Tham nhũng vặt – hậu quả không vặt vãnh

Cuối tháng 7 vừa qua, ngành bảo hiểm đã công bố một thông tin thống kê đáng chú ý và cũng đáng buồn: Trong năm 2018, có 157 trường hợp khám bệnh chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) trên 150 lần, trong đó có 22 trường hợp khám trên 170 lần.

Quyền lợi chính đáng của nhiều người bệnh bị ảnh hưởng do tình trạng lạm dụng, trục lợi từ Quỹ BHYT - Ảnh minh họa

Quyền lợi chính đáng của nhiều người bệnh bị ảnh hưởng do tình trạng lạm dụng, trục lợi từ Quỹ BHYT - Ảnh minh họa

Trước đó, một bệnh nhân tại TPHCM cũng đi khám, chữa bệnh (KCB) với số lần cao bất thường. Theo thông kê, từ ngày 2/4 – 4/5/2019, bệnh nhân đã đến khám ở rất nhiều bệnh viện và sử dụng thẻ BHYT để KCB lấy thuốc, dù các bệnh viện có cùng chẩn đoán về tình trạng bệnh.

Trong 1 tháng trên, tổng số tiền KCB mà Quỹ BHYT chi cho bệnh nhân này là 16,7 triệu đồng. Bảo hiểm xã hội TPHCM đã kiểm tra dữ liệu KCB của bệnh nhân nói trên và kết quả cho thấy trong năm 2018, người này cũng đã sử dụng thẻ BHYT đến khám chữa bệnh tại rất nhiều cơ sở, với tổng cộng 149 lượt khám, tổng số tiền KCB BHYT chi là hơn 102 triệu đồng.

Có nhiều lý do để người bệnh đưa ra giải thích cho việc làm này, tuy nhiên, việc sử dụng thẻ BHYT đi khám cho cùng một chẩn đoán cho thấy dấu hiệu về việc, lạm dụng, thậm chí vi phạm pháp luật, trục lợi từ Quỹ BHYT.

Trục lợi từ bảo hiểm là vấn đề không còn mới mẻ trong những năm qua và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt chi, bội chi quỹ KCB BHYT – lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng trong những năm qua. Thậm chí mới đây, tại Gia Lai đã phát hiện hai bệnh viện chuyên thu gom bệnh nhân đi khám chữa bệnh dưới danh nghĩa làm từ thiện.

Bảo hiểm xã hội, trong đó có BHYT, là một định chế quan trọng nhằm bảo đảm sự ổn định cho xã hội cũng như giúp mỗi cá nhân, gia đình bớt khó khăn khi không may gặp tai nạn, bệnh tật. Trong suốt một thời gian dài, ngành bảo hiểm xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc vận động người dân, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như tăng thu ở những đơn vị theo quy định của pháp luật thuộc diện bảo hiểm bắt buộc. Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, người lao động bị vi phạm quyền lợi vẫn là một vấn đề nhức nhối chưa thể khắc phục trong một sớm một chiều.

Tuy nhiên ở phương diện khác, việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói. Để nhiều cá nhân tìm cách trục lợi quỹ, có nguyên nhân đến từ các quy định, sự phối hợp giữa các cơ quan. Và nhằm tránh tình trạng trên, ngành bảo hiểm và y tế đã thống nhất nhiều biện pháp khá đồng bộ, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để nạn trục lợi quỹ bảo hiểm.

Chẳng hạn, đã có quy định về việc công khai thông tin trên các phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Tuy nhiên, nếu ngành bảo hiểm yêu cầu việc cập nhật thông tin diễn ra từng ngày thì phía các cơ sở y tế lại thực hiện theo từng tuần. Chính vì vậy, việc trục lợi từ khám chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế là vẫn có cơ hội thực hiện.

Rõ ràng, với những người mỗi năm đi khám bệnh từ 150 đến 170 lần, họ gần như chẳng có việc gì ngoài đi khám. Thời gian đi đến các cơ sở y tế khám bệnh chiếm gần một nửa quỹ thời gian trong năm của họ. Nói cách khác, việc đi khám bệnh tại nhiều cơ sở khác nhau đã mang tính “chuyên nghiệp” với mục đích trục lợi từ quỹ BHXH.

Chính phủ đã xác định tình trạng tham nhũng vặt đang xuất hiện ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh, gọi là “tham nhũng vặt” nhưng tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”… đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội.

Chúng ta đã nói nhiều đến tình trạng cán bộ nhà nước trục lợi từ công sản, công quỹ. Quỹ bảo hiểm nằm ngoài ngân sách nhà nước, nhưng rõ ràng hành vi của một số người trục lợi từ quỹ này có thể coi là một dạng tham ô của chung, chưa kể đến việc tiếp tay của một số cán bộ. Về hậu quả, việc trục lợi, bòn rút từ Quỹ BHYT còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của các bệnh nhân khác - những người vốn đã ở hoàn cảnh rất khó khăn.

Còn tình trạng tham nhũng vặt, sẽ còn những “kỷ lục” buồn và chắc chắn hậu quả của những tệ nạn này cũng không hề ở mức độ vặt vãnh.

Quang Lê

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/tham-nhung-vat-hau-qua-khong-vat-vanh/373053.vgp