Thẩm phán là người họ hàng của bị cáo, được không?

Tháng 3-2017, con tôi bị cướp giật khi đang chạy xe. Con tôi bị chấn thương sọ não do ngã xe, vài ngày sau thì tử vong.

Hôm xảy ra cướp giật, người dân có bắt được đối tượng và giao cho công an. Vụ án sắp đưa ra xét xử sơ thẩm, tôi nghe nói thẩm phán xét xử vụ án của con tôi có anh em họ hàng với bị cáo. Tôi xin hỏi tôi muốn thay đổi thẩm phán xét xử trong vụ này được không, thủ tục ra sao?

Bạn đọc có địa chỉ mail caophi…@gmail.com

Luật sư Cao Ngọc Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Thẩm phán, hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp: Họ cùng trong một HĐXX và là người thân thích với nhau; đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên, thư ký tòa án.

Bên cạnh đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; 2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó; 3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. (Theo Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Như vậy, khi có căn cứ rõ ràng cho rằng thẩm phán là người thân thích của bị cáo, không vô tư trong quá trình xét xử thì bạn có thể làm đơn xin thay đổi thẩm phán gửi đến tòa án đang thụ lý vụ án. Việc bạn “nghe nói” thẩm phán có anh em họ hàng với bị cáo thì chưa đủ cơ sở để xem xét. Bạn phải thu thập, cung cấp chứng cứ mang tính pháp lý chứng minh việc thẩm phán và bị cáo có anh em họ hàng với nhau để tòa xem xét.

PHẠM TUYÊN ghi

Nguồn PLO: http://plo.vn/ban-doc/toi-muon-hoi/tham-phan-la-nguoi-ho-hang-cua-bi-cao-duoc-khong-786284.html