'Tham nhũng vặt': Ai còn bảo là chuyện vặt?

Tham nhũng vặt cũng như một căn bệnh ung thư trải qua các giai đoạn. Ban đầu căn bệnh này nếu không được chữa trị kịp thời khi còn nhẹ để di căn dần dần sẽ trở nên nguy hiểm, tích tụ thành tham nhũng lớn...

Ngày 22/10/2018, trình bày báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Cử tri và nhân dân còn bức xúc về nạn “tham nhũng vặt”, nhiều doanh nghiệp và người dân vẫn phải chi những khoản ngoài quy định khi thực hiện các thủ tục hành chính và chưa hài lòng khi những biểu hiện tiêu cực này chủ yếu được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí mà rất ít được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bài tại Quốc hội

Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã nêu rõ, thời gian qua, các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn, thực hiện điều tra nhanh, truy bắt kịp thời, xử lý nhiều đối tượng phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất lo ngại về tình hình tội phạm trên một số địa bàn vẫn diễn biến phức tạp: trộm, cướp ngày càng nguy hiểm, táo tợn (như cướp ngân hàng, cướp tiệm vàng); một số vụ án giết nhiều người gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân; nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình.

Tình trạng mua bán và chế biến các chất ma túy diễn biến rất phức tạp. Hành vi lừa đảo qua mạng, hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; “bảo kê”, băng nhóm “xã hội đen”, sử dụng “đầu gấu” đòi nợ thuê… diễn ra ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân...

Qua báo cáo tập hợp ý kiến của cử tri cả nước và thực tiễn cuộc sống cho thấy, "tham nhũng vặt" đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi với nhiều hình thức tinh vi. Doanh nghiệp muốn được việc thì phải có phí “bôi trơn”, người dân qua cửa công quyền nếu không mong bị “hành là chính” thì chỉ cần “lót tay” phong bao, phong bì. Cha mẹ muốn con vào trường điểm, trường tốt thì phải chạy lớp, chạy trường. Những câu chuyện tham nhũng vặt này đã và đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào ngõ ngách của đời sống xã hội.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện và xử lý được nhiều vụ án tham nhũng lớn với các chức vụ, quyền hạn càng ngày càng cao, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, hiện nay còn một vấn đề mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước băn khoăn, nhân dân bức xúc đó là tình trạng tham nhũng vặt, tức là các vụ việc số lượng tiền bạc không nhiều nhưng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, tác động trực tiếp tới người dân khi họ muốn thực hiện quyền và nghĩa vụ với Nhà nước.

Về vấn đề này, TS Đinh Văn Minh- Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (ảnh trên) chia sẻ với cơ quan báo chí: "Tham nhũng vặt nhưng không phải là chuyện vặt chính ở chỗ đó. Chuyện người dân muốn làm việc nọ, việc kia nhưng phải “lót tay”, “bôi trơn”, quà cáp là chuyện không đúng, không bình thường nhưng nguy hiểm ở chỗ hiện nay điều đó lại trở thành bình thường, phổ biến và mọi người dường như chấp nhận vì ai cũng làm như vậy mà mình không làm thì sẽ bị bất bình đẳng. Đó là điều đáng e ngại, thậm chí đáng phê phán. Xảy ra tham nhũng vặt xuất phát từ nhiều phía, nhưng xuất phát điểm không phải tự người dân muốn thế vì qua cách ứng xử hàng ngày của cán bộ công chức, trong giải quyết công việc dường như nếu không có chuyện “lót tay” thì công việc sẽ trở nên khó khăn, cho nên người nọ bảo người kia nhìn nhau mà làm..."

Cũng theo ông Minh, tham nhũng vặt là vấn đề khá phức tạp, có nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về thủ tục hành chính, nhưng tôi cho rằng trước hết là do ý thức trách nhiệm, thói quen, tâm lý từ thời cơ chế xin-cho. Người dân nói rất đúng, cán bộ công chức, viên chức được nhận lương, được đảm bảo các điều kiện thì phải có trách nhiệm trong công việc. Trách nhiệm đó không phải là việc khi người dân đến anh ban phát hay đòi hỏi sự cảm ơn nào đó.

Nhà báo Quyết Tuấn (ảnh trên) cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của nhiều người khi cho rằng: Vấn nạn cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho dân trong các giao dịch công ngày càng trở nên phổ biến; chưa kể đến nạn tham nhũng vặt từ chế độ, quần áo, thực phẩm của Nhà nước, nhà hảo tâm chăm lo, ủng hộ đồng bào dân tộc bị lũ lụt… làm bào mòn niềm tin của người dân và đang tạo ra nhiều bức xúc. Điều đáng nói là vẫn có người thờ ơ với tình trạng tham nhũng vặt. Vì thoạt nhìn, nó không làm hại ngay, thậm chí còn có lợi cho công việc do tính chất “bôi trơn”. Không ít doanh nghiệp cho biết, họ sẵn sàng “chi trả” cho tham nhũng vặt để được việc hơn là phải nghiêm túc thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

"Tham nhũng vặt như một căn bệnh ung thư cũng phải trải qua các giai đoạn nặng nhẹ khác nhau. Nếu không được thường xuyên khám xét và đưa ra những liệu trình điều trị kịp thời đạt hiệu quả khi còn nhẹ để chúng phát triển theo thời gian sẽ di căn. Sẽ là vô cùng nguy hiểm khi tham nhũng vặt được tích tụ qua thời gian thành tham nhũng lớn gây ra muôn vàn hệ lụy cho xã hội, làm xói mòn niềm tin của dân nhân với Đảng, với chế độ, làm cho tiến trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bị đảo ngược...Khi tham nhũng vặt không còn là chuyện vặn, chúng ta cần phải thể chế hóa hệ thống văn bản pháp lý để ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới loại bỏ tham nhũng vặt đúng tinh thần Bác Hồ đã dạy cán bộ, đảng viên khi thi hành công vụ: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”...", Nhà báo Quyết Tuấn nhấn mạnh.

Đức Nga

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/tham-nhung-vat-ai-bao-la-chuyen-vat-53911.htm