Thẩm phán Antonio Carpion chính là người từng tham gia tích cực trong vụ Manila đưa Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài Quốc tế 2016.

Ông Carpio không phải chính khách Philippines duy nhất tỏ ra tức giận với những tuyên bố của Tổng thống Duterte về việc gạt phán quyết Biển Đông sang một bên để bắt tay hợp tác với Trung Quốc.

Trước đó, Phó Tổng thống Philippines, bà Leni Robredo cũng tuyên bố rằng ý định phớt lờ phán quyết Biển Đông năm 2016 là đáng thất vọng và cực kỳ vô trách nhiệm. Bà nhấn mạnh rằng việc “bán” phán quyết và tương lai đất nước để đổi lấy một thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc là một sự xấu hổ với các thế hệ sau này.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tham-phan-philippines-gac-lai-phan-quyet-bien-dong-chang-khac-nao-tu-bo-d498309.html