Thẩm phán Mỹ đòi bồi thường 54 triệu USD vì chiếc quần thuê giặt

Cho rằng tiệm giặt là đánh tráo chiếc quần dài của mình, vị khách hàng kiện đòi bồi thường với số tiền gây sốc tại Mỹ.

Từ Hàn Quốc, ông Jin Chung cùng vợ Soo Chung và con trai Ki Chung nhập cư Mỹ từ năm 1992 nhằm tìm kiếm sự sung túc và giấc mơ kiểu Mỹ. Sau nhiều năm lao động cần cũ, tiết kiệm, gia đình họ Chung mở cửa tiệm giặt là có tên Happy Cleaners vào năm 1997. Năm 2000, họ mở thêm một cửa tiệm khác với quy mô lớn hơn, đặt tên Custom Cleaners. Tự tin vào kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm kinh doanh, gia đình cần cù này đã treo biển quảng cáo ở tiệm thứ hai có dòng chữ: “Đảm bảo (làm quý khách) hài lòng” và “Trả đồ cùng ngày nhận”.

Ngày 3/5/2005, vì muốn chưng diện trong ngày đầu đi làm ở công việc mới, Roy Pearson, luật sư và thẩm phán tại tòa hành chính Washington DC, đã gửi một chiếc quần dài tại cửa tiệm của gia đình ông Chung để sửa và được hẹn trả vào ngày 5/5. Chiếc quần màu xám với đặc điểm nhận dạng là ba con đỉa quần liền sát nhau ở cả hai bên mặt trước của lưng quần.

Vì một số trục trặc nhỏ, gia đình Chung trả quần cho ông Roy Pearson chậm vài ngày. Khi tới cửa hàng, ông Roy Pearson rất tức giận và không chịu nhận lại chiếc quần được trao trả có mã số trùng khớp biên lai gửi đồ.

Khi gia đình Chung không chấp nhận bồi thường 1.000 USD cho chiếc quần, ông Roy Pearson đã đệ đơn kiện lên tòa án Tối cao quận Columbia.

Ký họa về phiên tòa.

Ông Roy Pearson đã viện dẫn luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng của quận Columbia và những căn cứ sau. Thứ nhất, gia đình ông Chung định lừa gạt ông, họ đã làm mất chiếc quần và cố trả bằng một chiếc khác. Thứ hai, hai biển hiệu treo trong cửa tiệm là “Đảm bảo sự hài lòng” và “Trả đồ cùng ngày nhận” trong khi thực tế không như vậy.

Trước quan điểm đòi bòi thường này, gia đình Chung quả quyết rằng chiếc quần họ trả thuộc về Pearson và biển hiệu không chứa đựng sự dối trá.

Vụ việc dân sự được tòa thụ lý. Trong phiên điều trần chuẩn bị xét xử, gia đình Chung yêu cầu tòa bãi bỏ vụ việc, nhưng thẩm phán quyết định phiên tòa vẫn sẽ được tiến hành.

Theo Manning-sossamon, vụ việc gây sốc trên toàn nước Mỹ khi vào tháng 3/2007 khi ông Roy Pearson đưa ra yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại lên tới 54 triệu USD. Khoản này bao gồm: 500.000 USD phí luật sư (trong khi ông tự đại diện cho mình), 2 triệu USD cho “sự phiền muộn, bất tiện, và stress” do mất quần, 15.000 USD là phí thuê xe vào mỗi cuối tuần để đi giặt ở một cửa tiệm khác xa hơn. 51,5 triệu USD còn lại nhằm giúp đỡ người tiêu dùng gặp chuyện tương tự kiện những cửa hàng có hành vi gian dối.

Luật sư Christopher Manning của gia đình ông Chung lần lượt đưa ra ba khoản tiền tương ứng với các yêu cầu trên là 3.000 USD, 4.600 USD và 12.000 USD và đương nhiên đều bị nguyên đơn gạt đi.

Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 12/6/2007. Khi trình bày trước tòa về tâm trạng sau khi bị mất quần, ông Roy Pearson bật khóc dữ dội khiến thẩm phán phải cho tạm hoãn phiên tòa.

Sau đó, tại phiên tòa, ông Roy Pearson không thể chứng minh được chiếc quần kia không phải là của mình. Mọi lập luận ông đưa ra đều bị luật sư Manning "bẻ gãy". Manning nói rằng một biển hiệu treo trong cửa tiệm chỉ có thể bị coi là gian dối nếu một người bình thường có thể bị lừa khi đọc nội dung. Hơn nữa, không ai coi tấm biển của gia đình Chung là lời hứa hẹn vô điều kiện rằng họ sẽ thỏa mãn được mọi yêu cầu của khách hàng.

Cuối cùng, dưới những câu hỏi sắc sảo của Manning, ông Roy Pearson buộc phải thừa nhận rằng khi vụ việc diễn ra, ông này chỉ có vỏn vẹn 1.000-2.000 USD trong tài khoản vì phải chi trả thủ tục ly hôn và đang phải nhận trợ cấp thất nghiệp.

Luật sư của gia đình nhập cư Hàn Quốc đã thành công trong việc phác họa hình ảnh ông Roy Pearson trước tòa là một người bất mãn với cuộc sống và ngập trong nợ nần.

Ngày 25/6/2007, thẩm phán đã bác bỏ toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn vì có đủ căn cứ để cho rằng đã có hành động thiếu thiện chí trong vụ việc, đồng thời không có cơ sở để ông này được nhận bồi thường.

Để có tiền chi trả phí luật sư 80.000 USD, gia đình Chung suýt phải đóng gói đồ đạc quay về Hàn Quốc. May mắn thay, Hiệp hội Cải cách Luật Dân sự Mỹ và Viện nghiên cứu Cải cách Pháp luật thuộc Phòng Thương mại Mỹ đã chung tay lập ra một trang web để kêu gọi và thu nhận tiền quyên góp từ nhiều nhà hảo tâm nhằm giúp gia đình nhập cư có thể theo đuổi vụ kiện và sống bình thường trở lại.

Dù vậy, gia đình nhà Chung vẫn phải đóng cửa tiệm Custom Cleaners vào tháng 7/2007 vì lý do tinh thần và lợi nhuận giảm sút – hệ lụy sau vụ kiện. Hiện tại, gia đình này chỉ kinh doanh tiệm duy nhất ở thành phố Washington DC.

Về Roy Pearson, ông được bổ nhiệm làm thẩm phán tòa hành chính vào 2005 với nhiệm kỳ 10 năm và mức lương 100.000 USD một năm. Cho rằng vụ kiện thể hiện việc "thiếu phẩm chất của người thẩm phán", Hội đồng thành phố Washington bãi nhiệm ông này, sau hai năm làm việc.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/tham-phan-my-doi-boi-thuong-54-trieu-usd-vi-chiec-quan-thue-giat-884629.html