Tham nhũng vặt có xu hướng giảm

Báo cáo PAPI năm 2018 – Báo cáo về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2018 vừa được công bố hôm nay (2/04/2019).

Tổng quan về Báo cáo PAPI 2018.

Tổng quan về Báo cáo PAPI 2018.

Báo cáo của PAPI cho thấy, tình hình tham nhũng đã được kiểm soát hiệu quả. Sự cải thiện này đến từ mức độ tham nhũng vặt ở một số dịch vụ công giảm; tham nhũng ở cấp cơ sở có xu hướng giảm dần; các tin tức về việc xử lý các “đại án” có tác động đến cảm nhận của người dân. Trên thực tế, người dân cho rằng tham nhũng vặt ở cấp cơ sở đã có xu hướng giảm.

Báo cáo PAPI được thực hiện bởi UNDP, đây là năm thứ 10 của nghiên cứu PAPI kể từ khi khởi xướng năm 2009. Đây là báo cáo đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh; đánh giá trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả của chính quyền các cấp trong thực hiện vai trò quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật, cung ứng dịch vụ hành chính và dịch vụ công căn bản tới mọi người dân.

Chỉ số PAPI năm 2018 có 8 chỉ số nội dung, gồm 2 nội dung mới là Quản trị môi trường và Quản trị điện tử. 6 nội dung gốc gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.

Thông qua báo cáo PAPI 2018, người dân hài lòng hơn với dịch vụ công, song còn quan ngại về môi trường, đói nghèo và tham nhũng.

Báo cáo cũng chỉ ra sự hài lòng hơn của người dân trong việc tham nhũng được hạn chế. Cụ thể, tình trạng nhũng nhiễu trong lĩnh vực y tế và giáo dục tiểu học công lập thuyên giảm; người dân hài lòng hơn với hầu hết các dịch vụ công căn bản; và các cấp chính quyền cơ sở đã bắt đầu tương tác nhiều hơn với người dân.

Điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công 2018 về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã/phường cũng tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân phản ánh vẫn còn có nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện tượng cán bộ sử dụng công quỹ vào mục đích riêng không giảm. Đặc biệt, người dân trên phạm vi cả nước cho rằng, chất lượng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nơi họ sinh sống kém hơn ba năm trước.

Đánh giá về báo cáo này, TS. Đặng Hoàng Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Cecodes, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI 2018 cho rằng, khi Việt Nam ngày càng phát triển, nền quản trị và hành chính công sẽ ngày càng đối mặt với nhiều thách thức hơn. Một trong những thách thức đó là vấn đề môi trường. Do đó, chỉ số nội dung “Quản trị môi trường” bắt đầu được đưa vào Chỉ số PAPI từ năm 2018 và sẽ tiếp tục được cải thiện, bổ sung trong thời gian tới.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tham-nhung-vat-co-xu-huong-giam-post295064.info